• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hành động quân sự Nhật – Australia tung "tín hiệu mạnh" tới Trung Quốc

Thế giới 07/01/2022 19:50

(Tổ Quốc) - Hiệp ước quốc phòng mới của Australia và Nhật Bản gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng hai nước này sẽ hợp tác chặt chẽ để đảm bảo một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương ổn định, theo nhận định của một nhà phân tích cấp cao từ một tổ chức tham vấn của Australia hôm thứ Sáu.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc gặp trực tuyến người đồng cấp Australia Scott Morrison vào thứ Năm. Hai nước đã ký thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA), giúp tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai bên, và sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết trong nước để thỏa thuận này có hiệu lực "càng sớm càng tốt".

Theo chuyên gia Malcolm Davis từ Viện Chính sách Chiến lược Australia, thỏa thuận này sẽ mở đường cho một mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn nhiều, vì các lực lượng Nhật Bản và Australia có thể triển khai từ các căn cứ của nhau và thiết lập các giao thức hành động chung.

Ông Davis chia sẻ với chương trình "Squawk Box Asia" của CNBC rằng: "Điều quan trọng hơn là thông điệp chiến lược mà RAA gửi tới khu vực - rằng Nhật Bản và Australia đang làm việc cùng nhau chặt chẽ hơn để đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở".

"Động thái này đang diễn ra trong bối cảnh một Trung Quốc đang trỗi dậy, cứng rắn hơn ở các khu vực như Biển Đông, Biển Hoa Đông, nơi Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ, và tất nhiên, có cả vấn đề Đài Loan", ông nói thêm.

Đề cập đến phản ứng tiếp theo của Trung Quốc đối với thỏa thuận quốc phòng Australia - Nhật Bản, ông Davis nói: "Tôi hoàn toàn dự đoán sẽ có một số tuyên bố ngắn gọn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh". Ông nói thêm: "Họ sẽ không thích điều này, nhưng thẳng thắn mà nói, chúng tôi đưa ra các lựa chọn chính sách quốc phòng dựa trên nhu cầu của Australia, không phải dựa trên những gì Trung Quốc muốn".

Hành động quân sự Nhật – Australia tung "tín hiệu mạnh" tới Trung Quốc - Ảnh 1.

Thoả thuận mới đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ giữa hai nước. Ảnh: AP.

Định nghĩa về khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương là gì?

Định nghĩa địa lý chính xác của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác nhau tùy theo các quốc gia và cơ quan hành chính. Nhưng nói rộng ra, cụm từ này dùng để chỉ khu vực nối liền giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nối với nhau bằng eo biển Malacca ở trung tâm Đông Nam Á.

Thuật ngữ này cũng đã trở nên nổi bật trong diễn ngôn địa chính trị khi cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn mở rộng ảnh hưởng chính trị, quân sự và kinh tế của họ trên toàn khu vực rộng lớn này.

Về phần mình, Mỹ trong những năm gần đây đã tăng cường hỗ trợ các đồng minh nổi bật như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, cùng nhiều đồng minh khác.

Washington cũng có một số thỏa thuận đa phương với các quốc gia khác, bao gồm quan hệ đối tác an ninh ba bên với Vương quốc Anh và Australia cũng như Đối thoại An ninh bốn bên có thêm Ấn Độ và Nhật Bản.

Ông Davis nói: Những thỏa thuận đó gửi đi "một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng Mỹ, Anh, Nhật Bản, các cường quốc chủ chốt khác đang hợp tác để thực hiện một số việc". Thứ nhất, những thỏa thuận này thể hiện cam kết của các nước trong việc xây dựng một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định, tự do và cởi mở; thứ hai, loạt động thái như vậy là một cách để kiềm chế Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp, bao gồm cả Đài Loan.

"Thứ ba, để có thể đối phó với các mối đe dọa khi chúng xuất hiện," ông nói thêm.

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc

Có thể thấy Bắc Kinh ngày càng cứng rắn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông trong những năm gần đây.

Năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thông báo ý định "đoàn tụ hòa bình" với Đài Loan, điều đã dấy lên sự giận dữ tại hòn đảo này.

Chuyên gia Davis của ASPI nói với CNBC rằng mối quan ngại lớn là khả năng Trung Quốc thực hiện một số động thái chống lại Đài Loan và các thỏa thuận an ninh hiện có ở Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể "củng cố độ tin cậy về khả năng răn đe của liên minh".

Curtis Chin, chuyên gia châu Á tại Viện Milken, cũng chia sẻ với chương trình Street Signs Asia của CNBC vào thứ Sáu rằng: "Vấn đề Đài Loan luôn được nêu ra rất sớm trong các cuộc thảo luận khi Mỹ, Nhật Bản và Australia tăng cường mối quan hệ của họ với nhau".

Một số nhà phân tích chính trị cho rằng căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về Đài Loan sẽ là rủi ro hàng đầu đối với châu Á trong năm nay.

Về mặt kinh tế, Trung Quốc là thành viên của hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, (RCEP), bao gồm một số quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Bắc Kinh cũng đang vận động hành lang để tham gia một thỏa thuận thương mại lớn khác tại khu vực này.

Trung Quốc cũng có một chương trình đầy tham vọng mang tên Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhằm xây dựng một mạng lưới cơ sở hạ tầng và kỹ thuật số kết nối hàng trăm quốc gia từ châu Á đến Trung Đông, châu Phi và châu Âu đồng thời mở rộng ảnh hưởng của họ ở tất cả các khu vực đó.

Chuyên gia Curtis Chin giải thích rằng trong khi phần lớn các cuộc thảo luận xoay quanh việc các quốc gia phản ứng như thế nào trước một Trung Quốc đang trỗi dậy, thì điều quan trọng là phải xem xét những tác động mà nội bộ Trung Quốc mang lại cho thế giới.

Những vấn đề này bao gồm nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19 cũng như cố gắng đưa nền kinh tế đi đúng hướng. Nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng các vấn đề trên thị trường bất động sản và tiêu dùng chậm chạp có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Chin vẫn bày tỏ hy vọng rằng vào năm 2022, tất cả các bên liên quan sẽ "lùi lại một bước và nhận ra rằng cái mà một số người gọi là chiến tranh lạnh đang nổi lên trở thành một cuộc chiến tranh nóng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là điều không có lợi cho ai".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ