• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hành trình tìm đến “cái thiện” của người phụ nữ 7x nghiện ma túy

Sức khỏe 15/11/2019 08:03

(Tổ Quốc) - Ít ai ngờ được rằng, người phụ nữ thay mặt cho các nhóm cộng đồng phát biểu đầy tự tin tại Hội thảo “Tăng cường vai trò của cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS” đã từng phải vượt qua bao thử thách, sự kỳ thị của cộng đồng để tìm lại chính mình.

Là một con người khác sau khi được cảm hóa

Từng "dính" vào ma túy từ năm 17 tuổi, chị Phạm Thị Minh (Trưởng Liên minh Câu lạc bộ Về nhà) không ngờ được rằng, đến một ngày, chị lại là "chỗ dựa" về tinh thần, cuộc sống cho rất nhiều người từng có quá khứ lầm lỗi như mình.

Hành trình tìm đến “cái thiện” của người phụ nữ 7x nghiện ma túy - Ảnh 1.

Nhóm của chị Minh tham gia một hoạt động phổ biến kiến thức cộng đồng.

Gặp tôi ngoài hành lang của buổi hội thảo, phải hút hết gần một điếu thuốc chị mới bình tĩnh kể lại câu chuyện của năm xưa: "Thời đó theo phong trào của xã hội, lúc đi chơi cùng đám bạn 7x, bạn bè thường rủ nhau làm thử vài khói heroin. Lúc đó cứ nghĩ chơi mà không bao giờ nghĩ mình sẽ nghiện. Tuổi trẻ còn nông nổi, ham chơi và bất cần lắm. Thậm chí thấy pano, áp phích tuyên truyền về HIV sẽ dẫn đến tử vong cũng chẳng sợ đâu, cứ nghĩ là họ chỉ dọa mình vậy thôi chứ làm gì có vi rút như vậy".

Những ngày mới từ trại cai nghiện về, trong đầu chị vẫn nghĩ rằng mình sẽ không thể cai nổi ma túy. Đến khi tham gia vào câu lạc bộ "Hoa xương rồng" để hỗ trợ cho những người phụ nữ sau khi đi cai nghiện về thì suy nghĩ chị Minh cũng có phần được ổn định hơn. Cuộc sống của người phụ nữ này thực sự rẽ sang một hướng khác lúc gặp chị Khuất Thị Hải Oanh (hiện đang là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng – SCDi) khi tham gia vào dự án phòng chống lây nhiễm HIV cho bạn tình của người nghiện ma túy.

"Gặp chị Oanh tôi như được "truyền lửa" giúp hướng đi, suy nghĩ của tôi lạc quan hơn, tích cực hơn. Lần đầu tiên tôi được gặp một người không hề thân thiết hay ruột thịt lại tin tưởng, yêu quý những người như chúng tôi bằng một trái tim luôn hướng về cộng đồng" – chị Minh chia sẻ.

Rồi như được tiếp thêm "năng lượng", những người trong nhóm của chị Minh lúc đó chợt nghĩ, nếu chỉ tham gia ở câu lạc bộ với quy mô như vậy thì cùng lắm chỉ giúp được bản thân nên mọi người đã có một quyết định hết sức "liều lĩnh" đó là mở rộng nhóm tự lực, đây là nhóm đầu tiên của Việt Nam do những người sử dụng ma túy tự lập nên.

"Khi tham gia nhóm này cuộc sống của chúng tôi đều ổn hơn, mọi người yêu thương, trân quý nhau hơn. Việc xây dựng các mối quan hệ với gia đình, hàng xóm, địa phương cũng tốt hơn. Bản thân chúng tôi lúc đó chỉ nghĩ rằng, khi mình đã ổn định thì cũng cần phải có trách nhiệm với những người vẫn chưa thể thoát ra khỏi vòng xoáy của cám dỗ kinh khủng đó" – chị Minh tâm sự.

Gian nan những ngày đi tìm lại chính mình

Chị Minh chia sẻ thêm, khi bắt đầu tham gia nhóm tự lực, gia đình chị rất ủng hộ. "Gia đình mình có tư tưởng không đổ lỗi, chỉ nghĩ đơn giản rằng, nếu con đã không thoát khỏi ma túy thì sẽ tự tìm đến chứ có cấm đoán cũng không cản nổi. Bản thân mình khi tham gia các nhóm được mọi người tín nhiệm bầu làm trưởng nhóm. Thực sự lúc đó tôi cảm giác mình có niềm tin hơn để từ bỏ ma túy. Từ chỗ chính quyền địa phương còn vận động đưa đi cai nghiện cho đến lúc họ gọi điện ra văn phòng của mình để nhờ hỗ trợ một người nghiện đó là cả một quá trình mà không phải ai cũng đủ bản lĩnh để vượt qua" – chị Minh kể lại.

Sự tin tưởng, hỗ trợ đó là chính là nguồn cảm hứng, "năng lượng" cực kỳ mạnh để giúp những người nghiện ma túy như chị Minh tìm lại chính mình. Có thể, việc xây dựng niềm tin giữa người nghiện ma túy với gia đình, cộng đồng xã hội phải một quá trình từ 5 năm, 10 năm hay là lâu hơn nữa. Thế nhưng, khi đã được mọi người tin tưởng thì bản thân người nghiện lúc đó sẽ cảm thấy tự hào, hãnh diện với bản thân, giảm nguy tiếp cận đến ma túy.

Chị Minh kể tiếp, "những ngày đầu khi tiếp cận với người nghiện ma túy, gia đình họ không tin chúng tôi đâu. Họ khóa cửa, nhốt con em họ trong phòng và cho rằng đó là cách tốt nhất. Tuy nhiên, rất may là chúng tôi đã được đào tạo bài bản trước đó nên cũng xử lý được các tính huống. Trong thâm tâm, bản thân chúng tôi luôn hiểu được rằng, muốn giúp một người thoát khỏi ma túy chỉ có cách không bao giờ bỏ rơi mà hãy giúp họ".

"Tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện lúc đến vận động gia đình của một người em trên phố Bạch Đằng. Ngay khi em ấy trở về nhà từ trại cai nghiện, việc đầu tiên là phải tiếp cận để giữ không cho "chơi" trở lại. Việc giữ được ở thời điểm này có nền tảng rất lớn để có thể giúp bạn ấy cai nghiện sau này. Tôi còn nhờ buổi sáng hôm ấy, tôi cùng hai người nữa ở Văn phòng phải tìm bộ quần áo nào đẹp nhất, rồi chiếc xe đẹp nhất để lên nhà em ấy. Thế nhưng, khi lên đến nơi và nhìn thấy bọn mình thì cả nhà bạn ấy hốt hoảng, không cho bạn ấy gặp. Lúc đó, tôi phải đưa các card visit của mình để người nhà em ấy tin là mình đang làm công việc thiện. Rồi họ cũng hiểu ra, từ chửi té tát vào mặt nhưng sau lại vào thổi cơm cho ba đứa ăn. Đến bây giờ thì em ấy cũng đã lấy vợ, có con rồi". – chị Minh chia sẻ.

Nói về công việc CBO (những người tham gia hỗ trợ cộng đồng theo từng nhóm vấn đề), chị Minh cho biết, thực ra công việc này xuất phát từ các vấn đề của xã hội như ma túy, mại dâm, HIV. Những CBO là người đã từng có thời gian "dính" vào tệ nạn xã hội đó. Họ tập hợp lại với nhau để cùng hỗ trợ những người chưa thoát ra khỏi cám dỗ của các tệ nạn xã hội, giúp những người đó có một chỗ dựa về tinh thần để vượt qua khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Ví dụ như: CBO của nhóm người nghiện ma túy thì cũng từng là người nghiện ma túy, CBO của người bán dâm thì họ cũng từng là người bán dâm.

Các hoạt động của CBO cũng tùy theo từng nhóm các vấn đề. Như CBO của những người nghiện ma túy sẽ giúp nhau về các kiến thức dự phòng lây nhiễm HIV, dự phòng sốc thuốc, hỗ trợ người nghiện cai nghiện, tiếp cận các dịch vụ y tế. Giúp họ có được năng lực để họ tự tin, tái hòa nhập cộng đồng.

Chị Minh cho biết, chị từng điều phối một tổ chức CBO hỗ trợ cho những người sử dụng ma túy, bán dâm trên địa bàn Hà Nội được thành lập từ năm 2008. Sau nhiều năm hoạt động, nhóm của chị đã được sự ghi nhận của Công an quận Hai Bà Trưng, Ủy ban phường Cầu Dền. Văn phòng của chị đã giúp đỡ gần 2.000 người sử dụng ma túy và bán dâm. Hiện nay, trong Liên minh do chị điều phối có 5 nhóm, trong đó 4 nhóm dành cho người sử dụng ma túy được chia ra 8 quận ở Hà Nội. Nhóm còn lại có tên là "Nơi bình yên" chính là nơi hỗ trợ các vấn đề cho chị em làm nghề bán dâm.

"CBO đã làm thay đổi tôi từ một người có lối sống lệch lạc, tiêu cực trở thành người có suy nghĩ thiện hơn, tích cực hơn. Ví dụ trước đây, nếu ai đó xử sự tiêu cực với mình thì mình sẽ xử sự tiêu cực lại, nhưng bây giờ mình lại nhìn ở hướng tích cực, dễ thông cảm và dễ tha thứ hơn. Nếu làm được gì giúp ai đó tôi thấy rất vui" – chị Minh cho biết.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ