(Tổ Quốc) - Hang Én là hang động lớn thứ 3 thế giới, thuộc tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Chuyến đi tới đây mang lại những trải nghiệm vô cùng độc đáo cho du khách.
David W. Lloyd là một cây viết và nhiếp ảnh gia đã dành nhiều thời gian sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Trong bài viết được đăng tải bởi New York Times, ông đã chia sẻ những trải nghiệm "có một không hai" về chuyến đi tới hang Én của Việt Nam. Dưới đây là phần thứ 2 của bài viết:
Bắt đầu cho chuyến đi
Chuyến tham quan Hang Én bao gồm một chặng đi bộ qua những con đường núi đá vôi và dọc theo lòng sông đến vùng cư dân xa xôi của Bản Đoòng. Là một nhà báo và nhiếp ảnh gia du lịch đã sống tại Hà Nội gần 4 năm, tôi rất thích thú với ý tưởng khám phá điều gì đó mới mẻ và khác biệt. Là một vận động viên đua xe đạp và vận động viên leo núi, tôi thích các hoạt động đốt cháy cơ bắp.
Chuyến thám hiểm bắt đầu ở Phong Nha, một nơi yên bình với hơn 1.000 cư dân, cách nơi bắt đầu chuyến đi của chúng tôi khoảng 10km. Ngôi làng này đã đóng vai trò như một điểm dừng chân cho khách tham quan hang động trong vài năm qua. Số lượng ngày càng tăng lên sau khi Hang Thiên đường dễ tiếp cận hơn từ năm 2011. Trước khi làn sóng khách du lịch tới hang động tăng lên, thì người dân ở ngôi làng này có thu nhập chủ yếu từ trồng trọt, đánh bắt cá và săn bắn.
Hang Thiên đường và các cuộc thám hiểm hang động đã biến khu du lịch "bị lãng quên" này trở thành điểm đến không thể thiếu trong danh sách của những du khách ưa mạo hiểm, với ba lựa chọn phiêu lưu trong các hang động, bao gồm thám hiểm hang Sơn Đoòng; đi bộ đến hệ thống hang động sông Tú Làn bao gồm hang Kén, và chuyến đi bộ tới Hang Én mà tôi đã chọn.
Ông Limbert và tôi đã gặp nhau ăn tối tại một nhà hàng Phong Nha yêu thích của ông nằm khuất sau con phố nhỏ hẹp của ngôi làng. Chẳng mấy chốc sau, trên bàn của chúng tôi đầy ắp những món ăn ngon, gồm một bát sườn nướng, một đĩa rau xào tỏi, đĩa thịt bò xào dứa và cơm nóng. Vừa ăn, ông Limbert kể lại hồi những năm 1990, ông đã tốn 4 ngày vất vả để đi được hành trình mà hôm nay tôi chỉ tốn một đêm để đi từ Hà Nội.
Sau bữa tối, chúng tôi đạp xe về nhà khách dọc theo những con đường tối đen như mực không có đèn đường. Tiếng nói cười của các hộ dân phát ra từ những ngôi nhà nhỏ. Trong đêm tối, chỉ có âm thanh duy nhất là tiếng côn trùng vo ve bên bờ sông.
Hành trình bắt đầu
Sáng hôm sau, tôi đến văn phòng của đại lý du lịch và gặp những người bạn tham gia chuyến đi cùng tôi - 7 người Úc ở độ tuổi ngoài 20, một số đi khám phá, một số đi du lịch dài ngày. Sau khi được cung cấp những đôi ủng quân đội, được tặng ba lô chống thấm nước và chai nước, chúng tôi lên đường đến Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, cách ngôi làng vài km.
Chúng tôi đi qua cổng vườn quốc gia. Theo quy định, không được phép đi bộ leo núi (trekking) mà không có người dẫn đường. Chúng tôi ra khỏi xe van và chuẩn bị cho quãng đường dài 1.500 mét đổ dốc thẳng đứng xuống một con đường rừng rậm rạp. Hướng dẫn viên của chúng tôi là Hoang Thai Binh, một thanh niên 26 tuổi có thân hình khỏe khoắn và nhanh nhẹn. Chúng tôi đi theo một hàng dọc, tiếng thở ngày càng nặng nề của chúng tôi hòa lẫn với âm thanh côn trùng vo ve. Chúng tôi chọn một con đường lầy lội, một số người trong đoàn cố gắng đứng thẳng, níu lấy những cành cây dài mọc chen chúc trên con đường hẹp, ngoằn ngoèo.
Khi xuống đến điểm nghỉ ngơi, chúng tôi dừng lại ở một con suối dưới bóng râm của một tán cây tuyệt đẹp. Chúng tôi ngồi trên những tảng đá trong khi những người khuân vác đặt những chiếc ba lô bằng bao tải gạo tái chế xuống. Mồ hôi đầm đìa sau chặng đường gắng sức, tất cả chúng tôi uống hết số nước mang theo và đợi những người khuân vác lấy nước từ suối vào các chai rỗng. Hướng dẫn viên Binh hỏi chúng tôi: "Mọi người thấy mệt chưa? Lúc trở lại chúng ta vẫn đi đường cũ nhé. Nhưng lúc đó là leo lên chứ không phải đi xuống thế này".
(Còn tiếp...)