(Tổ Quốc) - Mặc dù đưa ra bằng chứng không phát tán bụi phóng xạ, nhưng ngành công nghiệp hạt nhân Nga vẫn đang đối mặt nhiều chỉ trích.
Trang NPR đưa tin, sau hai tháng kể từ khi một đám mây phóng xạ bí ẩn bất ngờ bị phát hiện tại Châu Âu, đại diện ngành công nghiệp hạt nhân Nga đã đưa ra lời giải thích, nhằm làm dịu những đồn đãi rằng một trong những cơ sở hạt nhân của nước này đã phát tán bụi phóng xạ Ruthenium 106.
Hôm thứ Sáu (8/12), tập đoàn hạt nhân quốc gia Nga ROSATOM đã công bố kết quả tìm kiếm của một Uỷ ban đặc biệt, trong đó kết luận nhà máy tái chế xuất hạt nhân Maya, gần biên giới với Kazazkstan – không phải là nguồn gốc phát sinh đám bụi ruthenium 106 trên.
“Không có nền tảng khoa học cho giả thuyết mà một số đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi đưa ra rằng, có một vụ phát tán [bụi phóng xạ] lớn tại Mayak,” Rafael Arutyunyan, Phó Giám đốc của Viện An toàn Hạt nhân thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Moscow.
Vào cuối tháng Chín, các trạm quan trắc của Châu Âu đã phát hiện dấu vết của ruthenium trong không khí. Mặc dù nồng độ không đủ để gây ra nguy hại cho sức khoẻ người dân, các nhà khoa học vẫn không ngừng tìm kiếm nguồn gốc của nó. Lần theo hướng gió, người ta dấy lên nghi ngờ về hướng nam Urals, nơi đặt nhà máy hạt nhân Mayak. Đây cũng từng là địa điểm từng xảy ra một trong những vụ nổ hạt nhân tồi tệ nhất trên thế giới vào năm 1957.
Tấm biển vàng có nội dung cảnh báo không đi vào thị trấn Ozersk, vùng Chelyabinsk, Nga - nơi đặt nhà máy hạt nhân Mayak. Năm 1957, nơi đây đã từng xảy ra một trong những vụ nổ hạt nhân tồi tệ nhất thế giới |
Ông Arutyunayn cho biết, tình huống không phải là khẩn cấp, và những cảnh báo về nguy cơ sức khoẻ là hoàn toàn “vô nghĩa”.
“Tại sao chúng tôi phải nhanh chóng đưa ra một tuyên bố nào đó? Mayak nói với chúng tôi rằng, hệ thống của họ đang hoạt động bình thường như mọi khi,” ông nói. “Tôi cho rằng, chúng tôi đã dành đúng lượng thời gian cần thiết, để tìm hiểm những gì đã xảy ra”.
Tuy nhiên, lời phát biểu của ngài Phó Giám đốc đã vấp phải nhiều chỉ trích từ các nhà hoạt động môi trường và các nhà phê bình.
Sau khi Uỷ ban đặc biệt công bố kết quả tìm kiếm, tổ chức Hoà bình Xanh của Nga đã phát động chiến dịch kêu gọi gửi tới Văn phòng Tổng chưởng lý. Tổ chức này yêu cầu một cuộc điều tra được thực hiện bởi các chuyên gia và cá nhân độc lập, về khả năng ruthenium bị phát tán trên lãnh thổ nước Nga, cũng như ROSATOM có thể đang che giấu thông tin.
Uỷ ban đặc biệt cho rằng, có khả năng một vệ tinh – hoặc một bộ phận của một vệ tinh nào đó – khi quay trở lại quỹ đạo trái đất đã gây ra hiện tượng bụi ruthenium. Tuy nhiên, theo chính quyền Pháp, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã chỉ ra, vào thời điểm nghi vấn, không có một vệ tinh chứa ruthenium nào rơi trở lại Trái đất.
“Những gì đang xảy ra với đám mây ruthenium khiến tôi nhớ lại nhiều thứ tại Chernobyl”, nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny phát biểu trong một đoạn video. Ông Navalny đề cập đến thảm hoạ hạt nhân Chernobyl năm 1986, khi nhiều thông tin lúc đó đã không được công bố kịp thời.
Trong khi đó, ROSATOM khẳng định rằng mình hoàn hoàn minh bạch. “Ngành công nghiệp hạt nhân Nga cởi mở hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp [trên thế giới],” phát ngôn viên của tập đoàn Andrei Ivanon tuyên bố.
Cũng trong hôm thứ Sáu, lần đầu tiên sau khi bị nhận định có khả năng phát tán bụi phóng xạ, nhà máy Mayak đã mở cửa cho phóng viên Nga tham quan. NPR cho biết, các nhà báo quốc tế sẽ phải chờ đợi hai tháng để hoàn tất các thủ tục xác minh an ninh cần thiết.
(Theo NPR)