• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hậu "bão" Syria: Mỹ hối hả triển khai sứ mệnh sống còn tại Trung Đông

Thế giới 05/01/2019 10:17

(Tổ Quốc) - Những tinh hoa chính trị hàng đầu Nhà Trắng đang tới Trung Đông tháo gỡ những tín hiệu không chắc chắn ở đây.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo sẽ đi thăm tám nước Trung Đông từ tuần tới, trong một nỗ lực củng cố các quan hệ liên minh quan trọng sau khi có nhiều căng thẳng về cuộc chiến Yemen, việc Washington Mỹ có kế hoạch rút khỏi Syria và vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại.

Ông Pompeo rời đi vào thứ ba và sẽ công du tám ngày đến Amman, Cairo, Manama, Abu Dhabi, Doha, Riyadh, Muscat và cuối cùng là Kuwait, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/1 cho biết.

Ngoài ra, theo thông tin từ Nhà Trắng tuần trước, một điểm dừng ở Baghdad là có thể, mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ chưa thể xác nhận điều đó.

Chuyến đi này được xác nhận hai tuần sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố rằng Mỹ sẽ rút quân ra khỏi Syria, điều khiến các đồng minh choáng váng và làm dấy lên mối lo ngại về một khoảng trống quyền lực ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này có thể bị Iran lấp đầy.

Ông Pompeo dự kiến sẽ có một bài phát biểu quan trọng tại Cairo, điểm dừng chân thứ hai của ông, nơi ông sẽ nhấn mạnh thông điệp chung của chuyến đi rằng, "Hoa Kỳ sẽ không rời khỏi Trung Đông", một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các nhà báo ngày 4/1.

Hậu bão Syria: Mỹ hối hả triển khai sứ mệnh sống còn tại Trung Đông - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo sẽ đi thăm tám nước Trung Đông từ tuần tới. (Nguồn: Yahoo/AFP)

"Mặc dù có những thông tin trái chiều, những diễn giải sai lệch xung quanh quyết định về vấn đề Syria, nhưng chúng tôi sẽ không đi đâu cả (Trung Đông-pv)", quan chức này nói.

Đồng thời, Washington muốn các đồng minh Trung Đông của mình chia sẻ thêm gánh nặng trong việc duy trì an ninh và ổn định khu vực, trong bối cảnh lo ngại về sự hồi sinh của các nhóm cực đoan như Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo IS khi lực lượng Mỹ rút lui.

Nóng về Syria

Theo AFP, ông Pompeo đang chịu sức ép phải thay đổi ấn tượng mà các đồng minh nghĩ về Mỹ sau thông báo ngày 19/12 của ông Donald Trump rằng việc Mỹ rút khỏi Syria sẽ diễn ra ngay lập tức. Dù sau đó, Tổng thống Mỹ có nói tới việc "từ từ" gửi quân về nhà, nhưng chỉ đưa ra thời gian biểu mơ hồ là "trong một khoảng thời gian".

Các quốc gia gần Syria, dẫn đầu là Israel, đang lo lắng rằng đối thủ cạnh tranh trong khu vực của họ là Iran sẽ có thể mở rộng sự hiện diện của mình ở Syria, và đi kèm với khả năng là Tổng thống Bashar al-Assad – một đồng minh của Tehran sẽ nối lại quyền lực trên toàn đất nước.

Trước chuyến đi của ông Pompeo, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton ngày 4/1 đã khởi hành chuyến đi đến Israel và Thổ Nhĩ Kỳ để hội đàm về cách hành động sắp tới.

"Chế độ Iran là một tác nhân nguy hiểm trong khu vực", một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

"Ngoại trưởng sẽ tiếp tục công việc của mình trong việc tạo niềm tin cho các đối tác khu vực và các đồng minh của chúng tôi để chống lại các hoạt động gây bất ổn của chế độ."

Một quan chức khác của Mỹ cũng nhấn mạnh hôm thứ Sáu rằng "chúng tôi không có mốc thời gian về việc để lực lượng quân sự của chúng tôi rút khỏi Syria".

"Vị thế quân sự của chúng tôi ở Syria có thể sẽ thay đổi. Nhưng mục tiêu chung của chúng tôi ở Syria vẫn như cũ, và mấu chốt trong số đó là ... để thấy tất cả các lực lượng do Iran chỉ huy rút lui khỏi Syria."

Củng cố liên minh vùng Vịnh

Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, ông Pompeo cũng hy vọng củng cố liên minh sáu quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh GCC.

Nhóm này đã suy yếu vào năm 2017 sau khi Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia tìm cách cô lập thành viên Qatar khỏi các quốc gia khác trong khu vực, vì cho rằng họ ủng hộ các nhóm cực đoan và có "đi lại" với Iran.

Sự rạn nứt là "không có ích", một quan chức Mỹ nói và cho rằng, sự chia rẽ này sẽ mở ra một lỗ hổng để Iran có thể khai thác.

Để củng cố lại nhóm này, Mỹ đang hy vọng một hội nghị thượng đỉnh GCC có thể được sắp xếp sớm nhất là vào quý đầu tiên của năm nay, quan chức trên cho biết.

Một vấn đề quan trọng khác cần thảo luận với các quốc gia vùng Vịnh là cuộc chiến gần bốn năm ở Yemen, trong đó một liên minh do Saudi Arabia lãnh đạo, có lập trường ủng hộ chính phủ Yemen đã chiến đấu với lực lượng nổi dậy Houthi- được cho là do Iran hỗ trợ để giành quyền kiểm soát đất nước.

Cả hai bên gần đây đã đồng ý ngừng bắn tại thành phố cảng Hodeida trong khi đặc phái viên của Liên Hợp Quốc Martin Griffiths tìm cách mở ra một vòng đàm phán mới giữa họ.

Một điểm dừng hết sức quan trọng đối với ông Pompeo sẽ là ở Riyadh, nơi mối quan hệ với Mỹ đã bị căng thẳng bởi vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại năm ngoái và thủ phạm đang được cho là các điệp viên Saudi ở Istanbul.

Khashoggi là một công dân Hoa Kỳ và đang viết cho tờ Washington Post (Bưu điện Washington) khi ông bị giết.

Trong khi Mỹ coi Riyadh là "một trụ cột quan trọng của sự ổn định khu vực", Washington muốn có thêm "trách nhiệm và sự tín nhiệm" trong việc xử lý vụ điều tra giết người, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ông Pompeo cần phải vượt qua ấn tượng theo sau một bức ảnh ông mỉm cười cùng với Hoàng Thái tử Mohammed giữa đỉnh điểm của vụ việc Khashoggi rằng Washington chưa nghiêm túc trong việc gây áp lực với Riyadh về vụ giết người.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ