• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hậu bầu cử nghẹt thở: Loạt thách thức chờ tân Tổng thống Hàn Quốc

Thế giới 10/03/2022 14:50

(Tổ Quốc) - Ứng cử viên đối lập của đảng Bảo thủ, ông Yoon Suk-yeol đã chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào sáng sớm ngày 10/3, đánh bại ứng cử viên đảng cầm quyền cánh tả, ông Lee Jae-myung.

Tỷ lệ chiến thắng 0,73% là mức sít sao nhất từ trước đến nay trong một cuộc bầu cử ở Hàn Quốc: ông Yoon của Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) giành được 48,56% phiếu bầu, trong khi ông Lee của Đảng Dân chủ tự do Hàn Quốc (DPK) nhận được 47,83% số phiếu, theo Ủy ban Bầu cử Quốc gia.

Hậu bầu cử nghẹt thở: Loạt thách thức chờ tân Tổng thống Hàn Quốc - Ảnh 1.

Ông Yoon Suk-yeol đã giành được chiến thắng với tỷ lệ chưa tới 1% cách biệt - mức sít sao nhất từ trước đến nay trong một cuộc bầu cử ở Hàn Quốc. Ảnh: Nikkei Asia.

Đông đảo người dân Hàn Quốc đã tới các điểm bỏ phiếu vào hôm thứ Tư trong cuộc bầu cử có lẽ được coi là khốc liệt nhất kể từ khi nước này tiến hành các phong trào dân chủ vào năm 1987. Có khả năng là để công nhận yếu tố này và khẳng định kết quả bỏ phiếu sít sao, ông Yoon nói sau chiến thắng của mình: "Tôi sẽ coi đoàn kết dân tộc là ưu tiên hàng đầu của tôi."

Sẽ còn nhiều vấn đề ông Yoon phải đối mặt sau khi nhậm chức vào ngày 10 tháng 5.

Tìm ra con đường về kinh tế

Nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới đang đối mặt rất nhiều thách thức và đòi hỏi những phản ứng chính sách thông minh, có tầm nhìn xa.

Theo nhận định của tờ Asia Times, nền kinh tế Hàn Quốc chủ yếu được phân chia ra hai cấp độ. Đứng đầu là các tập đoàn khổng lồ và đứng cuối là các cơ sở kinh doanh nhỏ, có thể do gia đình hoặc cá nhân sở hữu. Rất ít cơ sở kinh doanh nằm ở lớp giữa, mặc dù chính quyền của ông Moon Jae-in đã thành công trong việc ươm mầm cho sự bùng nổ kinh doanh.

Dù nền kinh tế Hàn Quốc vừa qua đã cho thấy khả năng phục hồi và linh hoạt khi phải đương đầu với những thách thức mới từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư nhưng sức khỏe của nền kinh tế không thực sự ổn.

Khu vực sản xuất đang tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm có tính cạnh tranh cao và tạo ra những con số vĩ mô lớn, nhưng đã cho thấy sự mất cân bằng với khu vực dịch vụ bình thường. Và các vấn đề thì đang nằm ở phía vi mô.

Trong thời đại tự động hóa và thuê ngoài phát triển, Hàn Quốc cũng không tạo ra đủ việc làm cho tầng lớp cổ cồn trắng (lao động tri thức cao) trong khi số lượng người dân được giáo dục và mong muốn có một công việc như vậy tăng cao. Trong khi đó, vấn đề bất bình đẳng về thế hệ cũng đang gia tăng. Nhiều người lo lắng rằng giới trẻ Hàn Quốc ngày nay đã từ bỏ thói quen làm việc "như những chiến binh kinh tế" và thái độ làm việc nhanh của các thế hệ trước.

Thách thức đối nội và đối ngoại

Về tình hình trong nước, dân số Hàn Quốc đang tăng nhanh và nước này phải đối mặt với nhiều vấn đề của một nền kinh tế đang trưởng thành, phân cực và tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, bất bình đẳng về giới tính, kinh tế và nhân khẩu học cũng đang là vấn đề nhức nhối. Người trẻ Hàn Quốc không còn muốn kết hôn hay sinh con. Và cũng có nhiều lời kêu gọi rộng rãi về tăng cường an sinh xã hội và nhiều nhà ở công cộng.

Về tình hình dịch bệnh, biến chủng Omicron cũng đang lây lan mạnh mẽ và đặt ra nhu cầu bức thiết thích ứng với đại dịch. Trong ngày 10/3, đất nước 52 triệu dân này đã ghi nhận mức cao kỷ lục với 342.446 ca nhiễm mới. Những con số này vượt qua cả Vương quốc Anh, nơi từng có số ca cao kỷ lục hàng ngày là 218.297 trường hợp trong tổng dân số 67 triệu người, và Nhật Bản là 104.345 ca với dân số 126 triệu người.

Mặc dù Hàn Quốc có tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với các quốc gia trên nhưng người dân nước này đang mệt mỏi vì tình trạng giãn cách xã hội lấp lửng, giữa thời điểm nhiều quốc gia khác đang dần mở cửa và hoạt động bình thường trở lại. Các doanh nghiệp nhỏ của nước này cũng đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi các lệnh hạn chế.

Bên cạnh đó, những thách thức về chính sách đối ngoại cũng đang diễn ra chóng mặt. Seoul phải tìm cách cân bằng lợi thế giữa đối tác thương mại hàng đầu Bắc Kinh và đồng minh chiến lược Washington trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa hai nước này đang gia tăng. Họ cũng luôn bị đe dọa trước năng lực quân sự của Triều Tiên và có mối quan hệ sóng gió với nước láng giềng Nhật Bản.

Kim Sung-nam, một giảng viên đại học ở độ tuổi ngoài 50, cho rằng vị thế địa chính trị quan trọng của Hàn Quốc – nằm giữa sự ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ - sẽ đòi hỏi sự mềm dẻo. "Tổng thống tiếp theo sẽ phải thực hiện một số bước đi rất khéo léo," ông Kim nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ