(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh Thái Lan đang tăng tốc mở cửa trở lại, vịnh Maya - một biểu tượng của du lịch nước này - đang phải cân bằng giữa mở cửa đón khách và phát triển hệ sinh thái - Trang asia.nikkei cho biết.
Vịnh Maya, nằm ven bờ biển Andaman của Thái Lan đã được cả thế giới biết đến sau khi xuất hiện trong bộ phim bom tấn Hollywood "The Beach" (ra mắt năm 2000), có sự tham gia của ngôi sao nổi tiếng Leonardo DiCaprio.
Bãi biển, nơi du khách có thể đến ngắm Vịnh Maya nằm tại đảo Koh Phi Phi Leh, thuộc Vườn quốc gia Hat Noppharat Thara-Mu Ko Phi Phi từ năm 1983. Sau khi bộ phim được phát hành, số lượng du khách đến đây tăng liên tục trong gần hai thập kỷ, đạt đỉnh điểm vào năm 2017 với gần 2 triệu người. Sự quá tải du lịch không chỉ đe dọa điểm tham quan nổi tiếng nhất của công viên này mà còn làm mất đi nhiều rạn san hô xung quanh đảo Phi Phi Leh.
Quá tải du khách và những nỗ lực phục hồi ban đầu
Vào năm 2018, chính phủ Thái Lan nhận thấy rằng cần phải giảm số lượng khách để phục hồi thiên nhiên khu vực này. Tuy nhiên, dù dịch Covid-19 có xuất hiện, vườn quốc gia này vẫn thu hút hơn nửa triệu du khách vào năm 2020. Sau thời gian dài đóng cửa vì dịch Covid-19, vào tháng 1 năm 2022, Vịnh Maya đã mở cửa trở lại, có áp dụng một số hạn chế. Nhưng vào giữa tháng 5, chính phủ Thái Lan đã thông báo rằng nơi này sẽ lại đóng cửa vào tháng 8 và tháng 9 để giảm bớt sức ép du lịch.
Về mặt lâu dài, đã có nhiều cuộc thảo luận từ chính phủ và Hiệp hội Du lịch Thái Lan về việc thu hút ít du khách hơn, nhưng tập trung vào các khách hàng chi tiêu cao hơn khi mở cửa lại sau đại dịch. Vịnh Maya là một trường hợp thử nghiệm cho mục tiêu này.
Anuar Abdullah, chuyên gia phục hồi san hô và là Giám đốc điều hành của Ocean Quest Global, một tổ chức bảo tồn biển có trụ sở tại Malaysia, cho biết ông rất sốc trước thiệt hại về mặt thiên nhiên tại Vịnh Maya vào năm 2018. "Sau 18 năm tàu thuyền di chuyển trong Vịnh và hàng triệu lượt du khách đến đây vào mọi thời điểm, hệ thực vật và động vật, cả trên và dưới bề mặt biển, [đều] bị phá hủy".
Kể từ năm 2018, ông Abdullah đã là cố vấn cho vườn quốc gia nơi này về cách mở cửa lại Vịnh Maya trên cơ sở bền vững với chiến lược quản lý du lịch hướng tới sự cân bằng giữa bảo tồn và lợi nhuận.
Ông nói, tổ chức Ocean Quest Global đã chuyển giao công nghệ cho công viên quốc gia Phi Phi Leh trong bốn năm qua. "Chúng tôi giới thiệu cách phát triển san hô một cách hữu cơ mà không sử dụng các cấu trúc nhân tạo. Sử dụng kỹ thuật này, sự phát triển của san hô sẽ ổn định và tránh được ô nhiễm do con người tạo ra. Phương thức này cũng tiết kiệm chi phí hơn so với việc sử dụng các cấu trúc kim loại để tạo ra các rạn san hô nhân tạo. Cũng không cần phải chế tạo bất cứ thứ gì hoặc vận chuyển thiết bị gì đến đây. Những tảng đá mà chúng tôi sử dụng làm móng cho các khu vực ươm đều là san hô đã chết".
Cần một chiến lược tổng thể và dài hạn
Tuy nhiên, quá trình làm việc với vườn quốc gia và các bên liên quan khác vẫn đầy thách thức. Sau khi cho phép các chủ thuyền chở càng nhiều người càng tốt đến đây, lợi nhuận của vườn quốc gia đã tăng từ 24 triệu baht (690.000 USD) từ năm 2014 lên 561 triệu baht năm 2016, trong khi tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị phá hủy nghiêm trọng.
Theo ông Abdullah, "cuối cùng, tất cả các bên liên quan đều nhận ra rằng điều quan trọng nhất là phải đóng cửa và phục hồi hệ sinh thái để tăng giá trị ròng của nó".
Thêm vào đó, phát triển san hô là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn. "San hô ở Vịnh Maya sẽ cần nhiều năm để phục hồi", ông Abdullah nói. "Chúng tôi đã đề nghị xây dựng một bến tàu ở phía đối diện của hòn đảo để tàu thuyền không còn vào Vịnh nữa, đồng thời mở một đường đi bộ bằng gỗ nối bến tàu đến Vịnh. Vườn quốc gia đã thực hiện những khuyến nghị đó".
Kể từ khi Vịnh Maya mở cửa trở lại vào tháng Giêng năm nay, du khách bị giới hạn ở con số 4.000 người mỗi ngày và di chuyển vào Vịnh theo nhiều đợt. Mỗi đợt chỉ có 300 người vào Vịnh và không ai được phép xuống nước. Tàu thuyền không được phép vào Vịnh nữa và du khách phải đi bộ từ bến tàu mới vào Vịnh. Trên đường đi, họ phải trả phí vào cửa công viên quốc gia 400 baht. Những con cá mập đã quay trở lại sinh sống và có một ít san hô đã dần phát triển.
Nhưng ông Abdullah vẫn nhìn thấy những thách thức mới ở phía trước.
"Giá trị cảnh quan của Vịnh Maya hiện nay cao hơn nhiều. Giá trị kinh tế của nó cũng vậy. Tôi nghĩ việc thu phí du khách 400 baht là quá rẻ nếu bạn so sánh địa điểm này với những địa điểm mang tính biểu tượng khác. Để kiểm soát lượng khách đến một nơi mà mọi người đều muốn đến, bạn phải tăng giá vé vào cửa."
Ông Abdullah cũng cho rằng số lượng thuyền chở khách du lịch đến Phi Phi Leh vẫn còn cao. "Nên cấm thuyền cao tốc đến bến tàu mới. Tốt nhất, mọi người nên đến bằng thuyền chèo tay (di chuyển chậm hơn) và đưa Vịnh Maya trở thành một phần trong cơ cấu kinh tế xã hội của quần đảo Phi Phi", ông nói.
Hiện tại, khoảng một nửa số du khách đến Vịnh Maya di chuyển bằng thuyền cao tốc và dừng tại bến tàu mới ở phía đông Phi Phi Leh.
Bên cạnh đó, các vấn đề môi trường tại quần đảo Phi Phi không chỉ nằm ở Vịnh Maya. Trên bờ biển phía đông của Phi Phi Leh, cách bãi cát nổi tiếng nhất nơi này chưa đầy một km, vẫn còn nhiều dãy tàu cao tốc chờ xếp hàng để di chuyển và hàng trăm du khách chờ lên tàu. Vẫn chưa có động thái nào cắt giảm lượng du khách tại các địa điểm đẹp khác trong vườn quốc gia.
Ông Abdullah nói: "Nếu không có chính sách kiểm soát du lịch bền vững ở tất cả các khu vực trong vườn quốc gia, chiến lược phát triển du lịch tổng thể sẽ không hiệu quả. Đảo Mosquito gần đó đã bị đóng cửa trong 8 năm. San hô ở đó đã đủ thời gian để phục hồi hoàn toàn. Nhưng khi kiểm tra rạn san hô, chúng tôi phát hiện ra những lỗ hổng lớn tại các rạn san hô này do những chiếc thuyền gần [đó] thả neo vào ban đêm và đánh cá bất hợp pháp."