• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hậu Covid-19, giáo dục Mỹ đón tín hiệu tích cực từ sinh viên quốc tế

Thế giới 16/11/2021 21:39

(Tổ Quốc) - Theo một cuộc khảo sát mới, sinh viên quốc tế đang quay trở lại các trường đại học ở Mỹ với số lượng lớn, đánh dấu một sự phục hồi tích cực so với sự sụt giảm năm ngoái.

Theo kết quả khảo sát do Viện Giáo dục Quốc tế công bố ngày 15/11, các trường cao đẳng và đại học trên toàn nước Mỹ ghi nhận số sinh viên quốc tế thường niên tăng 4%, tính tới mùa thu này. Vào năm 2020, con số đó đã giảm 15%, mức giảm mạnh nhất kể từ khi đơn vị này bắt đầu công bố dữ liệu vào năm 1948.

Tín hiệu phục hồi tích cực

Đây là một tín hiệu tốt hơn so với dự báo của nhiều trường đại học hồi mùa hè vừa qua. Tuy nhiên, con số này vẫn phản ánh nhiều trở ngại đang diễn ra. Tình trạng tồn đọng thị thực vào Mỹ vẫn còn và một số sinh viên vẫn miễn cưỡng khi đi du học trong thời kỳ đại dịch.

Các trường đại học và các quan chức Mỹ đang hy vọng mức tăng của năm nay là bước khởi đầu cho sự phục hồi trong dài hạn. Khi du lịch quốc tế tăng lên, đang có niềm tin lạc quan rằng các trường đại học sẽ một lần nữa nhìn thấy mức tăng trưởng vượt mức trước đại dịch.

Matthew Lussenhop, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ, thông tin với các phóng viên: "Chúng tôi kỳ vọng một sự gia tăng sau đại dịch. Sự gia tăng năm nay cho thấy sinh viên quốc tế tiếp tục coi trọng nền giáo dục Mỹ và vẫn cam kết theo đuổi các nghiên cứu tại Mỹ".

Hậu Covid-19, giáo dục Mỹ đón tín hiệu tích cực từ sinh viên quốc tế - Ảnh 1.

Các sinh viên thăm quan trường đại học Indiana, Mỹ tháng 10 vừa qua. Ảnh: AP.

Theo số liệu tổng của Viện Giáo dục Quốc tế, dựa trên khảo sát hơn 800 trường đại học toàn nước Mỹ, có 70% trường ghi nhận số lượng sinh viên quốc tế tăng trong mùa thu này, 20% giảm và 10% vẫn giữ nguyên. Số sinh viên quốc tế mới nhập học đã tăng 68% trong năm nay, đánh dấu con số gia tăng đáng kể so với mức giảm 46% của năm ngoái.

Vào tháng 8, các đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ tại Ấn Độ thông báo đã cấp thị thực cho 55.000 sinh viên vào Mỹ. Trong số đó có Kedar Basatwar, sinh viên đăng ký nhập học mùa thu năm nay tại Đại học Northeastern ở Boston, một trong những điểm đến hàng đầu dành cho sinh viên quốc tế tại Mỹ. Kedar, 24 tuổi đến từ Pune, Ấn Độ, đã từ chối nộp đơn xin học vào thời điểm cao điểm của đại dịch và trì hoãn sang năm nay vì muốn tham gia các lớp học trực tiếp.

Basatwar nói: "Kế hoạch của tôi luôn là đến Mỹ vì cơ hội việc làm sau khi lấy bằng thạc sĩ là rất nhiều. Ngoài ra, xin được thị thực Mỹ là một trong những thành tựu lớn nhất đối với chúng tôi ở Ấn Độ."

Tại Đại học Illinois, các quan chức cũng đang thấy "sự quay trở lại của nhiều sinh viên quốc tế", theo Andy Borst, giám đốc tuyển sinh hệ đại học. Trường này có hơn 10.000 sinh viên quốc tế ghi danh vào mùa thu năm nay, gần như bù lại mức giảm 28% so với năm ngoái.

Borst nói. "Nhiều trường trong top 10 đang nhận thấy sự gia tăng vượt quá những gì chúng tôi mong đợi".

Đa dạng hình thức học tập

Phần lớn các trường đại học Mỹ cho phép tổ chức các lớp học trực tiếp vào mùa thu này, nhưng không yêu cầu tất cả sinh viên quốc tế đều phải đến trường. Sau khi thực hiện hình thức học từ xa vào năm 2020, nhiều trường tiếp tục triển khai các lớp học trực tuyến cho sinh viên ở nước ngoài.

Trong số các sinh viên quốc tế đăng ký học tại các trường đại học Mỹ trong năm nay, cuộc khảo sát cho thấy chỉ khoảng 65% tham gia các lớp học trực tiếp. Fangzhou Gu, một sinh viên năm cuối 21 tuổi đến từ Bắc Kinh, là một trong số những người chọn không quay lại Đại học New York tại Mỹ để tham gia học kỳ cuối. Gu sẽ tốt nghiệp chương trình học tại Đại học New York vào tháng 12 này. Thay vào đó, Gu tham gia các lớp học tại phân viện Thượng Hải của trường. Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch năm 2020, chiến lược này đã giúp số lượng tuyển sinh quốc tế của Đại học New York tăng 14% so với năm 2019.

Gu cho biết khối lượng khóa học còn lại không yêu cầu phải ở New York và cha mẹ em cũng lo lắng về việc mạo hiểm di chuyển tới một nơi quá xa nhà giữa dịch bệnh. Gu chia sẻ: "Trường lớp và các bạn cùng học thân thiết hơn thực sự mang lại cho tôi cảm giác về cộng đồng mà tôi hằng mong ước. Thêm vào đó, chi phí sinh hoạt ở đây cũng bớt gánh nặng hơn".

Đối với một số trường đại học, tính linh hoạt của việc học trực tuyến cũng giúp tránh được những khó khăn của quá trình hậu tuyển sinh. Trước đây, sinh viên Đại học San Francisco có thể bắt đầu kỳ học muộn một tuần nếu họ gặp vấn đề về thị thực hoặc đi lại. Giờ đây, những người bị chậm thị thực có thể đến trường muộn hơn, và trong thời gian chờ đợi, họ có thể học trực tuyến từ quê nhà.

Cũng đang có một số quan ngại rằng sự phục hồi có tiếp tục hay không. Các yêu cầu mới về vắc xin đối với du khách nước ngoài có thể khiến một số sinh viên khó đến Mỹ hơn và các trường đại học ở Mỹ cũng đang nhận thấy cạnh tranh liên tục từ các trường ở Australia, Canada và các quốc gia khác.

Tuy nhiên, các lãnh đạo tại nhiều cơ sở giáo dục Mỹ vẫn lạc quan. Ngày càng có nhiều vắc xin được triển khai trên toàn thế giới và việc dỡ bỏ lệnh cấm đi lại hứa hẹn sẽ giảm bớt các rào cản đối với việc di chuyển.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ