• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hậu cú sốc về Jerusalem, Palestine tìm đến cánh cửa Nga

Thế giới 12/02/2018 16:39

(Tổ Quốc) - Tổng thống Palestine Mahmud Abbas ngày 12/2 có chuyến thăm Nga nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Tổng thống Vladimir Putin về vấn đề Jerusalem.

Tổng thống Palestine Mahmud Abbas ngày 12/2 có chuyến thăm đến Nga nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Tổng thống Vladimir Putin sau khi Washington công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Theo AFP, ông Abbas trước đó từ chối mọi tiếp xúc với chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump kể từ khi Washington công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào cuối năm ngoái.

 Tổng thống Palestine Mahmud Abbas và Tổng thống Nga Putin. (Nguồn: AFP)

Người Palestine xem quyết định trên của Hoa Kỳ, phá vỡ lập trường ngoại giao quốc tế nhiều năm qua, như một sự phủ nhận đối với họ - lâu nay luôn tuyên bố rằng Đông Jerusalem sẽ là thủ đô của một nhà nước Palestine trong tương lai.

Israel đã chiếm quyền kiểm soát Đông Jerusalem trong cuộc chiến sáu ngày năm 1967, sáp nhập khu vực này vào lãnh thổ của họ và sau đó tuyên bố đây là thủ đô “bất khả phân” của Israel.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley, đã cáo buộc ông Abbas thiếu sự can đảm cần thiết để thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình với Israel.

Về phần mình, ông Abbas từ chối mọi vai trò trung gian của Washington về xung đột Israel -Palestine, đồng thời cam kết sẽ làm mọi điều để LHQ công nhận một nhà nước Palestine đầy đủ.

Alexander Shumilin, một học giả về Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ và Canada, gọi chuyến thăm của ông Abbas là "một nỗ lực làm nồng ấm quan hệ với Nga - một đồng minh nhất quán, và nhằm ngăn Netanyahu dẫn Moscow chuyển sang cải thiện quan hệ Nga-Israel".

Đối với Shumilin, chuyến thăm ngày 12/2 này "là một cử chỉ chính trị cần thiết đối với ông Abbas, tuy nhiên, không có nhiều ảnh hưởng trên thực tế".

Ông nói thêm: "Cũng không có gì đáng để mong đợi một bước đột phá từ chuyến thăm này".

Năm 2016, Nga đã đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán riêng lẻ và không cần điều kiện tiên quyết giữa Abbas và Netanyahu, tuy nhiên, điều này đã không được diễn ra.

Trong tháng 1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự đoán rằng cơ hội để nối lại đàm phán trực tiếp giữa hai bên trong tình hình hiện nay là "gần bằng không".

Vào ngày 29/11/ 2012, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) đã chấp thuận cho nâng cấp từ địa vị “thực thể quan sát viên” lên “nhà nước quan sát viên” – động thái cho phép Palestine tham gia các tổ chức quốc tế và Tòa án hình sự quốc tế.

 Nhà nước Palestine hiện được hơn 130 quốc gia công nhận.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ