• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hậu đột phá Triều Tiên, TT Trump rẽ ngoặt sang Nga

Thế giới 17/06/2018 15:20

(Tổ Quốc) - Vài ngày sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, chính quyền Trump đang thúc đẩy những tương tác mới với một đối thủ lâu năm khác: Nga.

"Tổng thống Trump dự kiến sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng tới khi ông đang ở châu Âu để tham dự một hội nghị thượng đỉnh của NATO," tờ Washington Post cho biết, trích dẫn "một quan chức chính quyền cao cấp và hai nhà ngoại giao quen thuộc với lịch trình của ông Trump."

Ông Trump “nỗ lực quên mình” vì Putin

"Trong một cử chỉ đồng thuận với những kế hoạch đó, ông Trump đã nói với các phóng viên hôm thứ Sáu – ngày 15/6 rằng "có thể" ông sẽ gặp ông Putin trong mùa hè này", tờ Washington Post cho biết thêm.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman đang sắp xếp cho một phái đoàn thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đến thăm Moscow, kết thúc một đợt “khô hạn” về các chuyến thăm quốc hội sau cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Những động thái tăng cường tương tác với Điện Kremlin trên - được thúc giục bởi Tổng thống Trump theo sau nhiều tháng căng thẳng song phương.

Thượng đỉnh Mỹ - Nga là điều hai nhà lãnh đạo đang kì vọng.

"Theo quan điểm của ông Trump, ông ấy đã có một cuộc họp thành công với Kim Jong Un, và bây giờ ông ấy muốn làm điều tương tự với Putin", Angela Stent, một chuyên gia về Nga làm việc trong chính quyền George W. Bush nói.

Sự quan tâm của Tổng thống Mỹ về một cuộc họp với ông Putin đã được công khai vào tháng 3 sau khi điện Kremlin tiết lộ rằng, ôngTrump đã đưa ra lời mời trong một cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Nga. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ còn cho biết, ông Trump đã đề cập riêng với các trợ lí của ông về một cuộc họp song phương kể từ khi ông ấy gặp Tổng thống Putin tại Việt Nam vào tháng 11 bên lề một hội nghị thượng đỉnh kinh tế đa phương.

"Sau cuộc họp đó, Tổng thống cho biết ông muốn mời ông Putin đến Nhà Trắng," một quan chức Mỹ cho biết.

Vào thời điểm đó, các trợ lý hàng đầu trong Hội đồng An ninh Quốc gia phản đối ý tưởng về một cuộc họp như vậy và nói rằng họ không xem sự quan tâm của ông Trump bên lề một hội nghị thượng đỉnh như một mệnh lệnh để bố trí một cuộc họp. "Họ quyết định: Chúng ta hãy chờ xem liệu ông ấy có tiếp tục đề cập nữa không", quan chức này, người đề nghị giấu tên cho biết.

Trước đó, hai ông Putin và ông Trump đã gặp nhau bên lề các cuộc họp quốc tế, nhưng một cuộc họp thượng đỉnh sẽ là lần đầu tiên kể từ khi mối quan hệ Mỹ-Nga rơi xuống mức thấp lịch sử sau việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Lập trường kiên quyết của ông Trump về một thượng đỉnh với Nga bắt nguồn từ quan điểm của ông cho rằng, khi cùng nhau – hai người đàn ông này có thể giải quyết các vấn đề địa chính trị lớn ở Trung Đông và châu Âu.

Khi được hỏi về khả năng của một cuộc họp như vậy, phát ngôn viên của ông Putin, Dmitry Peskov, nói “chúng tôi không loại trừ” khả năng này nhưng chưa có thông tin cụ thể nào được thảo luận, AP đưa tin.

Hôm thứ Năm, một quan chức cao cấp của Nhà Trắng phụ trách châu Âu, Richard Hooker, nói với hãng tin Nga Tass rằng, Nhà Trắng đang tính tới ý tưởng về một cuộc họp thượng đỉnh song phương ở Áo – nơi có mối quan hệ chặt chẽ với cả Washington và Moscow.

Vượt sức ép lực lượng cố vấn

Thành công của ông Trump trong việc thúc đẩy kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Nga đánh dấu một chiến thắng trước các trợ lý của ông, những người đã muốn Tổng thống Trump duy trì một chính sách cứng rắn với Moscow.

Vào tháng 4, chính quyền Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu hơn đối với giới tinh hoa chính trị của Nga, gia tăng sức ép lên nền kinh tế Nga. Vào tháng 3, ông Trump đã ra lệnh trục xuất lớn nhất trong lịch sử số lượng quan chức Nga ra khỏi Hoa Kỳ, mặc dù sau đó ông đã cáo buộc các trợ lý của mình đã gây hiểu lầm cho ông về mức độ của hành động này. Năm ngoái, ông Trump đã phê chuẩn việc chuyển tên lửa chống tăng sang Ukraine, tuy nhiên, đã có bất đồng với các trợ lý của ông sau khi quyết định chính sách này được công bố.

Hiện tại, ông Trump đã cho thấy một lập trường công khai mạnh mẽ muốn liên kết với Nga.

Hôm thứ Sáu, ông lặp lại quan điểm của mình rằng Nga nên tái gia nhập nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới-  trước đây được gọi là G8.

“Tôi nghĩ tốt hơn là nên có Nga hơn là không. Bởi vì cũng giống như Triều Tiên, giống như những người khác, sẽ tốt hơn nếu chúng ta hòa hợp với họ”, ông Trump nói.

Các quan chức cấp cao tại Bộ Ngoại giao Mỹ đã thừa nhận rằng một cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo  Mỹ - Nga có thể, về mặt lý thuyết, giúp giải quyết những khác biệt lâu dài về Ukraine, Syria, các vấn đề an ninh mạng và việc can thiệp trong các cuộc bầu cử nước ngoài. Nhưng một số quan chức Mỹ đã nói rằng, một cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo là quá sớm vì còn thiếu tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề nhỏ.

John Herbst, một chuyên gia về Nga tại Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, căng thẳng nội bộ về hội nghị thượng đỉnh này theo sau một loạt các cuộc đụng độ giữa ông Trump và các trợ lý của ông về vấn đề Nga.

"Ông ấy đã chọn những cố vấn tất cả đều cứng rắn với nước Nga," ông John Herbst nói. “Trong khi đó, ông ấy lại đang cố gắng theo đuổi chính sách với Nga – điều gặp nhiều bất lợi trong môi trường chính trị hiện tại. Việc này đã diễn ra một cách liên tục kể từ khi ông ấy nắm quyền”.

Huntsman, Đại sứ Mỹ tại Nga là một trong số ít các quan chức trong chính quyền Trump đã tích cực ủng hộ sự gắn kết với Nga. Ông đang tổ chức một chuyến đi đến Nga cho các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, bao gồm Richard C. Shelby của Alabama, John Neely Kennedy của Louisiana và John Hoeven của North Dakota.

Huntsman “muốn một số thượng nghị sĩ đến để hiểu những gì đang xảy ra”, Hoeven nói với tờ Washington Post. "Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu chi tiết."

Một nguồn tin quen thuộc với những nỗ lực của Huntsman nói rằng ông ấy quan tâm đến việc chứng minh cho người Nga thấy rằng, ngay cả những nhà lập pháp  Mỹ cứng rắn nhất cũng sẵn sàng làm việc để cải thiện quan hệ với Nga nếu Moscow cho thấy một nỗ lực tốt.

Kennedy, người đã xác nhận sự quan tâm của mình về chuyến đi, cho biết, chuyến thăm có thể giúp các nhà lập pháp hiểu cách Mỹ có thể “có mối quan hệ tốt hơn với Nga”.

“Cố gắng tìm hiểu xem Nga đang nghĩ gì. . . thái độ của họ là gì [và] điều ông Putin thực sự nói với người dân Nga, ”ông nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ