(Tổ Quốc) - Theo tin từ Reuters, số người chết do cơn bão Ian đã vượt qua con số 80 người vào ngày 2/10 khi người dân ở Florida và Carolina, Mỹ phải đối mặt với quá trình hồi phục lại sau bão.
Số người chết dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi nước lũ rút và các đội tìm kiếm triển khai hoạt động tới các khu vực ban đầu bị cắt đứt với thế giới bên ngoài. Hàng trăm người đã được giải cứu khi các nhân viên cứu hộ di chuyển qua các ngôi nhà và tòa nhà bị ngập trong nước.
Bão Ian đổ bộ vào bờ biển Vùng Vịnh của Florida vào thứ Tư tuần trước với sức mạnh của một cơn bão cấp 4 và sức gió duy trì tối đa 240 km/h.
Những người tử vong phần lớn ở bang Floridia, trong đó có 42 trường hợp được văn phòng cảnh sát trưởng ở hạt Lee ven biển thống kê, nơi bão trực tiếp đổ bộ khi di chuyển tới đất liền, và 39 trường hợp tử vong khác được các quan chức ở bốn hạt lân cận báo cáo.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và đệ nhất phu nhân Jill Biden sẽ tới thăm khu vực bị bão tàn phá ở Florida ngày 5/10 tới, sau khi đến thăm Puerto Rico vào ngày 3/10, nơi hàng trăm nghìn người vẫn bị mất điện sau khi cơn bão Fiona đổ bộ hai tuần trước.
Sau khi ảnh hưởng của bão Ian suy yếu tại Florida, những thiệt hại sau bão đang dần được thống kê và đánh giá rõ ràng hơn. Các quan chức Mỹ cho biết một số thiệt hại nặng nề nhất là do sóng biển tràn vào các cộng đồng ven biển và cuốn trôi nhiều tòa nhà.
Các hình ảnh vệ tinh mà Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) thu được cho thấy nhiều ngôi nhà trên bãi biển và một nhà nghỉ ven biển trên Đảo Sanibel của Florida đã bị phá hủy khi nước biển dâng cao. Đảo Sanibel, một nơi nghỉ ngơi nổi tiếng của khách du lịch và cũng là nơi sinh sống của khoảng 6.000 người đã bị tàn phá nặng nề.
"Mọi thứ đã biến mất. Hệ thống điện của chúng tôi bị phá hủy khá nhiều, hệ thống cống của chúng tôi đã bị hư hỏng nặng và nguồn cấp nước công cộng cũng bị hư hại", Dana Souza, người quản lý Sanibel, cho biết.
Cây cầu nối hòn đảo này với đất liền cũng đã bị đứt gãy và do đó khiến nỗ lực cứu trợ thêm khó khăn, Souza nói.
Tuy nhiên, sau khi đổ bộ Florida và suy yếu thành một cơn bão nhiệt đới thì khi di chuyển qua Đại Tây Dương, Ian đã lấy lại sức mạnh và tiếp tục quét qua vùng duyên hải Nam Carolina vào ngày 30/9, gây ảnh hưởng nặng nề tới khu vực Georgetown. Nhiều con đường bị ngập và tắc nghẽn do cây đổ trong khi một số cầu tàu tại đây bị hư hỏng.
Theo công ty phân tích và dữ liệu bất động sản Mỹ CoreLogic, các công ty bảo hiểm đang chuẩn bị để chi trả cho các yêu cầu bồi thường từ 28 tỷ USD đến 47 tỷ USD. Đây có thể là cơn bão đắt giá nhất tại Mỹ kể từ sau cơn bão Andrew năm 1992.