(Tổ Quốc) - Hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin đã diễn ra vào thời điểm rất thuận lợi đối với cuộc nội chiến Syria - hiện đang ở giai đoạn cuối cùng.
Hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin đã diễn ra vào thời điểm rất thuận lợi đối với cuộc nội chiến Syria - hiện đang ở giai đoạn cuối cùng. Tuyên bố của cả hai nhà lãnh đạo không chỉ là sự hiểu biết chung về các vấn đề ở Syria, mà thực tế đây là lĩnh vực mà cả hai nhà lãnh đạo đã hứa hẹn với Thủ tướng Israel Netanyahu về sự cần thiết để đảm bảo an ninh của Israel, vấn đề người tị nạn và việc cần phải loại bỏ ISIS và những kẻ khủng bố cấp tiến khác trong khu vực.
Israel muốn gì tại Syria
Sau cuộc gặp riêng với ông Putin tuần trước, ông Netanyahu đã chỉ ra thỏa thuận Israel-Syria năm 1974 làm cơ sở cho các mối quan hệ trong tương lai. Ông Putin cũng đề cập đến thỏa thuận này trong những phát biểu của ông với lý do chính đáng. Thỏa thuận năm 1974 là sản phẩm của những nỗ lực của Israel và Syria, cũng như Hoa Kỳ và Nga (trước đó là Liên bang Xô viết) để giải quyết mối quan ngại về an ninh sau hậu quả của cuộc Chiến tranh Trung Đông 1973.
Thế giới đang chờ đợi kết quả hữu hình từ thượng đỉnh Mỹ - Nga tại Helsinki, bao gồm vấn đề Syria. |
Trong khi thỏa thuận năm 1974 không phải là một hiệp ước hòa bình, nó đã đưa tới 40 năm cùng tồn tại hòa bình. Đây là hiện trạng mà Israel muốn thấy và sẵn sàng chấp nhận để chính phủ Assad giành quyền kiểm soát các khu vực của Syria– nơi quân nổi dậy và lực lượng Iran có thể phóng tên lửa và tấn công vào Israel. Đây không chỉ là một vấn đề của Israel, mà là một vấn đề đối với cộng đồng thiểu số Druze Syria - đã phải hứng chịu bạo lực từ ISIS và các nhóm phiến quân khác. Theo Washington Times, điều không thường xuyên được thông tin là sự trợ giúp y tế và nhân đạo mà Israel đã cung cấp cho những người hàng xóm Syria trong suốt 7 năm của cuộc nội chiến đẫm máu.
Vấn đề lớn đầu tiên trong việc khôi phục tình trạng ổn định này vẫn là sự hiện diện của các lực lượng Iran và nhóm Hezbollah gần biên giới Israel, những bên không tham gia thỏa thuận năm 1974. Thật không thực tế khi nghĩ rằng chỉ một mình ông Putin có thể ép buộc người Iran ra khỏi Syria. Hay những thỏa thuận đâu đó về việc ông Putin sẽ làm như vậy trong một sự hợp tác lớn hơn với ông Trump và ông Netanyahu là thiếu căn cứ.
Chỉ có một điều đã rõ ràng là, cam kết của ông Trump, ông Putin và ông Netanyahu rằng mối quan ngại của Israel về an ninh là đáng chú ý. Mặc dù việc các lực lượng Iran có thể bị kiểm soát cách xa Israel 80 km là có thể đạt được thì Israel vẫn cho rằng điều này là không đủ. Về tổng thể, Israel và Syria vẫn cần phải một lần nữa nhìn vào bối cảnh của thỏa thuận năm 1974, và nếu tên lửa Iran được phóng vào Israel, thì Israel sẽ đáp trả và xóa sổ các căn cứ và nhân sự Iran có hiện diện tại Syria.
Bờ vực khủng hoảng nhân đạo đến đâu?
Mối quan tâm lớn thứ hai, được đề cập bởi cả ông Trump và ông Putin sau hội nghị thượng đỉnh Helsinki, là vấn đề rất khó khăn đối với tất cả các bên về số lượng lớn người tị nạn, nhiều người hiện đang sống ở các nước lân cận là Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon. Đây là một tình huống thảm khốc bất chấp những yêu cầu tuyệt vọng đối với một kế hoạch quốc tế để xây dựng lại các khu vực bị chiến tranh tàn phá Syria và hồi hương hàng triệu người Syria đã phải chạy trốn trong cuộc nội chiến.
Phát biểu tại Helsinki sau hội nghị thượng đỉnh, ông Putin nói rằng tiến trình giải quyết vấn đề tị nạn có thể được thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 338 về cuộc chiến Ả Rập – Israel 1973, trong đó cả Mỹ và Liên Xô đều kêu gọi ngừng bắn. Điều này ít nhất đặt ra câu hỏi quan trọng về vai trò của Liên hợp quốc, cũng như Hoa Kỳ và Nga, trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo và tị nạn. Tuyên bố của ông Putin cũng cho thấy sự sẵn sàng phần nào của Nga để thúc đẩy các cơ chế của Liên hợp quốc hoạt động ở đây.
Trong quá khứ, LHQ đã chứng minh khả năng hỗ trợ cả trong việc tháo gỡ xung đột cũng như trong việc giải quyết các vấn đề thực tế và hỗ trợ hậu cần của việc tái định cư tị nạn. Trong khi điều này chưa bảo đảm rằng LHQ sẽ hỗ trợ hoàn hảo, nhưng đây chắc chắn là một con đường đáng để xem xét. Có lẽ là Đại sứ Nikki Haley sẽ thảo luận vấn đề này với đối tác Nga và những bên khác để xem có thể thực hiện giải pháp nào.
Trong khi sự rối ren tại Syria phần nào đã rõ ràng khi ông Bashar Assad có “chiến thắng” dễ thấy, nhưng rõ ràng Syria vẫn là một quốc gia bị tàn phá nghiêm trọng. Đối phó với việc xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá và hồi hương hàng triệu người tị nạn sẽ là một thương vụ tốn kém. Chắc chắn Hoa Kỳ sẽ giúp đỡ nhưng sẽ không chịu gánh nặng này một mình, và Nga không ở trong một vị trí kinh tế để giúp đỡ nhiều hơn nữa. Ở đây, Syria nên xem xét đến Saudi Arabia, quốc gia giàu có ở vùng Vịnh, để tìm kiếm hỗ trợ. Đối với người Saudi Arabia, đây có thể là một con đường hữu ích để chống lại ảnh hưởng gia tăng của Iran ở Trung Đông và đây là một sự đầu tư đáng giá vào sự an toàn của chính họ.
Ngày càng có nhiều tín hiệu cho thấy chính sách đối ngoại của ông Trump đang ngày càng trở nên thực tế. Kể từ khi nhậm chức, ông Trump và nhóm của ông đã hướng đến Syria và nhiều nơi khác ở Trung Đông để xác định những gì có thể đạt được và những gì không thể. Tuần vừa qua đã chứng kiến một cột mốc quan trọng trong vấn đề này. Như năm 1974, Hoa Kỳ, Nga và Israel đã đồng thuận về các mục tiêu chung sau hậu quả của cuộc nội chiến Syria và hiện đang hướng tới những cách thức để đạt được điều này một lần nữa.