(Tổ Quốc) - Tờ The Guardian đưa tin, nhà lãnh đạo quân đội hàng đầu Iran mới đây đã gặp gỡ các nhóm vũ trang Iraq tại Baghdad và yêu cầu họ "chuẩn bị cho chiến tranh ủy nhiệm".
Theo hai nguồn tin tình báo cấp cao, ba tuần trước, Qassem Suleimani – nhà lãnh đạo của lực lượng Quds (một đơn vị thuộc Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iran) đã có cuộc gặp mặt các nhóm vũ trang chịu ảnh hưởng của Tehran vào thời điểm căng thẳng trong khu vực đang không ngừng gia tăng. Động thái huy động các đồng minh của Iran trong khu vực được cho là làm dấy lên những lo ngại tại Mỹ rằng, các lợi ích của Washington tại Trung Đông đang phải đối mặt với áp lực gia tăng. Hôm thứ Năm, nước Anh đã nâng cao mức độ nguy hiểm cho binh lính của mình tại Iraq.
Mặc dù ông Suleimani vẫn thường xuyên gặp gỡ các nhóm vũ trang người Shia tại Iraq trong 5 năm qua; nhưng giọng điệu và tính chất của sự kiện lần này có phần khác biệt. "Đó không hoàn toàn là lời kêu gọi vũ trang, nhưng cũng không cách xa lắm", một nguồn tin cho hay.
Cuộc họp đã dẫn tới một loạt các hoạt động ngoại giao giữa các quan chức Mỹ, Anh và Iraq. Không ngừng nỗ lực để xoa dịu những đụng độ giữa Tehran và Washington, các quan chức này giờ đây lo ngại, Iraq có thể trở thành một "sân khấu" để xung đột diễn ra.
Tướng Qassem Suleimani (giữa) người đứng đầu lực lượng Quds (ảnh: getty)
Động thái của ông Suleimani có thể là một trong những lý do khiến Mỹ di tản một số nhân viên ngoại giao khỏi đại sứ quán Mỹ tại Baghdad và Erbil; cũng như nâng cấp độ cảnh báo nguy hiểm tại các căn cứ của Mỹ tại Iraq. Nó cũng được cho là trùng hợp với một nguy cơ khác cho lợi ích của Mỹ và đồng minh tại Vịnh Ba Tư, dẫn tới khả năng các cuộc chiến tranh ủy nhiệm đã kéo dài hơn một thập kỷ có thể trở thành một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Washington và Tehran.
Hai nguồn tin tình báo tiết lộ, các lãnh đạo của tất cả các nhóm vũ trang chịu ảnh hưởng của Lực lượng dân quân (PMU) của Iraq, đều có mặt trong cuộc gặp gỡ với ông Suleimani.
Là người đứng đầu lực lượng Quds tinh nhuệ, ông Suleimani đóng một vai trò quan trọng trong các chỉ đạo chiến lược và các chiến dịch lớn của quân đội Iran. Trong 15 năm qua, ông là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của Iran tại Iraq và Syria. Suleimanin cũng chính là người dẫn đầu những nỗ lực của Tehran nhằm củng cố sự hiện diện của Iran tại cả Iraq và Syria, cũng như cố gắng tái định hình lại khu vực có lợi cho Cộng hòa Hồi giáo.
Trong khi đó, Mỹ ngày càng tỏ rõ thái độ về hoạt động của các đồng minh Iran tại Trung Đông. Tháng này, Tổng thống Donald Trump cáo buộc lượng Islamic Jihad của Palestine phải chịu trách nhiệm một phần cho các vụ nã tên lửa từ Gaza nhằm vào Israel. Phương Tây coi Islamic Jihad là một nhóm khủng bố được Iran và Hezbollah hỗ trợ tài chính.
Hôm Chủ nhật (12/5), bốn tàu – hai trong số đó là tàu chở dầu của Arab Saudi – đã bị phá hoại ngoài vùng biển UAE. Ngày hôm sau, các thiết bị bay không người lái của lực lượng đối lập thân Iran tại Yemen tiến hành tấn công hai đường ống của Saudi. Hôm thứ Năm, truyền thông quốc gia Saudi đã kêu gọi tấn công đáp trả vào các mục tiêu của Iran. Giới chức Riyadh nói với Washington rằng, Saudi sẽ hành động để bảo vệ lợi ích của mình.
Lo ngại càng gia tăng trước nguồn tin một loạt các tên lửa do Iran cung cấp tuần trước đã được vận chuyển thành công qua tỉnh Anbar, Iraq tới Damascus, Syria. Tờ Guardian trích lời một nhà ngoại giao trong khu vực cho hay, hành trình trên bằng một cách nào đó đã lọt qua mạng lưới tình báo dày đặc của Mỹ và Israel. Nên nhớ rằng, trong ba năm qua, Israel đã chặn đứng rất nhiều vụ vận chuyển tên lửa tới các căn cứ không quân tại Syria thông qua đường không.
Viễn cảnh về một hành lang đường bộ do Iran điều hành trong đó các nhóm vũ trang người Shia đóng vai trò chủ đạo, đã trở thành một trong những mối quan ngại chính của phương Tây thời kỳ hậu chiến Iraq và Syria.
Việc Iran mở rộng ảnh hưởng sau cuộc chiến với IS, liên tục xuất hiện trong các cuộc thảo luận gần đây giữa hai chính trị gia theo trường phái cứng rắn của chính quyền Trump là cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ông Bolton và Pompeo cũng là hai nhân tố trung tâm trong chương trình leo thang trừng phạt của Mỹ và quyết định để Washington rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Washington vẫn duy trì cảnh giác với các nhóm vũ trang Iraq, với thành phần chủ yếu là người Shia – nhóm người được Iran tài trợ trực tiếp. Mặc dù cũng tham gia cuộc chiến chống IS, các nhóm này tích hợp vào cơ cấu chính quyền Iraq và ngày càng nhận được nhiều so sánh với Lực lượng Vệ binh Cộng hòa của Iran.
Trong một cập nhật trên Twitter ngày 16/5, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tỏ ra đồng tình với khẳng định của Mỹ về mối đe dọa từ Tehran. "Chúng ta chia sẻ cùng những đánh giá về nguy cơ cao do Iran đem tới", ông viết. "Và như mọi khi chúng ta làm việc chặt chẽ với Mỹ".
Tuy vậy, Anh được cho là đứng ở vị trí trung tâm trong những quan ngại đang gia tăng gần đây, cũng như các nỗ lực để giảm leo thang cuộc khủng hoảng đến từ chiến lược "gây sức ép tối đa" của Mỹ lên Iran và những quyết tâm sắt đá từ giới lãnh đạo Iran nhằm bảo vệ lợi ích của mình trước các cấm vận từ Washington.
Trả lời phỏng vấn đài NPR của Mỹ, Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Majid Takht-e Ravanchi cho biết, Iran không muốn leo thang căng thẳng khu vực nhưng "có quyền tự vệ".
Mới đây, Mỹ đã cử một nhóm các tàu chiến và máy bay ném bom B-52 tới khu vực. Cùng lúc tại Yemen – nơi cuộc chiến do Saudi dẫn đầu chống lại lực lượng đồng minh Iran là Houthi tiếp tục bước sang năm thứ tư, một cuộc không kích vào sáng sớm đã khiến 6 người thiệt mạng, trong đó gồm 4 trẻ em.