(Tổ Quốc) - Tại sao mức giá dầu thế giới dù có thấp hơn cũng sẽ không làm cho Nga cảm thấy lo lắng?
Trang tin tức chuyên về dầu mỏ và năng lượng Oilprice.com nhận định, trong khi Arab Saudi phải vất vả để ngăn chặn một vụ vỡ nợ trên thị trường dầu mỏ, và những nỗ lực để ngăn chặn khả năng trượt giá sâu tỏ ra thất bại – thì Nga dường như vẫn ổn thỏa với mức giá dầu hiện tại.
Các nước OPEC và phi OPEC kêu gọi cắt giảm sản lượng dầu để ổn định thị trường (ảnh: getty)
Nước Nga được coi là một yếu tố chủ chốt trong bức tranh giá dầu toàn cầu. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lực (OPEC), trước đây là một liên minh các quốc gia sản xuất dầu cùng đưa ra những quyết định nhằm giữ cho thị trường ổn định - thì giờ lại dần trở thành một nhóm các nước do Saudi dẫn đầu và đang vô cùng cần tới sự hợp tác từ phía Nga, để tăng cường tính hiệu quả cho những cố gắng của mình. Một số nước thành viên OPEC đã đạt tới sản lượng tối đa và phải chịu tình cảnh sản xuất sụt giảm tại những giếng dầu "cằn cỗi" tồn tại nhiều năm nay của mình; cùng lúc, một số khác lại bị đánh giá là bất ổn. Tất cả đã góp phần khiến những lời hứa gia tăng hoặc cắt giảm sản lượng dầu trở nên sáo rỗng. Các quốc gia duy nhất không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề này là Arab Saudi và đối tác chiến lược mới, Nga.
Tuy nhiên, mong muốn giá dầu tăng cao của Moscow không cấp thiết như Arab Saudi. Có nhiều nguyên nhân để giải thích. Một trong những nguyên nhân chính đó là đồng tiền của Nga khá linh hoạt, do đó, khi giá dầu giảm, đồng rúp có thể trở nên yếu đi. Điều đó góp phần ngăn cản cú sốc nếu xảy ra suy thoái và cho phép các công ty dầu mỏ Nga chi trả bằng đồng rúp yếu hơn trong khi vẫn nhận về đồng USD cho khối lượng dầu bán đi. Thứ hai, theo luật pháp Nga, mức thuế cho các công ty dầu mỏ của nước này được cơ cấu theo cách đặc biệt, trong đó, gánh nặng thuế má sẽ giảm bớt nếu giá dầu trượt dốc.
Việc giá dầu hạ mạnh khó có thể khiến chúng tôi lo lắng.
Phó Thủ tướng Nga ANton Siluanov
Theo mong muốn của Arab Saudi, mức giá dầu vào khoảng 84 USD/thùng mới có lợi cho thu chi ngân sách của nước này. Phản ứng tiêu cực của cộng đồng quốc tế trước vụ việc nhà báo The Washington Post Jamal Khashoggi bị sát hại, đã khiến Riyadh rơi vào tình trạng "cô lập". Các kế hoạch cải cách kinh tế được ca ngợi của Thái tử Mohammed bin Salman bị đổ vỡ. Và giờ đây, Arab Saudi đang không ngừng nỗ lực với mục tiêu là làm sao để giá dầu tăng cao hơn.
Trong khi đó Nga lại khá bình tĩnh khi giá dầu đi xuống. "Việc giá dầu hạ mạnh khó có thể khiến chúng tôi lo lắng, bởi vì ngân quỹ của chúng tôi dựa trên mức giá 42 USD/thùng", Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Anton Siluanov chia sẻ với giới phóng viên tại Moscow vào ngày 26/12 vừa qua. "Giá dầu có thể dao động từ 40 – 50 USD trong khoảng 6 tháng hoặc là một năm", ông Siluanov cho biết. "Chúng tôi nghĩ tình hình sẽ không kéo dài". Tuy nhiên, theo ngài Phó Thủ tướng, ngay cả khi việc sụt giá vẫn tiếp diễn, Nga cũng sẽ không gặp vấn đề gì bởi vì nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào của nước này.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Igor Sechin, người đứng đầu tập đoàn Nhà nước Rosneft nhận định, giá dầu "nên được ổn định, bởi mọi người đáng lẽ đều bị dọa sợ" trước mức cắt giảm sản lượng lớn của OPEC+. "Tuy nhiên, chẳng ai sợ hãi hết", ông nói.
Điều đáng nói là, Nga không cảm thấy cấp bách như là Arab Saudi. Không lâu sau khi Moscow đồng ý với thỏa thuận của OPEC+ (các thành viên OPEC cùng với một số nước không thuộc OPEC nhưng có sản lượng dầu mỏ cao), kêu gọi hạ sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày bắt đầu vào tháng 1/2019, các quan chức Nga cho biết, sản lượng của họ chỉ giảm nhẹ trong những ngày đầu năm mới.
Bộ trưởng dầu mỏ Nga Alexander Novak (ảnh: getty)
Giữa tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng dầu mỏ Nga Alexander Novak cho biết, sản lượng có thể hạ ở tỷ lệ không quá cao là 50.000 tới 60.000 thùng/ngày vào tháng Một. Điều này có nghĩa sản lượng của Nga vào khoảng 11,35 triệu thùng/ngày – không cách biệt quá nhiều so với mức kỷ lục 11,41 triệu thùng/ngày hồi tháng Mười. "Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào các khả năng công nghệ và khí hậu. Chúng tôi sẽ nhận được các đề xuất từ các công ty", ông Novak nói. "Chúng ta sẽ cùng xem tình hình sẽ tiến triển như thế nào".
Cùng lúc, Bộ trưởng Novak cũng đưa ra một số đảm bảo rằng nhóm OPEC+ sẽ tham gia ổn định thị trường nếu tình hình trở nên tệ hơn. Ông cho biết, OPEC+ có thể sẽ tổ chức một cuộc họp lớn. Theo ông, thị trường vẫn phải đối mặt với nhiều bất định. "Tất cả những gì không chắc chắn trên thị trường hiện tại, bao gồm cách Trung Quốc cư xử, cách Ấn Độ cư xử… chiến tranh thương mại và sự khó đoán trước từ chính quyền Mỹ… chúng đề là các yếu tố định đoạt biến đối giá cả", ông Novak chia sẻ với các phóng viên.
Mặc dù vậy, ông đánh giá, mức cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày được công bố tại Vienna, sẽ là đủ cho mục đích các bên đề ra.
Một số nhà phân tích tỏ ra đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Nga, bất chấp những lo ngại đang tồn tại trên thị trường. "Chúng ta đang nhìn vào giá dầu hướng về mức 70 – 80 USD…, một sự hồi phục khá đáng kể trong năm 2019. Điều này được nhận định dựa vào lý do đầu tiên là OPEC vẫn ở đây", Dominic Schnider đến từ UBS Wealth Management nói với hãng tin CNBC.