• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hé lộ Nga, Iran “thâu tóm” hợp đồng tỷ đô từ Syria

Thế giới 23/10/2017 22:12

(Tổ Quốc) - Chiến sự chưa dứt nhưng những thỏa thuận “khủng” liên quan đến công cuộc tái thiết Syria đã được dành riêng cho Nga và Iran.  

Các thành phố bị phá hủy bởi bom đạn không chỉ đồng nghĩa với chết chóc và hoang tàn. Sau khi chiến tranh kết thúc, chúng chính là những “viễn cảnh” trị giá hàng tỉ USD.

Điều này hoàn toàn chính xác trong trường hợp của Syria. Cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 6 năm tại quốc gia Trung Đông đang tiến tới giai đoạn cuối khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã giành lại được phần lớn lãnh thổ từng nằm dưới quyền kiểm soát của các thế lực đối lập. Lực lượng khủng bố IS cũng dần bị quét khỏi các cứ điểm mạnh nhất của chúng.

Tuy nhiên, tại mảnh đất đã chứng kiến sự sụp đổ của hàng chục thành phố, thị trấn cũng như cái chết của hàng trăm nghìn dân thường Syria, các tập đoàn trong và ngoài Syria lại cảm thấy rõ ràng hơn hết lời mời gọi của lợi nhuận. Gần như mọi cây cầu, con đường, tòa nhà, nhà máy... từng bị phá hủy tại đây, đều có thể trở thành cơ hội cho những hợp đồng tái thiết đầy giá trị mà chính phủ Syria sẽ sớm trao ra.

Cơ hội kiếm tiền tỷ trao cho Nga và Iran

Tờ Foreign Policy đưa tin, ngay từ tháng Tám, các công ty từ hơn 24 quốc gia đã đổ về Syria tham dự Hội chợ Quốc tế Damascus. Là hội chợ expo đầu tiên được tổ chức kể từ khi chiến tranh nổ ra vào năm 2011, sự kiện này được coi là lời tuyên bố rằng, Syria đã lại một lần nữa mở cửa cho giới kinh doanh. Tất nhiên không phải mọi người đều có “giấy mời”. Các công ty đến từ những quốc gia phản đối Tổng thống Assad không được chào đón tại Syria.

Theo Foreign Policy, phần lớn các hợp đồng tái thiết gần như chắc chắn sẽ được trao cho các tập đoàn có quan hệ với Nga và Iran, mặc dù Trung Quốc và Brazil cũng đã ngỏ ý muốn “nhảy vào”. Hầu hết các công ty phương Tây đều không có cơ hội. Trong cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng Chín, 14 quốc gia phương Tây và Vùng Vịnh từng bày tỏ quyết tâm không tham gia vào quá trình tái thiết Syria cho đến khi “một quá trình chính trị” nhằm tước đi quyền lực của ông Assad được thực hiện. Hôm 19/10, Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ H.R. McMaster cũng nhắc lại điều này trong một sự kiện tại Washington. “Chúng ta nên chắc chắn rằng không một đồng đôla nào tiêu vào việc tái thiết bất kỳ cái gì” dưới sự lãnh đạo của chính quyền Assad.

Tháng Tư năm ngoái, không lâu sau khi bắt đầu tham dự vào cuộc chiến Syria, Nga đã ký kết các hợp đồng trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở tại Syria với trị giá lên tớ gần 1 tỷ USD. Theo hãng tin RT, tháng 11/2016, Damascus cam kết sẽ giành quyền ưu tiên cho Nga trong việc chỉ định hợp đồng. Một số tập đoàn năng lượng có mối quan hệ với Điện Kremlin đã bắt đầu hoạt động trong các lĩnh vực dầu khí, khí gas và mỏ tại các khu vực mà IS vừa bị “quét sạch”. Nga và Syria thậm chí còn đang cân nhắc thành lập một ngân hàng liên doanh để thuận tiện cho các giao dịch giữa hai bên.

Một cây cầu bị phá hủy bởi bom đạn tại Syria

Tuy nhiên, Damascus cũng tìm kiếm sự hỗ trợ từ một đồng minh lâu năm khác. Đầu năm 2017, các công ty đến từ Iran cũng đã ký kết nhiều hợp đồng tái xây dựng hạ tầng mạng lưới viễn thông và mỏ trên lãnh thổ Syria. Tháng trước, một thỏa thuận sơ bộ đã được ký kết giữa Syria và Iran, nhằm trao cho các công ty Iran quyền xây dựng các nhà máy điện mới tại một loạt các thành phố của Syria, bao gồm cả Aleppo và Homs. Iran cũng từng tiết lộ, nước này sẽ xây dựng một nhà máy lọc dầu cho Syria.

Các quốc gia khác tất nhiên cũng muốn giành một phần bánh ngon. Hôm 19/10, Ngoại trưởng Brazil Aloysio Nunes tuyên bố, Brazil dự định sẽ tái thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện với Syria và mở cửa lại đại sứ quán Brazil tại Damascus. Động thái này, không nghi ngờ gì, sẽ tạo cơ sở thuận lợi cho các công ty Brazil tham gia vào công cuộc tái thiết Syria – một quá trình được ước tính có chi phí tối thiểu lên tới 300 tỷ USD.

Tái thiết không phải cho tất cả người dân và toàn bộ Syria

Foreign Policy nhận định, không phải tất cả người dân Syria đều được hưởng lợi từ quá trình trên. Hầu hết giới tinh hoa Syria đều đã rời bỏ đất nước, để lại lực lượng ủng hộ ông Assad cùng những công ty mới được thành lập vội vã - nhằm có thể kịp thời “tranh giành” càng nhiều hợp đồng càng tốt với các công ty nước ngoài.

Ngoài ra không phải mọi ngóc ngách của Syria đều được Damascus “để mắt” tới. Lina Khatib, người đứng đầu chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House cho biết, chính quyền Assad muốn trừng phạt những vùng đất từng nổi dậy bằng cách từ chối cung cấp quỹ tái thiết.

“Chính phủ Syria không quan tâm đến việc tái xây dựng toàn bộ Syria, mà chỉ những khu vực trung thành,” bà Khatib nói.

Các nhóm viện trợ quốc tế e ngại rằng, việc đẩy nhanh tiến độ tái thiết sau chiến tranh tại một số vùng nhất định, sẽ chỉ làm trầm trọng hơn nữa sự chia rẽ và những mâu thuẫn từng thể hiện rõ trong cuộc xung đột 6 năm tại Syria.

Một số tổ chức như Oxfam, Save the Children, CARE International… từng đưa ra một tuyên bố chung, trong đó cảnh báo, nếu quá trình chuẩn bị tái thiết của Syria được tiến hành trong một khuôn khổ thiếu sự tôn trọng nhân quyền, điều này sẽ chỉ đem lại nhiều tổn hại hơn là lợi ích cho quốc gia Trung Đông.

(Theo Foreign Policy)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ