(Tổ Quốc) - Nước Nga đã chuẩn bị đầy đủ trong cuộc chiến chống lại virus corona mới hay chưa?
Tháng trước, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát trên toàn thế giới, nước Nga từng phải đối mặt với những hoài nghi về tỷ lệ nhiễm bệnh ít ỏi, nhất là khi Nga có diện tích rộng lớn và chung đường biên giới với cả hai "tâm dịch" là Trung Quốc và châu Âu. Lời cáo buộc khá quen thuộc khi giới phê bình cho rằng, để ngăn chặn các thông tin tiêu cực, Điện Kremlin đã tìm cách che giấu quy mô thực sự của dịch bệnh tại Nga.
Trang tin tức OZY nhận định, việc Nga bị chỉ trích đưa ra thông tin sai sự thật nhằm gây ảnh hưởng tới các đối thủ chính trị hoặc can thiệp vào nội bộ quốc gia khác – không còn là điều xa lạ. Liên quan tới virus corona mới, Tổng thống Vladimir Putin từng cố gắng làm giảm tầm nghiêm trọng các vấn đề khi tuyên bố, tình huống "đang được kiểm soát" và biện pháp ban đầu như đóng cửa biên giới đường bộ với Trung Quốc đã góp phần kiềm chế dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên, trong tuần này số ca dương tính với COVID-19 tại Nga đã đột ngột tăng mạnh. Theo thống kê của Đại học John Hopskin tính đến cuối giờ chiều ngày 2/4, Nga đã có hơn 3.548 người nhiễm virus với ít nhất 30 trường hợp thiệt mạng. Có thể thấy, mặc dù số người mắc COVID-19 đang tăng nhưng Nga lại có tỷ lệ tử vong khá thấp. Phải chăng, nước Nga đã thực sự được chuẩn bị tốt để sẵn sàng đối phó với đại dịch?
Nga có số giường bệnh trên đầu người cao hơn 3 lần so với Mỹ
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Thế giới chỉ ra, hệ thống y tế công của Nga có tỷ lệ 8,2 giường bệnh cho mỗi 1.000 người dân, trong khi tỷ lệ này tại Mỹ chỉ là 2,9. Nga cũng có 4 nhân viên y tế trên 1.000 người dân, còn Mỹ chỉ có 2,6 người.
Mặc dù vậy, theo giáo sư Vasily Vlassov tại Trường Y tế Moscow, chất lượng của lực lượng y bác sỹ của Nga không đồng đều. "Tuy nhiên, vẫn tốt hơn so với Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia đang phát triển truyền thống nào khác", ông Vlassov nói.
Để minh chứng, học giả Martin McKee đến từ Đại học Vệ sinh và Y khoa Nhiệt đới London có đưa ra một ví dụ: Trong những năm gần đây, các bác sỹ chuyên khoa tim của Nga, đã đạt được một số thành công nhất định trong điều trị các trường hợp nhồi máu cơ tim, từ đó giúp giảm tỷ lệ tử vong do bệnh này gây ra tại Nga - nơi có số lượng bệnh nhân liên quan tới tim mạch hàng đầu thế giới.
Nói tóm lại, đó cũng chính là nghịch lý của hệ thống y tế ngân sách thấp của Nga: quy mô nhưng lại thiếu phát triển. Về lý thuyết nó đã được trang bị để đối phó với cuộc khủng hoảng virus corona mới – nhưng trên thực tế, không phải tất cả đều đã chuẩn bị tốt.
Đầu tiên, hãy nhìn vào số giường bệnh. Cùng với các nước thuộc Liên Xô cũ, Nga dẫn đầu châu Âu về tỷ lệ giường bệnh trên đầu người. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi, bao nhiêu giường bệnh có thể chuyển đổi sang giường chăm sóc đặc biệt (ICU) bởi vì đó sẽ là nơi các bệnh nhân chuyển biến nặng cần đến.
Ngoài ra, một báo cáo gần đây về chăm sóc y tế trẻ em do Phòng Kiểm toán – cơ quan giám sát tài chính của chính phủ Nga tiến hành đã gây nên một cú sốc lớn. Theo đó, 52% các cơ sở y tế của Nga không có nước nóng trong khi 30% không hề có chút nước nào. Bộ Y tế Nga đưa ra phản bác khi lập luận rằng, các nhà kiểm toán viên chính phủ đã đưa cả những địa điểm như nhà kho, garage… vào thống kê của mình. Số liệu của Bộ Y tế cho thấy sự khác biệt: chỉ 3,5% không có nước và 6,5% (so với 35% trong bản báo cáo) không có hệ thống chứa nước bên trong.
Trong khi đó, cả hai thông số của Ngân hàng Thế giới đều được thu thập trước hoặc trong chiến dịch tái cơ cấu lại y tế quốc gia của chính phủ Nga. Người đứng đầu tổ chức Liên minh các bác sỹ Anastasia Vasilyeva cho hay, quá trình tái cơ cấu đã khiến 30.000 công việc bị "biến mất" và hàng nghìn cơ sở bị đóng cửa. Vì vậy, mặc dù Nga có khoảng trên dưới 40.000 máy thở, tương đương tỷ lệ 27 máy cho mỗi 100.000 người – so với 18 máy cho mỗi 100.000 người tại Mỹ, điều đó sẽ không đồng nghĩa với tính hiệu quả khi đại dịch bùng phát do không có đủ chuyên gia để vận hành máy.
Sự chênh lệch là một thách thức lớn khác nữa. Một lãnh đạo công đoàn của các nhân viên y tế Andrei Konoval tiết lộ, bên ngoài Moscow hay St. Petersburg, nhiều phòng khám và bệnh viện nằm rải rác ở các khu dân cư hẻo lánh trên khắp đất nước Nga rộng lớn. Và phần nhiều trong số đó đều thiếu các trang thiết bị cơ bản như khẩu trang hay quần áo bảo hộ. Mặc dù vậy, trong thời gian qua, Nga vẫn gửi đi các chuyến hàng viện trợ y tế tới nhiều quốc gia, bao gồm cả Italy, Trung Quốc, Venezuela và cả Mỹ nữa. Động thái này được đánh giá là nhằm phục vụ cho các mục tiêu địa chính trị của Nga trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, địa hình của Nga cũng có thể đem lại một lợi thế. Mật độ dân số của Nga – chỉ khoảng 8,4 người/km vuông, là quá nhỏ so với Mỹ (36 người) và Italy (206 người). Khoảng 2/3 số ca dương tính với COVID-19 của Nga là tại thủ đô Moscow. Các chuyên gia dịch tễ học đề ra giả thuyết là, trong khi các vùng nông thôn sẽ khó đối phó được với COVID-19 do hạ tầng cơ sở yếu kém, thì chính khoảng cách xa xôi lại giúp họ ít có cơ hội bị lây nhiễm hơn.
Tuy vậy, nhìn chung theo ông Konoval, "việc hệ thống y tế của chúng tôi có phát triển theo đúng hướng trong những năm gần đây hay không, dường như không quá rõ ràng". Và khi đại dịch đang càn quét qua quốc gia lớn nhất thế giới về mặt diện tích, chúng ta sẽ sớm tìm ra nhận định này đúng đắn tới mức nào.
Về phần mình, cũng trong ngày 2/4, Tổng thống Putin đã yêu cầu phần lớn người dân Nga tiếp tục nghỉ làm và ở trong nhà cho tới cuối tháng nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của COVID-19. Trước đó, chính sách không làm việc đã được chính phủ Nga áp dụng cho tới ngày 5/4.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông Putin nói, chiến lược đối phó với virus của Nga là có thêm thời gian và trì hoãn bùng phát dịch bệnh trong nước. Tuy nhiên, người đứng đầu Điện Kremlin cũng khẳng định, cùng với việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, một nhiệm vụ rất quan trọng khác là đảm bảo cho thu nhập của người dân và giữ cho tỷ lệ thất nghiệp không bị tăng đột biến.