• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hé lộ thái độ Trung, Mỹ trước kịch bản xấu nhất tại Triều Tiên

Thế giới 27/09/2017 17:05

(Tổ Quốc) - Có một điểm “cấm” về Triều Tiên mà cả Bắc Kinh và Washington gần như chưa bao giờ đả động tới.  

Trong những cuộc thảo luận liên quan đến Triều Tiên giữa Mỹ và Trung Quốc, một chủ đề gần như chưa từng được nhắc đến: Điều gì sẽ xảy ra nếu Bình Nhưỡng sụp đổ?

Theo bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung quốc nghiên cứu Chiến lược và quốc tế tại Washington, liên tục nhiều năm trời, Trung Quốc luôn từ chối những nỗ lực của Mỹ nhằm khởi xướng đề tài này trong các phiên thảo luận học thuật giữa hai nước về chính sách đối ngoại. Từ góc độ của Trung Quốc, việc chính thức đề cập đến sự tồn vong của chính quyền ông Kim Jong-un có thể sẽ khiến quốc gia láng giếng kiêm đồng minh lâu năm, Triều Tiên, cảm thấy lo lắng. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng e ngại rằng, điều này sẽ đem lại những lợi thế cho Mỹ nếu trong tương lai hai miền Triều Tiên có thể thực sự thống nhất.

“Người Trung Quốc từng nói với chúng tôi – và nhiều người khác, bao gồm cả các quan chức Mỹ rằng, nếu họ tham gia vào những cuộc thảo luận như vậy với Mỹ, nội dung có thể sẽ bị rò rỉ, Triều Tiên sẽ tìm ra và tiến hành trả đũa”, bà Glaser kể lại.

Mặc dù vậy, khi mà Mỹ và Triều Tiên đang không ngừng đe dọa sử dụng hành động quân sự để đối phó với nhau, và ông Kim Jong-un vẫn kiên quyết theo đuổi tới cùng chương trình hạt nhân của mình, các nhà quan sát không thể không nghĩ tới kịch bản xấu nhất có thể xảy ra cho quốc gia châu Á.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chứng kiến một vụ phóng thử tên lửa Hwasong-12 trong tháng Chín

Bảo đảm an ninh cho kho vũ khí hạt nhân

Nước Mỹ hiện có 28.500 binh lính đang đóng quân tại Hàn Quốc. Bản thân Hàn Quốc có 625.000 quân thường trực, và 3,1 triệu quân dự bị. Quy mô quân đội Trung Quốc là 2 triệu lính, trong khi Triều Tiên sở hữu ít nhất 3 đơn vị chiến đấu và 3 đơn vị tên lửa.

“Nếu chúng ta can thiệp quân sự và người Trung Quốc chạm trán với người của chúng ta và nếu chúng ta chạm trán người của họ, chúng ta sẽ làm gì?”, Bruce Bennett, một nhà nghiên cứu quốc phòng tại Rand Corp. đồng thời là tác giả của một bản báo cáo dài 342 trang xuất bản năm 2013 về đề xuất chính sách trong trường hợp Bình Nhưỡng sụp đổ - đặt câu hỏi. “Chúng ta sẽ bắt tay hoặc làm gì? Tất cả đều cần phải được cân nhắc nghiêm túc.”

Bennett cho rằng, nếu Bình Nhưỡng có vấn đề, cả Mỹ và Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ gửi quân đội để đảm bảo an ninh cho kho vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên. Hầu hết các địa điểm chứa vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, bao gồm cả nhà máy hạt nhân Yongbyon, đều nằm gần với Trung Quốc hơn là Hàn Quốc.

Tháng trước, tờ Washington Post dẫn lời các chuyên gia tình báo Mỹ cho biết, Triều Tiên có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để tương thích với tên lửa, và nước này hiện sở hữu khoảng 60 bom hạt nhân. Theo Sách trắng Quốc phòng Hàn Quốc năm 2016, Bình Nhưỡng nắm trong tay kho vũ khí hóa học từ 2.500 đến 5.000 tấn và khả năng sản xuất các “vũ khí sinh học” như bệnh đậu mùa và bệnh than.

Bloomberg nhận định, bất kỳ sự xuất hiện nào của quân đội Trung Quốc tại Triều Tiên cũng dẫn đến khả năng tham gia từ Hàn Quốc. Cũng như Bắc Kinh, chính quyền Seoul e ngại dòng người tị nạn khổng lồ sẽ đổ vào Hàn Quốc, đặc biệt là khi tình trạng khan hiếm thực phẩm và nhu yếu phẩm xảy ra tại Triều Tiên.  

Thiết lập khu vực an toàn

Ông Jia Qingguo, người đứng đầu Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh viết trong một bài báo đăng trên Diễn dàn Đông Á ngày 11/9 rằng, quân đội Trung Quốc nên cân nhắc việc tạo ra một khu vực an toàn trong lãnh thổ Triều Tiên, nhằm hạn chế người tị nạn đổ xô về các tỉnh phía đông bắc của Trung Quốc.

Theo ông Jia, Bắc Kinh có lẽ cũng muốn thảo luận về bất kỳ tình huống nào có thể khiến Mỹ phải vượt qua vĩ tuyến 38, bao gồm cả việc đảm bảo an toàn cho kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, và khôi phục lại trật tự tại Bình Nhưỡng. Một vấn đề khác là liệu cộng đồng quốc tế có được phép quan sát quá trình hình thành chính phủ mới ở Triều Tiên hay không.

“Bắc Kinh không có một kế hoạch tốt, Mỹ không có một kế hoạch tốt, và toàn thế giới không có một kế hoạch tốt,” ông Jia nói. “Vì thế, chúng ta hãy hy vọng cho điều tốt nhất, và chuẩn bị cho điều xuất nhất.”

Một cuộc biểu tình chống Mỹ được tổ chức với quy mô lớn tại Bình Nhưỡng hôm 23/9

Su Hao, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc nhận định, Trung Quốc chắc chắn đã có kế hoạch nếu trường hợp xấu nhất diễn ra, trong đó có cả giải pháp cho vấn đề người tị nạn và giải trừ hạt nhân.  

Ông Su cho rằng, còn quá sớm để Trung Quốc thảo luận vấn đề này với Hàn Quốc hay Mỹ. Tuy nhiên, “gần như chắc chắn, Trung Quốc sẽ thông báo với Nga bởi vì lợi ích của hai nước trên bán đảo [Triều Tiên] có liên quan tới nhau.”

Trước dư luận, tất cả các cường quốc đều tuyên bố thống nhất với mục tiêu giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Mỹ, Trung Quốc và Nga đều nói, họ ủng hộ cái gọi là Bốn Không: Không thay đổi chính quyền, Không sụp đổ chính quyền, Không đẩy nhanh quá trình thống nhất và Không triển khai quân đội ở phía bắc vĩ tuyến 38.

Tuy nhiên, sự nghi ngờ vẫn còn đó. “Hãy nhớ người Trung Quốc tin rằng, mục đích thực sự của các cuộc ‘cách mạng màu’ là nhằm lật đổ chủ nghĩa cộng sản ở mọi nơi,” bà Glaser nói. “Tại sao Trung Quốc lại phải làm việc với Mỹ và nói với Mỹ kế hoạch phòng ngừa của mình cơ chứ?”

(Theo Bloomberg)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ