• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hé lộ vũ khí "nguy hiểm nhất châu Âu" Nga nhận từ Croatia

Thế giới 24/01/2019 07:53

(Tổ Quốc) - Giới phân tích phương Tây tỏ ra không "mặn mà" với y định gia nhập khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu của Croatia.

Hé lộ vũ khí nguy hiểm nhất châu Âu Nga nhận từ Croatia - Ảnh 1.

Lần cuối cùng một nền kinh tế tiềm ẩn nguy cơ cao gia nhập khối đồng tiền chung châu Âu đã dẫn tới kết quả Hy Lạp phải nhận hỗ trợ tài chính hàng chục tỷ euro. Tuy vậy, trước những đòi hỏi ngày càng gia tăng từ các thành viên mới, Brussels buộc phải tiếp tục tìm cách mở rộng hơn nữa khu vực đồng Euro. Trang euronews nhận định, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực, không chỉ tới sự ổn định của đồng tiền chung, mà rất có thể sẽ cả tương lai của chính Liên minh châu Âu (EU).

Một trong những trường hợp đáng chú ý là Croatia – cũng là thành viên mới nhất của EU. Tháng 5/2018, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic tuyên bố, nước này có thể sẽ sử dụng euro là đồng tiền chính thức trong vòng từ 7 – 8 năm tới. Tháng 12/2018, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Croatia Boris Vujčić thông báo các kế hoạch chính thức khởi động tiến trình trên. Và mới tuần trước, cũng chính ông Vujčić thêm một lần nữa khẳng định, việc không thông qua đồng euro đối với Croatia là "một điều không có ý nghĩa".

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, quyết định sử dụng euro làm đồng tiền chính thức, sẽ là một thảm họa, nhất là khi các thách thức kinh tế nội bộ của Croatia vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn đang bị tận dụng để giúp mở rộng ảnh hưởng của Nga trong khu vực.

Năm 2017, EU đã may mắn thoát khỏi một kịch bản Hy Lạp thứ hai, sau khi công ty lớn nhất Croatia là Agrokor nhận được hỗ trợ của chính phủ để thoát khỏi tình trạng sụp đổ. Doanh thu của Agrokor chiếm khoảng 15% GDP của Croatia. Sự đổ vỡ của Agrokor sẽ "châm ngòi" cho những tác động ghê gớm tới nền kinh tế nước này. Với khoảng 60.000 nhân công làm việc tại đông nam châu Âu và doanh số hàng năm lên tới 6,5 tỷ euro, nếu phá sản, Agrokor có thể sẽ làm dấy lên hiệu ứng domino, gây bất ổn tài chính toàn khu vực.

Một số nhà phân tích cho rằng, quyết định sử dụng euro làm đồng tiền chính thức, sẽ là một thảm họa, nhất là khi các thách thức kinh tế nội bộ của Croatia vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn đang bị tận dụng để giúp mở rộng ảnh hưởng của Nga trong khu vực.

Viễn cảnh trên cuối cùng đã không xảy ra – nhờ vào Tổng thống Nga Vladimir Putin. Khoản hỗ trợ của chính phủ Croatia cho phép hai ngân hàng được Điện Kremlin "chống lưng" là Sberbank và Vneshtorgbank – sở hữu tới 47% cổ phần của Agrokor. Nói cách khác, thỏa thuận đã đem lại một lợi thế đòn bầy gián tiếp cho ông Putin trong nền kinh tế Croatia, cũng như tập đoàn lớn nhất tại quốc gia từng thuộc Liên bang Nam tư này.

Không lâu sau gói hỗ trợ, tập đoàn năng lượng hàng đầu của Nga Gazprom đã nhanh chóng tận dùng bầu không khí chính trị "thân Nga" tại Zagreb để ký kết một hợp đồng kéo dài 10 năm, cung cấp 1 tỷ mét khối khí gas cho Croatia mỗi năm. Croatia được cho là đã từ chối một lựa chọn cung cấp gas thay thế từ Mỹ và EU qua cảng Krk, để chọn Gazprom.

Ngay cả quá trình cứu trợ tài chính cho Agrokor cũng vấp phải không ít cáo buộc liên quan tới tham nhũng. Theo các đảng đối lập, một số email bị lộ ra năm 2018 cho thấy, có những thành viên nội các đã biết trước tình hình tài chính của tập đoàn và cố tình sắp xếp các khoản tiền hỗ trợ có lợi cho các công ty thân cận của mình.

Chính phủ Croatia phủ nhận mọi cáo buộc liên quan. Tuy nhiên, một nghiên cứu do Học viện tài chính công tại Zagreb và được Ủy ban châu Âu tài trợ chỉ ra, Croatia là môi trường rất dễ xảy ra các hoạt động tham nhũng. Nguyên nhân xuất phát từ một "hệ thống luật pháp thiếu hiệu quả từ trên xuống dưới".

Tiến sỹ Theodore Karrasik, một chuyên gia an ninh quốc gia từng làm việc cho tổ chức tư vấn chính sách RAND cho hay, vô tình hay cố ý, cơ quan chống tham nhũng của chính phủ Croatia (USKOK) đã "bỏ qua" những cáo buộc tham nhũng trong vụ Agrokor. Tuy nhiên, họ lại theo đuổi một vụ việc khác chống lại Zsolt Hernadi – chủ tịch công ty dầu mỏ quốc gia Hungary OIL, bất chấp việc không có đủ bằng chứng. Năm 2013, chính phủ Croatia tố cáo Hernadi hối lộ cựu Thủ tướng Ivo Sanader nhằm có được một thỏa thuận, giúp MOL mua được cổ phần trong công ty dầu mỏ quốc gia Croatia là INA. Thời điểm đó, USKOK đã ủng hộ yêu cầu của chính phủ Croatia, đòi Interpol phát lệnh truy nã quốc tế đối với Hernadi.

Những lợi ích của nước Nga tại Croatia từ lâu đã không phải là điều bí mật. Cùng năm sau khi Croatia đưa ra những cáo buộc hối lộ chống lại Hernadi, Gazprom đã đề xuất mua lại cổ phần của MOL trong INA. Năm 2017, một gã khổng lồ khác trong lĩnh vực dầu mỏ của Nga là Rosneft cũng đưa ra đề nghị tương tự. Tổ chức nghiên cứu chính sách Hội đồng Đại Tây Dương nhận định, những sự kiện tại Croatia được cho là nằm trong chiến lược lớn của Tổng thống Putin, nhằm sử dụng năng lượng như một vũ khí để "bao vây" châu Âu.

Nói cách khác, những tuyên bố cải cách của Croatia chưa nhận được nhiều sự tin tưởng từ giới chuyên gia. Ngoài ra, nguy cơ tham nhũng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế Croatia, mà còn gián tiếp đem lại những lợi thế cho nỗ lực củng cố ảnh hưởng tại khu vực Balkan, của Moscow.

Chiến lược ông Putin đang thực thi, tiếp tục tỏ ra có hiệu quả tại Croatia. Tuy nhiên, có vẻ như EU lại không quá để tâm đến những tác động từ việc Croatia gia nhập khối đồng tiền chung châu Âu. Một trong số đó, theo Tiến sỹ Karrasik, là làm gia tăng sức mạnh cho "quả bom hẹn giờ" mà ông Putin muốn sử dụng để thay đổi EU.

Vào thời điểm khi mà sự thống nhất của Liên minh châu Âu đang đứng trước sóng gió và các đảng hoài nghi châu Âu ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ, động thái trên nhiều khả năng tạo ra những sóng gió lớn trong tương lai của chính EU.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ