(Tổ Quốc) - Nga đang sử dụng những chiến thuật tương tự như những gì cơ quan tình báo nước này là KGB từng thực hiện trong thời kỳ đỉnh điểm Chiến tranh lạnh.
Mục đích của những động thái trên là để gây ảnh hưởng tiêu cực tới Anh và phần còn lại của phương Tây. Đó là những nội dung được đề cập trong một bản báo cáo do Nghị sỹ Đảng Bảo thủ Anh Bob Seely soạn thảo và mới được công bố ngày 4/6.
Bản báo cáo nhấn mạnh vào việc tuyên truyền, tấn công mạng… đã được kết hợp với hoạt động quân sự như thế nào, để gây tổn hại đến các đối thủ của Nga.
“Nga đang tiến hành một cuộc xung đột kiểu hiện đại với phương Tây, cũng như với chính người dân Nga”, ông Seely đánh giá. “Các chiến thuật của Tổng thống Vladimir Putin lấy cảm hứng từ các ‘biện pháp linh hoạt” từng được KGB sử dụng trong thời kỳ Chiến tranh lanh… Ông ấy đang tìm cách chia rẽ chúng ta”.
Theo bản báo cáo, Moscow đang tăng cường sử dụng chiến tranh thông tin, vận động văn hóa và tấn công mạng xã hội để đạt được các mục tiêu đối ngoại của mình.
“Quân đội đảm nhận vai trò thứ cấp trong hầu hết các giai đoạn của Cuộc xung đột Nga đương đại”, báo cáo chỉ ra. “Nó cho thấy các chiến lược xung đột của Nga, trong đó, quân đội không phải là lực lượng chính gây ra đổ vỡ và công kích, hoặc ít nhất là không đi theo các chiến dịch quân sự thông thường”.
Tài liệu trên cũng thống kê, có ít nhất 50 công cụ quyền lực nhà nước đã được Điện Kremlin sử dụng, trong đó bao gồm cả những chiến thuật bí mật mà KGB từng thực hiện trong Chiến tranh lạnh: “Nhấn mạnh vào thông tin và các dạng chiến tranh phi quân sự, Cuộc xung đột Nga đương đại được xây dựng dựa trên một loạt các công cụ và kỹ thuật, phát triển bởi KGB trong thời kỳ Liên Xô và được gọi là ‘Các biện pháp linh hoạt’”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Đáng chú ý, tác giả cáo buộc đài truyền hình Nhà nước RT của Nga, đang cố gắng điều khiển các ý kiến của người dân phương Tây, khiến họ quay lưng lại với đất nước của mình và tin tưởng vào các lập trường của Nga.
Trong khi đó, RT luôn phủ nhận việc mình là một cỗ máy tuyên truyền của Điện Kremlin. Trong một thông cáo đưa ra đầu năm nay tại Anh, kênh truyền hình này khẳng định: “RT là một tiếng nói có trọng lượng trong giới tin tức Anh, giới thiệu những câu chuyện và tiếng nói quan trọng nhưng lại bị bỏ qua, bao gồm cả từ một số nghị sỹ và các nhân vật công chúng khác tại Anh - những người bị mất quyền phát biểu công khai vì truyền thông đại chúng”.
Bình luận về bản báo cáo, Chủ tịch Ủy ban Lựa chọn Đối ngoại Tom Tugendhat nói, việc chi tiết hóa mối đe dọa từ Nga đối với Anh, sẽ giúp Chính phủ có được sự chuẩn bị đối phó tốt nhất trong tương lai. “Cho đến hiện tại, phương Tây vẫn chưa có một định nghĩa đầy đủ về chiến tranh kiểu Nga với tất cả sự phức tạp và tinh vi của nó,” ông Tugendhat cho biết.