• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hệ thống hỗ trợ mới đảm bảo an toàn cho các phi hành gia trong sứ mệnh trở lại Mặt Trăng

Thế giới 14/10/2024 19:42

(Tổ Quốc) - Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát triển hệ thống SuperLimbs với những chi robot giống chân nhện vươn ra từ ba lô, giúp các phi hành gia nhanh chóng đứng dậy ngay sau ngã.

"SuperLimbs" có thể giúp các phi hành gia đứng dậy ngay sau ngã

Theo hãng CNN, con người chưa từng du hành lên Mặt Trăng kể từ khi chương trình Apollo của NASA kết thúc vào năm 1972. Tuy nhiên, chương trình Artemis - một dự án hàng không vũ trụ của Mỹ sẽ sớm đưa con người quay trở lại bề mặt Mặt Trăng trong tương lai.

Hệ thống hỗ trợ mới đảm bảo an toàn cho các phi hành gia trong sứ mệnh trở lại Mặt Trăng - Ảnh 1.

Dự án SuperLimbs, đang được phát triển tại MIT. Ảnh: Kalind Carpenter/Preston Rogers/Mirza Samnani

Các phi hành gia Artemis đang khao khát sẽ làm những điều mà con người chưa từng làm trước đây trên Mặt Trăng, chẳng hạn như xây dựng căn cứ có thể sinh sống ở đây nhằm phục vụ các chuyến thăm dài hạn và khám phá cực nam của Mặt Trăng.

Những nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã đưa ra các giải pháp giúp phi hành gia đạt được mục tiêu và đảm bảo an toàn trên Mặt Trăng. Mới đây các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát triển hệ thống SuperLimbs với những chi robot giống chân nhện vươn ra từ ba lô, giúp các phi hành gia đứng dậy an toàn ngay sau ngã.

Điều này có thể rất quan trọng với các nhiệm vụ trên Mặt Trăng, nơi trọng lực chỉ bằng 1/6 trọng lực trên Trái Đất và phi hành gia khó đứng lên sau khi ngã do bộ đồ vũ trụ cồng kềnh.

Có tên gọi là "SuperLimbs", động cơ, các chi robot và bộ điều khiển của hệ thống nằm hoàn toàn trong một chiếc ba lô. Ba lô cũng chứa cả hệ thống hỗ trợ sự sống và phi hành gia sẽ đeo nó trên lưng.

Khi phi hành gia bị ngã, hệ thống "SuperLimbs" sẽ tạo lực hỗ trợ họ đứng dậy và tiếp tục các nhiệm vụ khác. Cảm giác giống như có một lực bổ sung di chuyển cùng họ. Hãy tưởng tượng bạn đang đeo ba lô và có người nắm lấy phần trên rồi kéo bạn lên nếu bị ngã.

Điều đó có thể hữu ích. Trong vũ trụ, việc giữ thăng bằng trở nên khó khăn hơn. Theo nghiên cứu của Đại học Michigan, đã có 12 phi hành gia đi bộ trên Mặt Trăng trong sứ mệnh Apollo. Họ đã ngã 27 lần và khoảng 21 lần suýt chết.

Phi hành gia Charlie Duke từng bị ngã trên Mặt Trăng vào năm 1972 trong khi thực hiện thử nghiệm ở đây. Ông cho biết ông đã phải cố gắng đến 3 lần mới đứng dậy được.

Nghiên cứu cũng phát hiện việc ngã thường xảy ra hơn khi các phi hành gia đang thu thập mẫu hoặc sử dụng các công cụ - những nhiệm vụ mà các phi hành gia Artemis cũng sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Phi hành gia Charlie Duke đã đến thăm mặt trăng trong sứ mệnh Apollo 16 vào năm 1972. Đoạn phim này cho thấy cảnh ông cố gắng đứng dậy sau khi bị ngã. Nguồn: NASA

SuperLimbs có gì đặc biệt?

SuperLimbs được Harry Asada, một giáo sư tại MIT, đã phát triển cách đây khoảng một thập kỷ. Hiện tại, hệ thống đang được điều chỉnh để phù hợp với các phi hành gia.

Erik Ballesteros, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại MIT, đã dành cả mùa hè tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA để nghiên cứu về hệ thống SuperLimbs.

Ballesteros cho biết hệ thống này cần được cải tiến thêm một chút, nhưng ông hy vọng rằng sẽ sẵn sàng giới thiệu vào tháng 1/2025.

Ballesteros tin rằng trong vòng một hoặc hai năm, SuperLimbs sẽ sẵn sàng để đưa vào sử dụng cho phi hành gia. Trước tiên, nhóm nghiên cứu cần tìm hiểu về mức độ an toàn.

"Chúng tôi không thể chỉ dùng băng keo và ghép mọi thứ lại với nhau; chúng tôi phải nghiên cứu rất chính xác và rất cẩn thận", ông nói.

Trong khi đó, Tiến sĩ Jonathan Clark tại Đại học Baylor cũng nhắc đến môi trường khắc nghiệt của không gian - từ nhiệt độ, đến các hạt gây ô nhiễm như bụi, đến bức xạ điện từ. Quá trình đưa vào sử dụng chính thức đối với công việc ngoài hành tinh trở nên tốn kém và mất thời gian.

Tuy nhiên, theo ông Clark, tốc độ đổi mới trong công nghệ vũ trụ là đáng kinh ngạc.

"Để khoa học viễn tưởng trở thành khoa học thực tế, trước đây phải mất hàng thế kỷ hoặc hàng thập kỷ. Bây giờ thì mất nhiều năm", ông nói.

Nghiên cứu sinh Ballesteros cũng hiểu được những rủi ro đó. Ông từng có kinh nghiệm làm việc trong bộ phận kiểm soát nhiệm vụ tại Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA, nơi nhóm của ông duy trì các hệ thống hỗ trợ sự sống bên trong Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Ana Diaz Artiles, Trợ lý giáo sư kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Texas A&M, người không tham gia vào nghiên cứu, nhấn mạnh bụi trên Mặt Trăng "siêu độc" nên có thể gây hại cho phi hành gia khi lăn trên bề mặt Mặt Trăng, đặc biệt là nếu họ cố gắng đứng dậy sau ngã. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề mà SuperLimbs có thể giúp loại bỏ.

Các nhà khoa học hy vọng SuperLimbs sẽ giúp phi hành gia tiết kiệm năng lượng trong những hoạt động ngoài trời trên Mặt Trăng. Điều này đặc biệt quan trọng với Artemis - chương trình đặt mục tiêu đưa con người trở lại Mặt Trăng sau nửa thế kỷ.

Vào thời gian tới, những người tham gia sứ mệnh Artemis, bao gồm cả các phi hành gia từ các quốc gia như Nhật Bản, sẽ dành khoảng một tuần trên Mặt Trăng, học cách sống và làm việc xa Trái đất, để chuẩn bị cho các chuyến thám hiểm của con người lên sao Hỏa trong tương lai./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ