(Tổ Quốc) - Thách thức lớn nhất của vòng đàm phán tại Geneva về Syria hiện là sự thiếu lòng tin cũng như sự chia rẽ của phe đối lập.
- 17.02.2017 Sức mạnh Astana đưa xung đột Syria thẳng tiến Geneva
- 23.02.2017 Xung đột Syria chưa thể đột phá Geneva?
Phái đoàn chính phủ và lực lượng đối lập Syria đã đối mặt trực tiếp trong buổi lễ khai mạc tiến trình đàm phán hòa bình do Liên Hợp Quốc (LHQ) bảo trợ lần đầu tiên trong gần một năm qua vào ngày 23/2.
Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura đã kêu gọi hai bên hợp tác để đưa Syria thoát khỏi cuộc xung đột 6 năm qua.
Cuộc gặp gỡ giữa hai bên trong cuộc xung đột Syria tại Geneva. (Nguồn: Canadian Press) |
Nhiều hi vọng
"Tôi đề nghị các bạn làm việc cùng nhau. Tôi biết sẽ không phải là dễ dàng để chấm dứt cuộc xung đột khủng khiếp này và đặt nền tảng cho một đất nước hòa bình có chủ quyền, thống nhất," Mistura phát biểu trước các đại biểu ngồi đối diện nhau tại hội trường Liên Hiệp Quốc tại Geneva.
Ông Mistura sẽ có các cuộc họp với các đoàn đại biểu trong ngày 24/2 để thiết lập một quy trình cho các cuộc đàm phán, ông nói với các phóng viên sau phiên khai mạc, nói rằng đây sẽ là "giấc mơ" của ông để đưa hai bên xung đột trở lại bàn đàm phán trực tiếp.
Tại cuộc hội đàm Geneva cuối cùng, 10 tháng trước đây, hai bên xung đột thậm chí không gặp nhau trong cùng một phòng.
Cho rằng các cuộc đàm phán lần này là một nhiệm vụ khó khăn, ông nói rằng họ sẽ tập trung vào nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong đó kêu gọi một hiến pháp mới, một cuộc bầu cử có sự giám sát của LHQ và một chính phủ minh bạch và có trách nhiệm.
Ông cho biết một lệnh ngừng bắn do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ đã mở một cửa sổ cơ hội. "Nỗ lực này (lệnh ngừng bắn) đã khởi động tiến trình trên... để tìm ra con đường chính trị phía trước và chúng tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội này."
Trước đó trong ngày 23/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin - nhà bảo trợ có quyền lực mạnh nhất trong cuộc xung đột Syria - bày tỏ niềm hy vọng về sự thành công của một giải pháp chính trị và cho biết điều này sẽ giúp đánh bại "bất ổn khủng bố."
Phát biểu trước thềm cuộc họp ở Geneva, một thành viên đoàn đại biểu đối lập đã nói với AP rằng họ hy vọng đạt được "ít nhất một điều gì đó vì lợi ích của người dân: dỡ bỏ sự bao vây tại một số khu vực nhất định hay triển khai viện trợ cho những người đang bị bao vây."
"Thế giới cần đặt điểm kết cho câu chuyện này. Thế giới cần chấm dứt những bạo tàn này", Yahya al-Aridi nói.
"Chúng ta cần các cuộc nói chuyện trực tiếp để tạo ra sự đồng cảm và tin tưởng ở cả hai bên. Chúng tôi vẫn không biết liệu đây sẽ là các cuộc hội đàm trực tiếp hay lân cận, tuy nhiên, phái đoàn chính phủ Syria không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ muốn nói chuyện trực tiếp", một nhà ngoại giao phương Tây cho biết.
Còn nhiều bất đồng
Lệnh ngừng bắn Syria hiện nay - không bao gồm các phần tử thánh chiến cực đoan như Nhà nước Hồi giáo (IS)- đã được thực hiện sau các cuộc đàm phán tại thủ đô Astana của Kazakhstan – với sự bảo trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Tuy nhiên, xung đột vẫn tiếp tục ngay cả khi các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva được nối lại, các máy bay của Syria vẫn ném bom vào các khu vực của quân nổi dậy tại Aleppo, Deraa và Hama trong khi phe đối lập bắn bắn tên lửa vào các mục tiêu của chính phủ.
Nhà thương thuyết chính cho phe đối lập – trong nội bộ vẫn đang bất đồng và chưa có một phái đoàn hoàn toàn thống nhất - cho biết các cuộc đàm phán Geneva nên ưu tiên cho việc tìm kiếm một tiến trình chuyển đổi chính trị, một điều phía chính phủ Syria của Tổng thống Assad không muốn.
"Nếu Staffan nghiêm túc, ông ấy cần chọn chủ đề đầu tiên trong chương trình nghị sự này là một quá trình chuyển đổi chính trị chấp nhận được cho người dân Syria," Nasr al-Hariri nói với các phóng viên.
Ông Hariri cũng chỉ trích vai trò của Iran và lực lượng dân quân Iran hậu thuẫn – một đồng minh quan trọng của ông Assad. "Iran là trở ngại chính đối với bất kỳ thỏa thuận chính trị nào," Hariri cho biết, cáo buộc Tehran phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
"Các nước bảo trợ, đặc biệt Nga, không thể kiểm soát chính phủ và lực lượng dân quân. Họ cũng không thể kiểm soát Iran," Hariri nói.
Tuy nhiên, phái viên của Nga tại Liên Hợp Quốc tại Geneva, Alexei Borodavkin, cho biết yêu cầu từ quân nổi dậy và những người ủng hộ tại phương Tây và Ả Rập về việc ông Assad phải từ chức là "vô lý".
Một nhà ngoại giao Ả Rập vùng Vịnh bày tỏ nhận định về cuộc đàm phán này: "Tôi không lạc quan."
Còn ông Mistura cho biết thách thức lớn nhất hiện nay là sự thiếu tin tưởng giữa hai phái đoàn đàm phán cũng như việc đoàn kết phe đối lập còn đang chia rẽ. "Chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thất bại một lần nữa -. Nhiều cái chết, nhiều thương tổn hơn, nhiều hoạt động khủng bố, nhiều người tị nạn hơn".
(Theo AP, Reuters)