(Tổ Quốc) - Công nghiệp quốc phòng là một trong những lĩnh vực hưởng lợi đầu tiên từ chính sách của Nhà Trắng.
Nếu như giới quan sát vẫn còn hoài nghi về "hiệu ứng Trump" đối với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ thì chắc chắn ngành công nghiệp quốc phòng là một trong những lĩnh vực hưởng lợi đầu tiên từ chính sách của Nhà Trắng.
Quốc phòng hưởng lợi mạnh
Trong những ngày gần đây, doanh số cao của ngành công nghiệp này đã tiếp tục chứng minh điều đó.
Hãng Boeing đã tăng mức dự báo hàng năm, sau khi công bố lãi dòng tăng 37%/ năm, cao hơn mức dự báo của các nhà phân tích. Tập đoàn này hiện đang nhắm tới mục tiêu doanh thu từ 98 đến 100 tỷ USD trong năm 2018 nhờ các đơn đặt hàng quốc phòng, lợi tức sẽ tăng 15 USD cho mỗi cổ phiếu, cao hơn mức dự báo trước đó là 4%.
Northrop Grumman, tập đoàn kinh doanh vũ khí lớn thứ năm của Mỹ cũng đã nâng các mục tiêu kinh doanh của mình, đặc biệt nhờ các hợp đồng mới với Lầu Năm Góc. Dự kiến doanh thu của tập đoàn này đạt khoảng 30 tỷ USD vào năm 2018, với tỷ suất lợi nhuận là 12%, so với 11% trước đó.
Triển vọng tăng trưởng của Lockheed được xây dựng với kì vọng tiếp tục có sự ủng hộ từ chính phủ.
Lockheed Martin, tập đoàn hàng đầu của Mỹ, đã điều chỉnh theo hướng tăng dự báo lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng lên 5 - 6% trong năm 2019. Tại buổi trình bày về những kết quả đạt được, tập đoàn cho biết: "Những triển vọng ban đầu cho năm 2019 dựa trên giả định rằng chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ và tài trợ cho các chương trình quan trọng của tập đoàn".
Sẵn sàng đáp ứng thị trường nóng
"Năm tập đoàn lớn - Big 5" của Mỹ là Lockheed Martin, Boeing, General Dynamics, Raytheon và Northrop Grumman đang tổ chức lại sản xuất.
Những kết quả trên là do chính sách tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ. Ngay khi nắm quyền Tổng thống, ông Donald Trump đã yêu cầu Quốc hội thông qua việc tăng ngân sách quốc phòng, trong khi vào nhiệm kỳ hai của ông Obama, ngân sách quốc phòng có xu hướng giảm.
Ngày 13/8 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã ký Luật ngân sách năm 2019 dành cho Quân đội Mỹ lên tới hơn 700 tỷ USD. Đây là ngân sách kỷ lục, tăng 7% so với ngân sách năm 2018. Theo Văn phòng Deloitte, chi phí quốc phòng ở quy mô toàn cầu cũng sẽ tiếp tục tăng do Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng. Ở quy mô toàn cầu, ngân sách quốc phòng tăng trung bình 3% mỗi năm từ nay cho đến 2022 và sẽ đạt mức 2.000 tỷ USD.
Để đáp ứng nhiều đơn đặt hàng thời gian tới, "Năm tập đoàn lớn - Big 5" của Mỹ là Lockheed Martin, Boeing, General Dynamics, Raytheon và Northrop Grumman đang tổ chức lại sản xuất. Một làn sóng hợp nhất và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển đã có tác động đến ngành này trong những tháng gần đây. General Dynamics đã mua lại công ty CSRA, chuyên về an ninh mạng với giá 9,6 tỷ USD, Northrop đã mua công ty Orbital ATK với giá 7,8 tỷ USD. "Big 5" sẽ chào đón thành viên thứ sáu là L3 và Harris Corp. Hai tập đoàn này đã sáp nhập một vài tuần trước để tạo thành một tập đoàn với doanh thu khoảng 16 tỷ USD trong năm nay và mức vốn hóa vượt 33 tỷ USD.
Các ông chủ ngành công nghiệp quốc phòng được hưởng lợi rất lớn từ sau khi ông Trump trở thành Tổng thống. Vốn hóa của các công ty này ngày càng tăng như Lockheed Martin và Northrop Grumman tăng 15%, Raytheon 18%, Boeing 120%. Triển vọng vẫn còn hấp dẫn đối với các công ty vũ khí này khi Mỹ muốn đẩy nhanh việc thành lập một "lực lượng quân đội không gian".
Ngày 09/08/2018, Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Hội đồng An ninh Không gian quốc gia Mỹ Mike Pence tuyên bố tại Lầu Năm Góc: Trước năm 2020 nước Mỹ sẽ thành lập Lực lượng Không gian. Đây sẽ là quân chủng thứ 6 sau 5 quân chủng hiện có ở Mỹ: Lục quân, Hải quân, Không quân, Lính thủy đánh bộ, và Tuần duyên.
Theo ông Pence, "cũng như trước đây – khi chúng ta thành lập Lực lượng Không quân – việc thành lập Lực lượng Không gian là một ý tưởng đã đến lúc phải làm", "Nước Mỹ sẽ luôn luôn tìm kiếm hòa bình trong không gian vũ trụ cũng như trên Trái Đất. Nhưng lịch sử chứng minh rằng hòa bình chỉ có được nhờ sức mạnh, và trong lĩnh vực không gian vũ trụ, Lực lượng Không gian Mỹ sẽ là sức mạnh đó".
Câu hỏi về sóng gió Khashoggi?
Mặc dù có những kêu gọi trong đó có cả hàng ngũ Đảng Cộng hòa về việc giảm bán vũ khí cho Saudi Arabia, nhưng cho đến nay, vụ việc nhà báo Khashoggi bị sát hại tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul vẫn chưa dẫn đến những trừng phạt thực sự.
Lô vũ khí Mỹ dự kiến bán cho Saudi gồm nhiều tên lửa, xe tăng và các loại bom trị giá 110 tỷ USD. Tổng thống Trump lo ngại rằng, việc trừng phạt Saudi Arabia có thể ảnh hưởng tới hợp đồng này và khoản tiền đầu tư 110 tỷ USD có thể được Riyadh sử dụng tại Nga, Trung Quốc hoặc nơi nào khác.
Lâu nay, Saudi Arabia đã tìm cách đa dạng hóa để hạn chế sự phụ thuộc vào Mỹ, trong đó có sự tăng cường hợp tác với Trung Quốc. Tháng 3 vừa qua, Riyadh và Bắc Kinh đã ký các thỏa thuận trị giá 65 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực từ năng lượng tới công nghệ vũ trụ.
Theo chuyên gia phân tích CFRA Jim Corridore, "kịch bản nhiều khả năng nhất là (Mỹ và Saudi-pv) sẽ đẩy lùi thời hạn triển khai các thỏa thuận đã đạt được và tạm dừng việc ký kết các thỏa thuận mới cho đến khi cơn bão địa chính trị qua đi".