• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc khô cạn bất thường khiến cây cầu 400 năm lộ ra hoàn toàn

Thế giới 03/09/2022 18:00

(Tổ Quốc) - Hạn hán kéo dài khiến hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc bị khô hạn bất thường, cây cầu đá 400 năm tuổi cũng lộ ra hoàn toàn.

Đợt sóng nhiệt dài và nóng nhất được ghi nhận ở Trung Quốc đang làm gia tăng tình trạng hạn hán tại quốc gia này. Minh chứng là theo báo cáo ngày 24/8, hồ Bà Dương, hồ nước ngọt quan trọng nhất ở Trung Quốc, hiện chỉ bằng 1/5 so với diện tích thông thường cách đó vài tháng.

Hồ Bà Dương khô cạn khiến nhiều di tích bất ngờ lộ ra. Cụ thể là hòn đảo Lạc Tinh Đôn với niên đại hơn 1.000 năm đã lộ rõ hoàn toàn ở giữa hồ. Hòn đảo cổ giờ đây được bao quanh bởi đám cỏ dại và những vùng đất nứt nẻ.

Hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc khô cạn bất thường khiến cây cầu 400 năm lộ ra hoàn toàn - Ảnh 1.

Cây cầu đá gần 400 năm tuổi lộ ra hoàn toàn do hồ Bà Dương khô cạn. Ảnh: VCG

Mới đây, do thời tiết nắng nóng kéo dài và lượng mưa thấp nên có một hiện vật lịch sử trên hồ Bà Dương cũng bị lộ ra. Đó là Qianyan (hay cầu nghìn nhịp), cây cầu đá dài nhất bắc qua hồ Bà Dương ở huyện Đô Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Qianyan được coi là một trong những cây cầu cổ nhất ở Trung Quốc.

Rộng khoảng 1 m, dài tới 2.657 m và có gần 1.000 nhịp, cây cầu được xây dựng từ thời nhà Minh (1368 – 1644) vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Được làm từ đá granit, với 948 lỗ cầu, Qianyan có khả năng xả lũ và kiểm soát lưu lượng nước lũ nhanh chóng vào thời xưa. Qianyan xây vào năm 1631, được coi là một hiện vật lịch sử quan trọng với tuổi đời lên tới gần 400 năm.

Trên thực tế, cây cầu đá này thường bị ngập nước vào mùa mưa và chỉ nhô khỏi mặt hồ khi mực nước ở hồ Bà Dương xuống dưới 10,5 m.

Thế nhưng, trong năm 2022, đặc biệt là những cảnh quay được Xinhua chia sẻ vào ngày 30/8 cho thấy rằng, cây cầu cổ đã bị phát lộ hoàn toàn sau khi hồ Bà Dương rơi vào tình trạng khô cạn bất thường.

Ông Wu Dunhan, Phó Giám đốc Bảo tàng Đô Xương, cho biết: "Chúng tôi tới thăm cây cầu mỗi năm. Nhưng năm nay, cây cầu nhô lên mặt nước sớm hơn từ 3 đến 4 tháng so với năm ngoái (2021). Cầu Qianyan thông thường lộ diện vào mùa đông".

Hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc khô cạn bất thường khiến cây cầu 400 năm lộ ra hoàn toàn - Ảnh 2.

Cây cầu đá lộ ra sớm hơn 3 - 4 tháng so với năm 2021. Ảnh: Xinhua

Hồ Bà Dương đã chính thức bước vào mùa khô từ ngày 6/8. Đây là mốc sớm kỷ lục kể từ khi dữ liệu được tiến hành thu thập vào năm 1951.

Nằm ở phía tây bắc của tỉnh Giang Tây, hồ Bà Dương được coi là hồ nước ngọt lớn nhất ở Trung Quốc. Trên thực tế, diện tích về mặt của hồ Bà Dương có nhiều thay đổi đáng kể giữa mùa mưa và mùa khô.

Gần đây, hồ Bà Dương có xuất hiện họa tiết lạ giống như bộ rễ cây. Thế nhưng hóa ra bộ rễ này lại là hậu quả của nắng nóng và hạn hán kéo dài. Tình trạng này khiến cho mực nước hồ Bà Dương đang bị giảm xuống rất thấp.

Mực nước ở hồ Bà Dương giảm sâu đã làm gián đoạn dòng chảy của những kênh tưới tiêu cho vùng nông nghiệp lân cận. Đó là một trong những vùng trồng lúa trọng điểm ở Trung Quốc. Do đó, trước tình trạng nắng nóng kéo dài vừa qua, các nhà chức trách đã cho các đội máy xúc tới hồ để đào rãnh thông dòng. Hình ảnh trông giống như bộ rễ cây ở trên hồ Bà Dương chính là các rãnh mới đào tại lòng hồ.

photo-1

Các rãnh mới đào ở lòng hồ Bà Dương trông giống như rễ cây. Ảnh: AP

Hồ Bà Dương hiện là nơi sinh sống của hơn 300 loài chim di cư. Đặc biệt, vào mùa đông, có tới 90% quần thể sếu Siberia, một loài cực kỳ nguy cấp, cư trú tại hồ nước ngọt này.

Trong những năm gần đây, một trung tâm cứu hộ và bảo vệ sinh vật thủy sinh đã được thành lập ở tỉnh Giang Tây. Trung tâm đã thu hút hơn 2.000 tình nguyện viên thành lập 203 đội tuần tra.

Theo dự báo thời tiết, nhiệt độ cao và tình trạng ít mưa sẽ tiếp tục diễn ra ở Giang Tây trong tuần tới và mực nước ở hồ Bà Dương cũng sẽ tiếp tục giảm. Do đó, các tình nguyện viên của những đội tuần tra đang tăng cường nỗ lực để bảo vệ Jiangzhu, loài cá heo nước ngọt quý hiếm, chim di cư và nhiều loài khác.

Cầu đá nghìn nhịp, công trình đặc biệt gần 400 năm 

cau-da5

Cầu Qianyan được xây dựng từ thời nhà Minh. Ảnh: VCG

Từ xa xưa, người dân muốn từ Lư Sơn đến Tầm Dương (thuộc tỉnh Giang Tây) đều phải đi qua hồ Bà Dương. Do đó, đường đi rất vất vả.

Vào năm Sùng Trinh thứ 4 thời nhà Minh, một vị quan đã chủ trương quyên góp gây quỹ để xây cầu bắc qua hồ Bà Dương. Cây cầu mất 5 năm để xây dựng và kể từ đó trở thành một con đường giúp người dân ở các quận ở ven hồ Bà Dương đi lại thuận tiện.

Ngày nay, với điều kiện giao thông ngày càng được cải thiện, người dân không còn trông chờ vào cầu Qianyan nữa. Nhưng cây cầu đá gần 400 năm tuổi đã trở thành một thắng cảnh độc đáo ở trên hồ Bà Dương vào mùa khô và thu hút rất đông khách du lịch tới tham quan.

Theo Sở di tích văn hóa Giang Tây, hằng năm, khi mực nước ở hồ Bà Dương khô cạn, cây cầu đá sẽ nhô lên khỏi mặt nước. Nhưng do thường xuyên bị ngâm nước, cộng thêm tác động của cát, gió nên cây cầu đá này đã bị hư hỏng nặng.

Vào năm 2016, tỉnh Giang Tây đã quyết định phân bổ 900.000 NDT (khoảng hơn 3 tỷ VNĐ) để tiến hành sửa chữa, gia cố trụ cầu và mặt cầu. Lần tu sửa này vẫn tuân thủ nguyên tắc là sử dụng các vật liệu như đá granit và cố gắng khôi phục lại dáng vẻ lịch sử của cây cầu có tuổi đời hàng thế kỷ. Đây cũng chính là lần "đại tu" đầu tiên của cây cầu cổ này kể từ khi hoàn thành.

Nắng nóng bất thường kéo dài, đâu là giải pháp?

Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tiếp xảy ra những hiện tượng thời tiết bất ngờ. Chẳng hạn, trong khi hạn hán đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương thì một số khu vực khác lại xảy ra lũ lớn. Một số địa phương vừa xảy ra nắng hạn gay gắt thì ngay sau đó đã phải đối mặt với những trận mưa lớn. Tỉnh Tứ Xuyên là một ví dụ.

Cụ thể, các chuyên gia dự đoán rằng mưa xối xả tiếp tục đổ xuống lưu vực phía đông và tây nam Tứ Xuyên trong thời gian từ ngày 29/8 đến ngày 30/8.

Nắng nóng bất thường cùng thời tiết khô hạn đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của người dân và nhiều lĩnh vực khác. Mới đây, Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo rằng vụ thu hoạch vào mùa thu năm nay có nguy cơ bị mất mùa ở nhiều khu vực.

Ngoài ra, do mực nước sông Trường Giang xuống thấp cũng khiến việc sản xuất thủy điện gặp khó khăn. Nhiều nơi thậm chí còn phải cắt điện luân phiên để giảm sản lượng điện. Thành phố Thương Hải cũng phải tắt đèn trang trí dọc Bến Thượng Hải trong 2 ngày để tiết kiệm điện.

Sau đợt nắng nóng kỷ lục vừa qua làm nhiều khu vực thuộc lưu vực sông Trường Giang bị khô hạn, các tỉnh của Trung Quốc đang có kế hoạch chi hàng tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng cấp nước mới nhằm chống lại tác động ngày càng gia tăng của thời tiết cực đoan đối với nông nghiệp và thủy điện.

Chuyên gia Mao Liuxi tại Cục Khí tượng Trung Quốc cho biết, do các hiện tượng cực đoan và cả lũ lụt, hạn hán ngày càng trở nên tồi tệ nên khả năng tích trữ và chuyển nước trở nên rất quan trọng.

Bài viết tham khảo nguồn: Reuters, Xinhua, Chinadaily, ABC, Baidu

Minh Hằng

NỔI BẬT TRANG CHỦ