(Tổ Quốc) - Nhà ngoại giao số hai của Mỹ sẽ sớm thăm Nga và Lithuania để đàm phán về Belarus, Reuters dẫn hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề này hôm thứ Sáu.
Theo Reuters, nhiệm vụ này của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun báo hiệu vai trò lớn hơn của Washington trong việc tìm cách giải quyết cuộc xung đột bùng phát tại Belarus về cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8 và chiến thắng của ông Alexander Lukashenko.
Khi được hỏi về chuyến đi dự kiến của Biegun, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết "chưa có chuyến đi nào để thông báo vào lúc này."
Một nguồn tin, một cựu quan chức cấp cao của Mỹ giấu tên cho biết ông Biegun dự kiến sẽ rời đi trong những ngày tới để tới Moscow và thủ đô Vilnius của Lithuania, nơi ứng cử viên đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya ẩn náu.
Mỹ và Liên minh châu Âu EU đã lên án cuộc bầu cử tại Belarus sau khi để xảy ra biểu tình và bất ổn. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Năm kêu gọi ông Lukashenko chấp nhận sự giúp đỡ của quốc tế trong việc mở các cuộc đàm phán với phe đối lập và ngầm cảnh báo Nga, nước láng giềng lớn của Belarus, không nên can thiệp.
Ông Lukashenko thì được cho là đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin giúp đỡ. Belarus ràng buộc với Nga bằng một hiệp ước phòng thủ chung và các mối quan hệ kinh tế, chính trị và văn hóa sâu sắc.
Ông Putin cũng đã đề nghị hỗ trợ, nếu được yêu cầu. Moscow hôm thứ Tư cho biết họ không thấy tình hình đến mức cần giúp đỡ lúc này, nhưng cảnh báo phản đối sự can dự của bên ngoài vào Belarus và nói rằng cuộc khủng hoảng nên được giải quyết trong nội bộ.
Còn nguồn tin thứ hai nói với Reuters rằng ông chưa rõ thông điệp mà chuyến đi được lên kế hoạch của Biegun muốn gửi đi nhưng ông dự đoán là sẽ nhằm mục đích ngăn chặn bạo lực tiếp tục ở Belarus và ngăn sự can thiệp của Nga.
"Tôi đoán chính quyền (Mỹ-pv) đang cố gắng ngăn cản Moscow can thiệp hoặc sử dụng ảnh hưởng của mình với Lukashenko để khuyến khích ông ấy có hành động cứng rắn (hơn nữa)", nguồn tin giấu tên này cho biết.
Theo Reuters, các chuyên gia cho rằng Washington tìm kiếm một vai trò lớn hơn khi nỗ lực tìm ra con đường đàm phán cho cuộc khủng hoảng Belarus.
Jonathan Katz, một cựu quan chức Mỹ và là chuyên gia về Đông Âu thuộc Quỹ Marshall cho biết, Washington muốn tránh cho ông Putin một cái cớ để can thiệp quân sự vào Belarus như điều diễn ra năm 2014 ở Ukraine./.