• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hỏa lực trực diện Israel - Hamas phủ bóng kế hoạch B của Mỹ tại Trung Đông

Thế giới 23/07/2018 16:26

(Tổ Quốc) - Kế hoạch B về Gaza của Mỹ có nguy cơ bị đình trệ khi xung đột đang leo thang giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza.

Cách đây 5 tháng, Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn cao cấp của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã lặng lẽ chuyển hướng tập trung từ việc hòa giải một thỏa thuận hoà bình giữa Israel và Palestine sang việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại dải Gaza.

Tuy nhiên, trong khi Israel và các tay súng kiểm soát dải Gaza đang dấy lên một chu kì bạo lực mới – điều các nhà phân tích lo sợ có thể leo thang thành một cuộc chiến toàn diện, ông Kushner và cộng sự của ông về vấn đề hòa giải Trung Đông, Jason D. Greenblatt có thể sẽ rút khỏi kế hoạch B kể trên, theo New York Times (NYT).

Kushner đảo chiều trọng tâm tại Gaza?

Tuyên bố rằng không có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đổ tiền vào Gaza trong bối cảnh Mỹ cho rằng Hamas đang dấy lên xung đột, ông Kushner và ông Greenblatt, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ về các cuộc đàm phán quốc tế, đang cân nhắc lại những nỗ lực của họ về việc khôi phục nền kinh tế Gaza- một nền tảng hướng tới mở cửa cho một hiệp ước hòa bình rộng lớn hơn.

Lính cứu hỏa và quân đội Israel dập tắt một đám cháy do khinh khí cầu chứa chất nổ từ phía Gaza bay tới. (Nguồn: AP)

"Hamas đã đẩy Gaza đến một trạng thái tuyệt vọng," ông Kushner nói ngày 22/7. "Leo thang sẽ không được thưởng bằng viện trợ."

Giới lãnh đạo Hamas, theo ông Kushner, cần phải chứng minh "ý định rõ ràng về một mối quan hệ hòa bình với hàng xóm của họ" để nhận được hỗ trợ và dòng tiền đầu tư chảy vào.

Ông Kushner và ông Greenblatt đã báo trước động thái của họ trong một loạt các bài bình luận bất thường gần đây trên CNN và Washington Post. David M. Friedman, đại sứ Mỹ tại Israel, đã bổ sung tên ông vào cả hai bài viết này, trong khi Nikki R. Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cũng gia nhập với tư cách là đồng tác giả thứ tư cho bài viết trên CNN.

Các quan chức của ông Trump đã đổ lỗi cho các lãnh đạo Hamas về tình trạng bạo lực- những người mà phía Mỹ cho rằng "tham nhũng và có tư tưởng căm thù". Hamas cũng bị cáo buộc đã tấn công Israel liên tục trong vài tháng qua với "tên lửa, súng cối, các đường hầm khủng bố, bom diều và nhiều vũ khí gây hấn khác". Trong khi đó, người Palestine nói rằng, Israel đã tạo nên tấn bi kịch trên bằng cách áp đặt lệnh phong tỏa đối với Gaza nhằm biến những người dân ở đây chống lại các nhà lãnh đạo của họ.

Các vụ đụng độ ở Gaza đã có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn vào thứ Sáu tuần qua – ngày 20/7 khi các máy bay chiến đấu của Israel tấn công nhiều mục tiêu ở Dải Gaza sau khi một tay súng người Palestine giết chết một người lính Israel dọc theo hàng rào biên giới. Cả hai bên hiện đang thực hiện một lệnh ngừng bắn, và Israel cho biết vào hôm Chủ nhật – ngày 22/7 rằng  họ sẽ mở lại tuyến thương mại chính tới Gaza nếu thỏa thuận ngừng bắn được duy trì trong hai ngày nữa.

Israel không kích Dải Gaza thứ 6 tuần trước. (Nguồn: AFP)

Trong một động thái khác, Quốc hội Israel ngày 19/7 thông qua dự luật quốc gia dân tộc Do Thái quy định Israel là quê hương lịch sử của người Do Thái và chỉ người Do Thái có quyền tự quyết định vận mệnh quốc gia dân tộc. Hành động này đã gây ra sự chia rẽ ngay trong nội bộ Israel, trong khi cũng dấy lên sự phản đối từ khu vực Trung Đông. Tổng thống Abbas đã nhấn mạnh luật trên "sẽ không làm thay đổi tình hình lịch sử, Jerusalem là thủ đô bị chiếm đóng của Nhà nước Palestine". Tổng thống Abbas cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng và thực thi trách nhiệm để ngăn chặn các điều luật mang tính phân biệt chủng tộc này bằng cách gây áp lực cho Israel.

Bước lùi của thỏa thuận thế kỷ

Tuy nhiên, việc phải đối thoại về một cuộc chiến tranh mới ở Gaza là một bước lùi đối với ông Kushner và ông Greenblatt, hai tân binh ngoại giao mà Tổng thống Trump đã yêu cầu phải đàm phán điều được gọi là “thỏa thuận của thế kỷ”. Sau gần 18 tháng làm việc, và hơn một chục chuyến đi đến Trung Đông, thời điểm cho việc triển khai kế hoạch hòa bình của họ vẫn không chắc chắn.

 “Chúng tôi có kế hoạch sẵn sàng - hầu hết đã sẵn sàng - và khi thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ đưa nó ra”, ông Kushner cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước những đối đầu mới nhất trong xung đột tại Gaza.

Nỗ lực của Kushner và Greenblatt đã bị cản trở bởi sự từ chối đối thoại của phía Palestine kể từ khi ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào tháng 12/2017. Các nhà ngoại giao Ả Rập nói rằng, các nhà lãnh đạo của họ chưa thể công khai ủng hộ kế hoạch của ông Trump vào thời điểm hiện tại, do sự bất ổn trong nước họ sẽ phải đối mặt về vấn đề Jerusalem.

Gaza trở thành dự án phụ

Trong khi ông Kushner và ông Greenblatt đang chờ đợi một thời điểm tốt hơn để công bố kế hoạch hòa bình, họ đã biến Gaza thành một dự án phụ.

Vào tháng 3, ông Kushner và ông Greenblatt đã triệu tập một hội nghị tại Nhà Trắng để thúc đẩy các nỗ lực quốc tế nhằm tái thiết nền kinh tế của Gaza. Mặc dù chính quyền Palestine tẩy chay phiên họp, ông Kushner và ông Greenblatt vẫn nói về việc lên kế hoạch cho một phiên họp khác.

Tập trung vào Gaza, ông Kushner nói, có ý nghĩa vì không hòa ước nào có thể thành công mà không giải quyết tình trạng của dải đất này và việc cải thiện vận mệnh của hai triệu người Palestine sống ở đó có thể mở ra một con đường dẫn đến một thỏa thuận rộng lớn với chính quyền Palestine có trụ sở tại Bờ Tây. "Bạn phải tìm ra những thẻ bài để sử dụng vào thời điểm đó", ông Kushner nói. "Có được một kết quả tích cực về Gaza có thể tạo đà cho phần còn lại của quá trình."

Nhưng vài ngày sau cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, người Palestine bắt đầu biểu tình, trong đó thường xuyên xảy ra bạo lực dọc theo hàng rào phân chia Gaza với vùng lãnh thổ do Israel kiểm soát. Kể từ đó, các tay súng bắn tỉa Israel đã giết chết hơn 140 người Palestine không vũ trang, theo các quan chức ở Gaza. Gia tăng thêm vào những căng thẳng này, Hamas đang thả diều bay và bóng bay chứa vật liệu nổ vào miền nam Israel, nơi những “vũ khí này”đốt cháy cháy rừng và khủng bố những người sống ở đó.

"Thay vì tìm kiếm cơ hội để vũ khí hóa mọi thứ từ diều đến gương để tấn công Israel, Hamas nên tập trung sự khéo léo của mình vào việc cải thiện nền kinh tế Gaza", ông Kushner, ông Greenblatt và ông Friedman đã viết trong bài viết gần đây của họ.

Nhà Trắng, các quan chức cho biết, đang tham vấn với Ai Cập và Qatar- hoạt động như những thế lực hòa giải ở Gaza, để cố gắng kiềm chế một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn. Tuy nhiên, Hoa Kỳ kiên quyết ủng hộ quyền tự vệ của Israel. Và các bài báo của các quan chức Mỹ cũng cho thấy lựa chọn của họ là mở ra một vụ kiện chống lại Hamas.

Triển vọng nào cho Gaza

Trong bài viết được đăng trên trang web của CNN, bốn quan chức trên đã hoan nghênh Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) về việc không phê chuẩn một nghị quyết chỉ trích riêng Israel về bạo lực ở Gaza (Hoa Kỳ đã giành được sự hỗ trợ trong một dự thảo nghị quyết buộc Hamas phải chịu trách nhiệm về leo thang bạo lực tại khu vực). Các quan chức Mỹ cũng bày tỏ hy vọng rằng Liên hợp quốc sẽ thể hiện sự cởi mở tương tự khi họ đưa ra kế hoạch hòa bình.

Ông Kushner và ông Greenblatt vẫn ủng hộ các cuộc đàm phán giữa Chính quyền Palestine và Hamas – điều có thể dẫn đến một chính phủ thống nhất ở Gaza dưới quyền kiểm soát của người Palestine ở Bờ Tây. Hamas, theo phía Mỹ nói, có thể tham gia vào một chính phủ như vậy, miễn là đồng ý từ bỏ bạo lực, công nhận Israel và tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao tham gia vào các cuộc đàm phán trước đây  - và nói một cách công bằng là không hiệu quả - về hòa bình Trung Đông, cho biết những hy vọng đó đã quá xa vời, vì Hamas sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí của mình. Họ cũng cảnh báo rằng, việc bị sa lầy ở Gaza thực sự có thể làm cho tiến trình hòa đàm khó khăn hơn, thay vì dễ dàng hơn cho việc tiến tới một thỏa thuận rộng lớn hơn.

"Không chỉ không giải quyết vấn đề Gaza như ưu tiên quan trọng nhất, sự chậm trễ vô tận chỉ làm cho điều này (tiến trình hòa bình Trung Đông -pv) khó khăn hơn nhiều bằng cách tiếp tục cố thủ với ý tưởng một nhà nước ở Bờ Tây," Frank G. Lowenstein, người đã làm đặc phái viên về hòa đàm Israel – Palestine nói vào thời điểm cuối chính quyền Obama.

Người tiền nhiệm của ông Lowenstein, Martin S. Indyk, nói rằng Hoa Kỳ nên đóng một vai trò trong việc giảm bớt căng thẳng ở Gaza. Nhưng ông Indyk cũng cho hay, sự thiếu đoàn kết của người Palestine sẽ khiến việc tạo nên sự đột phá ở đây khó nắm bắt.

"Mười tám tháng nỗ lực đã đưa họ (các quan chức Mỹ trong chính quyền hiện tại-pv) đến với Gaza, nhưng Gaza về tổng thể đầy hỗn loạn phức tạp," ông Indyk nói. “Triển vọng cho sự tiến bộ ở đây mang đầy tính hứa hẹn khi những cơ hội ngày càng ít đi cho một 'thỏa thuận thế kỷ'.”

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ