(Tổ Quốc) - Gustav Klimt (1862-1918) là một họa sĩ người Áo nổi tiếng. Cha là một thợ kim hoàn. Từ bé, ông đã thể hiện người có tài năng nghệ thật nổi trội. Tháng 10 năm 1876, cậu bé mười bốn tuổi Gustav Klimt đã vượt qua kỳ tuyển sinh của trường Kunstgewerneschule (Trường Nghệ thuật và Thủ công Mỹ nghệ Vienna) với số điểm cao nhất.
Trong quá trình học, ông đã được học chuyên sâu về mảng tranh trang trí kiến trúc và có mong muốn được trở thành một giáo viên mỹ thuật. Ông đã từng được mời để vẽ các bức tranh bích hoạ cho trần nhà hát thành phố Vienna nay là nhà hát Quốc Gia Áo, cung điện Peles, và đặc biệt là nhà hát Burgtheater - một trong các công trình quan trọng và đẹp nhất của nước Áo. Năm 1893, Klimt được yêu cầu vẽ các bức tranh cho đại sảnh mới của Đại học Vienna. Ông đã sáng tác ba bức tranh mang tên Triết học, Y học, và Khoa học pháp lý.
Năm 1897, ông thành lập nhóm "Liên hiệp những người nghệ sĩ Áo", có tên gọi ngắn gọn hơn là hội "Ly khai Vienna". Mục tiêu của nhóm là khuyến khích các nghệ sĩ thoát khỏi các quy định hội hoạ hàn lâm, sáng tác theo sở thích và cảm xúc của mình, đồng thời phổ cập một nền nghệ thuật mới. Klimt là chủ tịch đầu tiên của phong trào này, nhưng đến năm 1905, ông đã rời khỏi phong trào để có thể tập trung vào các sáng tác nghệ thuật. Sau nhiều năm hoạt động cùng nhóm Ly Khai, Klimt có cơ hội tiếp xúc với văn hóa phương Đông, tranh khắc gỗ và văn hoá Nhật Bản, Trung Quốc. Ông dần dần thay đổi phong cách vẽ của mình không còn gắn chặt với nghệ thuật vẽ hàn lâm nữa mà chuyển sang phong cách Jugendstil (Art Nouveau). Ông bắt đầu sử dụng nhiều yếu tố trang trí trên các tác phẩm của mình, đặc biệt là trên quần áo nhân vật và các mảng nền không gian tranh.
Giai đoạn từ năm 1900 cho đến năm 1918 được nhận định là Giai đoạn vàng trong sự nghiệp của Klimt. Trong thời gian này ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm ấn tượng, khẳng định phong cách cá nhân của mình, cũng như đánh dấu tên tuổi của ông trong lịch sử hội hoạ thể giới. Với lối vẽ trang trí kết hợp với các thể hiện hình thể duyên dáng và gam màu sắc trang nhã tươi sáng, ông đã sáng tạo ra rất nhiều các tác phẩm gây ấn tượng mạnh. Chủ đề nổi bật trong tranh của cố hoạ sĩ từ đây là những bức chân dung của những người phụ nữ và tranh phong cảnh. Từ năm 1912 trở về sau, khi xem trong tranh của Klimt chúng ta có thể bắt gặp nhiều hình ảnh hoa văn hoạ tiết phương Đông như hình người, kiến trúc cũng như các con vật hay được trang trí trên đồ gốm Trung Quốc hoặc tranh in Nhật Bản. Có thể kể đến như các bức tranh Lady with a Fan (1917, Quý bà và chiếc quạt), Portrait of Elisabeth Bachofen-Echt (Chân dung của Elisabeth Bachofen-Echt) (1914), Portrait of Adele Block-Bauer II (Chân dung của Adele Bloch-Baue II) (1912), Portrait of Friederike Maria Beer (Chân dung của Friederike Maria Beer (1916)…
Theo các nhà lịch sử lí luận, nghệ thuật Nhật Bản lần đầu tiên được giới thiệu ở Vienna thông qua hội chợ Thế giới năm 1873, lần thứ hai năm 1900 dưới sự kết nối của Klimt với nhà sưu tập Adolf Fischer - người đã thành lập bảo tàng Nghệ thuật Đông Á năm 1909 tại Cologne. Mặc dù Klimt chưa từng tới Nhật Bản hay các đất nước Châu Á, nhưng ông đặc biệt rất yêu thích sưu tầm các đồ vật thuộc nền văn hoá này, ví dụ như là những bộ Kimono, các bản tranh khắc gỗ Ukiyo-e của Nhật Bản, mặt nạ, đồ gốm Trung Quốc… Trong phóng sự ngắn được xuất bản vào năm 1918 sau khi Klimt mất, học trò của ông - hoạ sĩ Egon Schile đã viết miêu tả về căn phòng tiếp khách trong studio của ông với số lượng lớn các bản in tranh Nhật Bản bao phủ khắp mọi mặt tường, ngoài ra ông còn có rất nhiều trang phục Trung Quốc và Nhật Bản.
Một trong các tác phẩm đầu tiên xuất hiện dấu ấn phương Đông của Klimt là tác phẩm Egyptian Art (Nekhbet and Sarcophagus with Isis Statue) (1890 – 1891). Bức tranh này chia ra làm hai phần, bên trái với hình ảnh người phụ nữ mang bộ tóc giả cùng bộ trang sức từng thấy trong trang trí quan tài tại các đền thờ cổ của người Ai Cập. Trên tay bà cầm cầm chiếc quyền trượng Ankh - "Chìa khoá của sự sống", một biểu tượng của quyền lực gắn liền với nền văn minh của Ai Cập cổ đại, tượng trưng cho quyền năng và sức mạnh vĩnh cửu. Người Ai Cập tin rằng Ankh có thể mang lại quyền năng cho người sở hữu, giúp con người có thể mở khoá của cánh cửa địa ngục, đồng thời cũng gợi lên hình ảnh mặt trợi mọc nơi chân trời, nhằm hàm ý về sự tái sinh cùng cuộc sống vĩnh hằng. Có thể thấy Klimt đã dùng chính biểu tượng này vừa để nhận diện rõ yếu tố văn hoá Ai Cập trong tranh, cũng vừa làm tín hiệu để khơi gợi về thân phận và sức mạnh của người phụ nữ. Ngoài ra ở phía bên trên đằng sau người đàn bà này là mảng hoa văn hình vị thần Nekhbet có biểu tượng là hình một con kền kền lớn. [Hình 1]
Trích đoạn hình thần Nekhbet trong Egyptian Art (Nekhbet and Sarcophagus with Isis Statue), 1890-91. Nguồn: Đỗ Vũ Minh Ngọc mô phỏng
Tác phẩm Lady with the Fan (Quý bà với chiếc quạt) [Hình 2] là một trong những bức tranh tiêu biểu thể hiện sự yêu thích nền văn hoá Phương Đông của Gustav Klimt. Ông vẽ hình ảnh người phụ nữ ngẩng cao đầu, rất lộng lẫy và mặc một chiếc váy Nhật Bản, trong tay cầm một chiếc quạt, lộ vai trần mảnh dẻ. Đằng sau cô là các mảng hoa văn hoạ tiết các con vật cũng như cây cỏ hay thấy trên đồ sứ của Trung Quốc. Yếu tố hội họa Nhật Bản khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh người phụ nữ đẹp Bijin-ga trong tranh Nhật Bản.
. Lady with a fan (Quý bà và chiếc quạt), 1917, sơn dầu, 99 x 99 cm. [Nguồn: https://wikioo.org/vi/paintings]
Mặt khác, có thể thấy Klimt sử dụng mật độ lớn các hoa văn hoạ tiết trên tác phẩm của mình, và nhiều hoa văn này cũng được ông cách điệu và biến đổi khi quan sát các đồ vật, nghệ thuật đến từ phương Đông.
Ngoài việc thể hiện tình yêu với nghệ thuật phương Đông qua các sử dụng các hoa văn hoạ tiết, Klimt còn chịu ảnh hưởng cách thể hiện tạo hình của nghệ thuật khắc gỗ Nhật Bản. Ông sử dụng bố cục bất đối xứng, dạng hình chữ nhật đứng, đi kèm các những hoa văn phức tạp, cùng màu sắc tươi sáng. Do bố của Klimt là một người thợ kim hoàn, nên ông luôn ứng dụng nghề thủ công vào trong nghệ thuật trang trí tranh. Hoạ sĩ còn tham khảo một phần cách thể hiện của trường phái Rinpa Nhật Bản (Thế kỉ XVII – XVIII) - nổi tiếng bởi kỹ thuật dán vàng làm nền và phong cách vẽ tinh tế, để bắt đầu ứng dụng các kĩ thuật đó vào trong các sáng tác mình.
Có thể thấy trong rất nhiều các sáng tác thuộc Giai đoạn Vàng của Klimt hình ảnh người phụ nữ nổi bật trên khung nền được dát vàng, điển hình như bức The Kiss (Nụ hôn)(1907), Hope II (Vision) (1907-08), Portrait of Adele Block-Bauer I (Chân dung của Adele Bloch-Bauer) (1907),…
Gustav Klimt, The Kiss (Nụ hôn), 1907-08, 180 x 180 cm.
[Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/The_Kiss_(Klimt)]
Trong bức tranh The Kiss (Nụ hôn), ảnh hưởng của Nhật Bản, bố cục của bức tranh đã được đơn giản hóa. Đầu của người đàn ông gần chạm tới đỉnh của bức tranh. Đây là một sự khác biệt so với các quy tắc truyền thống của phương Tây thời bấy giờ.
Gustav Klimt đã qua đời vào ngày 6 tháng 2 năm 1918 khi chưa đầy 56 tuổi do bị đột quỵ và viêm phổi. Sau nhiều năm cống hiến hết mình cho nghệ thuật, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ bao gồm nhiều tranh chân dung, phong cảnh, kí hoạ, cùng nhiều công trình bích hoạ, tranh tường trang trí công cộng. Những ảnh hưởng của phương Đông đã làm nên sự đặc sắc sống động trong tranh của Gustav Klimt. Ông vẫn luôn được đánh giá là một trong những gương mặt họa sĩ tiêu biểu của nghệ thuật trang trí thế kỷ XX.