(Tổ Quốc) - Sau những diễn biến phức tạp của vụ Triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, họa sĩ Thành Chương đã chính thức gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng.
Đơn tố cáo của họa sĩ Thành Chương được gửi tới Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL); Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh; Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh; Hội Mỹ thuật Việt Nam; Công an TP.Hồ Chí Minh; A87 Cục An ninh, Bộ Công an và các cơ quan báo chí. Đơn ký ngày 25/7/2016.
Họa sĩ Thành Chương nêu rõ, ông làm đơn này để tố cáo hành vi thể hiện dấu hiệu làm tranh giả và xâm phạm bản quyền tác giả đã diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh vào các ngày 10 – 21/7/2016.
Họa sĩ Thành Chương bên tác phẩm mà ông cho là của mình nhưng bị mạo danh của Tạ Tỵ tại Triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu" |
Họa sĩ Thành Chương nêu lại toàn bộ diễn biến vụ việc: Ngày 14/7/2016 ông phát hiện một bức tranh của mình có tên “Chân dung cô Kim Anh” sáng tác khoảng thời gian 1970 - 1975 đang được trưng bày trong “Triển lãm bộ sưu tập tranh mỹ thuật Đông Dương” với tên gọi “Những bức tranh trở về từ châu Âu” của ông Vũ Xuân Chung tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Tên tác giả đã bị đổi thành Tạ Tỵ, tên tác phẩm cũng bị đổi thành “Trừu tượng”.
“Tôi khẳng định tác giả đích thực và duy nhất của bức tranh này là tôi- họa sĩ Thành Chương, không phải của họa sĩ Tạ Tỵ như đang hiện trên bức tranh. Tên bức tranh do tôi đặt là “Chân dung cô Kim Anh”, chứ không phải là “Trừu tượng”. Đồng thời tôi khẳng định tên tác giả “Tạ Tỵ 52” trên bức tranh có tên là “Trừu tượng” hiện nay là giả mạo”, họa sĩ Thành Chương một lần nữa khẳng định.
Đơn tố cáo của họa sĩ Thành Chương |
Lá đơn cũng cho biết, do tính chất nghiêm trọng của sự việc: bức tranh giả mạo tên tác giả này có giá trị lớn, lại được triển lãm chính thức tại một bảo tàng quốc gia là Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh; đồng thời bức tranh lại được xác nhận là tranh thật của họa sĩ Tạ Tỵ bởi một chuyên gia mỹ thuật cao cấp quốc tế người Pháp. Bên cạnh đó, toàn bộ số tranh triển lãm cũng là tranh giả danh. Vì thế, ngày 16/7/2016, họa sĩ Thành Chương đã làm đơn kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, điều tra để làm sáng tỏ sự giả mạo này, trả lại đúng tên tác giả cho bức tranh “Trừu tượng” (theo tên đang trưng bày) là họa sĩ Thành Chương và đúng tên tác phẩm là “Chân dung cô Kim Anh”.
“Tôi làm đơn này gửi kèm các chứng cứ kính đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ và cho giám định các bức tranh nêu trên để có cơ sở xử lý hình sự hành vi làm tranh giả, buôn bán hàng giả lừa đảo người tiêu dùng theo đúng quy định của pháp luật”- họa sĩ Thành Chương nêu trong đơn.
Trước đó, ngày 19/7, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, Hội đồng thẩm định gồm nhiều thành viên là các nhà quản lý, lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật cùng các họa sĩ có tên tuổi và uy tín hàng đầu của Việt Nam đã họp thẩm định những tác phẩm của Triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”. Hội đồng đã kết luận trong số 17 bức tranh có 15 bức là tranh không phải do các họa sĩ có tên thực hiện; 2 bức tranh là mạo danh, nên đã quyết định lập biên bản đề nghị tạm giữ toàn bộ 17 bức tranh để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền điều tra xử lý hành vi làm tranh giả và mạo tên tác giả theo quy định của pháp luật.
Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, Cục đã làm công văn chuyển đơn tố cáo của họa sĩ Thành Chương tới Thanh tra Bộ VHTTDL, Cục Bản quyền tác giả và Sở VHTT TP.Hồ Chí Minh./.