(Tổ Quốc) - Bloomberg nhận định, mối quan hệ giữa các nước Baltic và Ba Lan đang ngày càng "nở rộ" nhờ vào một đối thủ chung.
Bày tỏ sự tiếc thương đối với cố Tổng thống Lech Kaczynski là một cách để giành được thiện cảm từ chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc của Ba Lan. Hiện có ít nhất 150 đài tưởng niệm đã được dựng lên kể từ sau vụ tai nạn máy bay cướp đi tính mạng của ông Kaczynski vào năm 2010. Cùng với đó là sự ra đời của các đại lộ mang tên Kaczynski trên khắp Ba Lan, và cả một bức tượng lớn mới khánh thành ở trung tâm thủ đô Warsaw.
Còn tại thủ đô Vilnius của Lithuania, chính quyền địa phương mới đây cũng đã lấy tên vị cố Tổng thống Ba Lan để đặt tên cho một con đường gần các cơ quan đầu não thành phố. Phát biểu tại buổi lễ đặt tên, Thủ tướng Lithuania, ông Saulius Skvernelis gọi đó là hành động tôn vinh "một người bạn chân thành" của Lithuania. Ông Kaczynski từng công du tới Lithuania nhiều lần khi sinh thời. "Sự tồn tại của con đường này là một lời hứa của chúng tôi rằng, kỷ nguyên vàng trong quan hệ giữa hai nước [Liathuania – Ba Lan] phải quay trở lại", ông Skvernelis nhấn mạnh.
Con phố mang tên cố Tổng thống Ba Lan Kaczynski tại thủ đô Lithuania.
Lithuania và các quốc gia Baltic nằm trên rìa đông NATO đang nỗ lực thắt chặt mối quan hệ với Ba Lan. Điều này phản ánh một tình hình thực tế mới trong khu vực. Với một Tổng thống Mỹ Donald Trump khó tiên đoán trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa tuyên bố không tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ sau, đã đến lúc các nước Baltic tìm kiếm thêm đồng minh để cùng đối phó với mối nguy cơ được cho là đến từ Nga.
Những mâu thuẫn giữa Đảng cầm quyền Pháp luật và Công lý của Ba Lan và Liên minh châu Âu liên quan tới kiểm soát quyền lực tòa án và truyền thông, hiện vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên, là một thành viên NATO trung thành, Ba Lan sẽ không "quay lưng" lại với chính quyền Trump. Trong khi các nước như Hungary và Romania đang tìm cách cân bằng lợi ích đông và tây, Warsaw lại không che giấu sự "dè chừng" trước Moscow.
Điều này khiến Ba Lan trở thành một đồng minh thiết thực cho Lithuania, Latvia và Estonia. Trong năm nay, ba quốc gia Baltic từng ký kết một thỏa thuận đồng bộ hóa mạng lưới điện với Tây Âu thông qua Ba Lan – chính thức chấm dứt phụ thuộc vào mạng lưới có từ thời kỳ Liên Xô.
Ba Lan là quốc gia lãnh đạo của khu vực Baltic, với sức mạnh quân đội đáng nể.
Riho Terras
Về mặt quân sự, sự hợp tác của Ba Lan là tối cần thiết để đảm bảo an ninh cho Hành lang Suwalki – dải đất kéo dài 100km giữa Kaliningrad (thuộc Nga) và Belarus. Hành lang này là kết nối thực thể của NATO giữa vùng Baltic và phần còn lại của châu Âu. NATO có quân đội đóng tại Lithuania và chính phủ Ba Lan đang lên kế hoạch tương tự. Trong chuyến công du tới Washington hồi tháng Chín, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda từng vận động người đồng cấp Trump thiết lập một căn cứ thường trực của Mỹ tại Ba Lan.
Estonia cũng công khai tuyên bố Ba Lan là một trong những đồng minh thân cận nhất. Trong tuần, người đứng đầu quân đội Estonia đã thể hiện sự đồng tình với việc giám sát các hoạt động của Nga vì lý do an ninh.
"Ba Lan là quốc gia lãnh đạo của khu vực Baltic, với sức mạnh quân đội đáng nể", Tướng Riho Terras, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Estonia khẳng định. "Estonia cảm kích về mối quan hệ hợp tác phát triển trong việc hình thành các lập trường tại NATO, EU cũng như quan hệ song phương".
Còn tại Latvia, trong một cuộc phỏng vấn tháng trước, chính trị gia Janis Bordans – người từng được đề nghị làm Thủ tướng nước này, công khai miêu tả Ba Lan là "đồng minh đầu tiên và có lẽ là duy nhất" trong trường hợp xung đột xảy ra.
Họ muốn có một mối quan hệ tốt với Đức, và không muốn bị coi là cùng hội cùng thuyền với Ba Lan – vốn được coi là tiêu cực ở châu Âu. Sự thân cận này có giới hạn.
Piotr Buras
Có vẻ như cả Lithuania, Latvia và Estonia đều đã thể hiện rõ lập trường nghiêng về Tây Âu. Giống như Ba Lan, họ gia nhập EU và NATO, và sau đó đổi sang sử dụng đồng tiền chung châu Âu.
Theo Bloomberg, thái độ của Nga gần đây cũng như việc Anh rời bỏ EU, đã khiến ba nước Baltic gia tăng lo ngại về an ninh và chia rẽ nội khối. Tuy nhiên, Piotr Buras, người đứng đầu bộ phận Warsaw trong Hội đồng Đối ngoại châu Âu lại cho rằng, Lithuania, Latvia và Estonia biết rõ lợi ích của mình nằm ở đâu.
"Họ muốn có một mối quan hệ tốt với Đức, và không muốn bị coi là cùng hội cùng thuyền với Ba Lan – vốn được coi là tiêu cực ở châu Âu", Buras nói. "Sự thân cận này có giới hạn".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt hoa tại khu vực tưởng niệm gần nơi máy bay chở cố Tổng thống Ba Lan bị rơi.
Ba Lan đề cao nguyên tắc có đi có lại?
Trong khi đó, với chính quyền Warsaw, có đi có lại là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất. Ví dụ, Lithuania khẳng định sẽ ủng hộ Đảng Luật pháp và Công lý của Ba Lan trong cuộc chiến với EU. Năm 2018, các nhà lãnh đạo hàng đầu Ba Lan từng nhiều lần công du tới Lithuania, trong đó có cả chuyến thăm đầu tiên trong vòng 5 năm trở lại đây của Tổng thống Andrzej Duda. Tại một diễn đàn kinh tế diễn ra ở Krynica (Ba Lan) hồi tháng Chín, Thủ tướng Lithuania Skvernelis đã được trao tặng danh hiệu Nhân vật của năm, nhờ những đóng góp cho thúc đẩy quan hệ hai nước.
Những lợi ích chung một lần nữa được thể hiện rõ trong tháng này nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Ba Lan giành độc lập (11/11/1918 – 11/11/2018). Cả ba nước Baltic đã cam kết không bỏ phiếu chống lại Ba Lan trong cuộc xung đột với EU. Lithuania cũng một lần nữa khẳng định rõ lập trường của mình.
"Trong một cuộc tranh chấp không bao giờ chỉ có một sự thật", Thủ tướng Skevernelis nói trong một cuộc phỏng vấn tại thủ đô Vilnius. "Ba Lan là láng giềng thân cận nhất, là đối tác chiến lược của chúng ta; và sự ủng hộ từ chính phủ Lithuania tới chính phủ Ba Lan sẽ luôn tồn tại".