• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hoàn tất thương vụ S-400 Nga – Thổ: “Sóng gió” thông điệp tới NATO?

Thế giới 13/11/2017 12:18

(Tổ Quốc) - Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng về việc hoàn tất thương vụ S-400 Nga – Thổ Nhĩ Kỳ trước những nghi ngại từ phía NATO.  

Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua hệ thống tên lửa hiện đại S-400 từ Nga không nhắm tới truyền đi một thông điệp chính trị nào, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/10 cho biết.

Thông tin này được đưa ra một ngày sau khi Ankara tuyên bố hoàn tất thoả thuận mua bán trên – điều được cho là có thể ảnh hưởng đến quan hệ với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO.

Ahmet Berat Conkar, người đứng đầu phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng nghị viện NATO, cho biết việc mua tên lửa phòng không S-400 chỉ dựa trên lý do kỹ thuật và tài chính.

"Thổ Nhĩ Kỳ chọn S-400 thay vì các lựa chọn khác vì hệ thống tên lửa này sở hữu các tính năng kỹ thuật tiên tiến hơn các đối thủ, có một mức giá tốt hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn," Conkar - một thành viên của đảng AK cầm quyền trong quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ nói với Al Jazeera.

S-400 là hệ thống tên lửa tối tân của Nga và đang được nhiều đối tác ưa chuộng. (Nguồn: Reuters)

Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi Nurettin Canikli, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết thỏa thuận S-400 với Nga đã "hoàn tất".

Ông Canikli nói với các phóng viên ở thành phố Giresun rằng, "Các tên lửa S-400 đã được chốt mua. Chỉ còn lại những chi tiết nhỏ phải xử lý".

Nghi ngờ của NATO

S-400 của Nga là một hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không  tiên tiến – đã được xuất khẩu tới nhiều nước khác nhau.

Trong quá trình đấu thầu, trước khi đồng ý mua S-400, Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO cũng đã xem xét mua hệ thống Patriot của Paytheon.

Và từ khi tuyên bố về thương vụ trên được đưa ra từ mùa hè năm ngoái, thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã dấy lên nhiều nghi ngờ trong các vòng thảo luận của NATO, do vũ khí của Nga được cho là không tương thích với các hệ thống do liên minh này sử dụng.

Tướng Petr Pavel, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, gần đây đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về hậu quả của việc mua S-400 từ Nga.

"Vấn đề chủ quyền rõ ràng có tồn tại trong việc mua bán các thiết bị quốc phòng. Cùng với cách các quốc gia đang có chủ quyền đưa ra quyết định của họ, họ cũng có chủ quyền phải đối mặt với những hậu quả của quyết định đó," Pavel nói với các phóng viên tại Washington, DC, vào ngày 25/10 .

Các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về thỏa thuận mua bán này.

Theo chính sách của NATO, "khả năng tương tác không nhất thiết đòi hỏi các thiết bị quân sự phải giống nhau. Điều quan trọng là thiết bị này có thể chia sẻ các tiện nghi thông thường và có thể kết nối với các thiết bị khác".

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, ông Conkar cho biết ông tin rằng thỏa thuận này sẽ không ảnh hưởng đến sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO và sự tham gia của họ vào các hoạt động của liên minh.

Ông nói với Al Jazeera: "Có nhiều quốc gia khác đã mua hệ thống vũ khí từ các nước thứ ba. Các dự án và hành động của NATO được thực hiện thông qua quy trình lập kế hoạch không can thiệp vào các khoản đầu tư quốc phòng khác của Thổ Nhĩ Kỳ".

Giá trị hợp đồng S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga trị giá hơn 2 tỷ USD, theo CEO của công ty quốc phòng Nga Rostec, do trích dẫn hãng thông tấn chính thức TASS trích dẫn.

Triển khai Patriot

Thổ Nhĩ Kỳ, trước đó đã dựa vào hệ thống phòng thủ Patriot từ các đồng minh NATO để phòng thủ không quân – đã muốn sở hữu riêng một hệ thống như vậy trong nhiều năm qua.

Năm 2012, Ankara yêu cầu hỗ trợ phòng không chống lại các mối đe doạ tên lửa từ biên giới với Syria khi xung đột bùng lên tại nước này.

Đáp lại yêu cầu, các đồng minh NATO Đức, Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan và Hoa Kỳ vào tháng 1/2013 đã đóng góp các khẩu đội tên lửa để tăng cường phòng không cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, phần lớn các khẩu đội phòng không này đã được thu hồi vào năm 2015, dù Ankara vẫn lo ngại về an ninh biên giới của nước này

Hiện tại, Tây Ban Nha và Italy vẫn cung cấp một khẩu đội tên lửa Patriot và một khẩu đội ASTER SAMP / T cho lực lượng phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Canikli, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, trong một diễn biến khác, Ankara tuần trước đã ký một bản cam kết với Pháp và Italy để hợp tác với các nước này trong việc phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa mới. Eurosam là một tập đoàn của các công ty Italia và Pháp được thành lập để phát triển hệ thống phòng thủ chống máy bay.

Ông Canikli nói thêm: "Ngoài Thỏa thuận S-400, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có những thoả thuận sơ bộ với các nước châu Âu để phát triển, sản xuất và sử dụng hệ thống phòng không để nâng cao năng lực quốc gia dài hạn", Ankara nói và bổ sung thêm rằng Ankara hướng tới việc sở hữu công nghệ riêng của mình trong lĩnh vực này.

Về vấn đề này, ông Conkar cho biết, thỏa thuận với Eurosam cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định gây phương hại cho các đồng minh khi mua hệ thống tên lửa S-400.

Ông phát biểu với Al Jazeera: "Những diễn biến cởi mở này cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm việc với các đồng minh để phát triển các hệ thống như vậy trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần hệ thống S-400 để bảo vệ mình ngay lập tức".

(Theo aljazeera)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ