(Tổ Quốc) - Hoàn thiện Nghị định quy định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật nhằm kịp thời khích lệ, động viên các văn nghệ sĩ có những tác phẩm xuất sắc đồng thời cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật trong thời gian tới.
- 23.05.2023 Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước: Kỳ vọng thế hệ văn nghệ sĩ trẻ sẽ được nhận những Giải thưởng cao quý
- 11.05.2023 Khắc phục những bất cập trong xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT
- 11.05.2023 Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT: Vinh dự lớn lao của đời sáng tạo
- 09.05.2023 Nghiên cứu quy định mới, tránh thiệt thòi cho các tác giả xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT
- 22.03.2017 Khẩn trương đề xuất, báo cáo Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về VHNT.
Chiều ngày 22/6, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (VHNT). Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ VHTTDL, các Sở VHTT, VHTTDL các địa phương, các Hội VHNT các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra); các chuyên gia, nhà nghiên cứu…
Mang lại cơ sở pháp lý đầy đủ hơn
Báo cáo về công tác triển khai xây dựng Nghị định quy định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, bà Tô Linh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, mục đích ban hành Nghị định quy định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT thay thế Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 (sau đây gọi tắt là Nghị định 90) và Nghị định số 133/2018/NĐ-CP ngày 1/10/2018 (Nghị định 133) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện, khắc phục những vấn đề còn bất cập của Nghị định 90 và Nghị định 133, mang lại cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xét tặng và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho tác giả sáng tạo tác phẩm VHNT, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng nói chung và pháp luật về thi đua, khen thưởng đối với lĩnh vực VHNT nói riêng.
Cũng theo bà Tô Linh Hương, dự thảo Nghị định quy định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT được Bộ VHTTDL thực hiện đúng quy trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể: Bộ đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định 90 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT và Nghị định 133 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 90 tại 02 khu vực phía Bắc tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2022 và phía Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh tháng 12/2022.
Bộ cũng đã thành lập Ban Soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định gồm đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành liên quan.
"Dự thảo Nghị định quy định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT được xây dựng trên cơ sở bám sát quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022; Kế thừa các quy định đang phù hợp với thực tiễn công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ quy định tại Nghị định 90 và Nghị định 133"- bà Tô Linh Hương nhận định.
Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 20 điều, quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng hoặc truy tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật.
Theo bà Tô Linh Hương, ngày 26/5/2023, Bộ VHTTDL đã có Công văn đề nghị đăng hồ sơ dự thảo Nghị định trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ VHTTDL để xin ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định trong thời gian 60 ngày. Ngày 30/5/2023, Bộ VHTTDL đã có Công văn gửi kèm hồ sơ dự thảo Nghị định đến các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, Hội VHNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở VHTTDL, Sở VHTT, các chuyên gia và các đối tượng liên quan khác để xin ý kiến.
"Hội nghị lấy ý kiến góp ý về hồ sơ dự thảo Nghị định sẽ được tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ VHTTDL sẽ tổng hợp, rà soát, nghiên cứu tiếp thu hoặc giải trình các ý kiến góp ý, chỉnh sửa dự thảo Nghị định và hoàn thiện hồ sợ dự thảo Nghị định theo quy định"- bà Tô Linh Hương cho hay.
Nhiều thành phần chưa được xét Giải thưởng
Tại Hội nghị, các đại biểu đóng góp ý kiến đều xác định, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT là giải thưởng dành cho các tác phẩm. Chính vì vậy, còn nhiều vấn đề đặt ra đối với các tác phẩm phái sinh, tác phẩm có nhiều thành phần sáng tạo.
NSND Trịnh Thúy Mùi- Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, đối với các tác phẩm sân khấu là sản phẩm tổng hợp. Một tác phẩm đoạt giải tại 1 liên hoan là công trình của cả tập thể. Tuy nhiên, hiện nay khi xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT mới chỉ xét ở kịch bản, đối tượng thụ hưởng là tác giả kịch bản, mà chưa xét giải thưởng này cho đạo diễn. Nhưng kịch bản đó nếu không có đạo diễn, không có nghệ sĩ thì không thành tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh.
Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT dành cho người sáng tạo độc lập, bản thân người đạo diễn sáng tạo theo ê kíp thì đỉnh cao nhất là danh hiệu NSND, điều này là thiệt thòi cho đạo diễn.
Bên cạnh đó, NSND Trịnh Thúy Mùi cũng nêu một đối tượng đang "bỏ ngỏ" chưa được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT tác giả chuyển thể. "Sân khấu có nhiều loại hình. Một kịch bản có thể chuyển thể sang nhiều loại hình khác nhau như tuồng, chèo, cải lương. Nhưng tác giả chuyển thể chưa bao giờ được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Nếu không có tác giả chuyển thể sẽ không bao giờ có đạo diễn được giải thưởng sân khấu. Tác giả chuyển thể không nằm trong việc xét NSND, NSƯT, cũng không nằm trong xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, điều này rất thiệt thòi"- NSND Trịnh Thúy Mùi bày tỏ.
Đồng quan điểm, Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, không chỉ sân khấu, điện ảnh, múa… cũng là sản phẩm sáng tạo gồm nhiều thành phần. Đối tượng phải là tác phẩm trước, sau đó mới tác giả. Cụm tác phẩm, tác phẩm, công trình rồi đến tác giả, đồng tác giả.
Bà Mai Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam kiến nghị nêu thực trạng trước đây chỉ xét tác phẩm nên khi được Giải thưởng Nhà nước rồi, sau đó 1 số tác giả xét Giải thưởng Hồ Chí Minh thì không được, lý do là vì tác phẩm sau năm 1993 của họ không có giải thưởng. Nhưng xét cả quá trình cống hiến của họ đối với lĩnh vực thì thì họ rất xứng đáng. "Với Hội Mỹ thuật, vừa qua có 4 trường hợp như vậy, và 3 tác giả đã qua đời nên các tác phẩm sau đó không được giải thưởng nữa nên bị trượt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Thiết nghĩ, ngoài tác phẩm, nên xem xét việc xét giải thưởng trên những đóng góp cả đời của các tác giả nữa"- bà Mai Thị Ngọc Oanh bày tỏ.
Đồng tình với bà Oanh, ông Dương Văn Phong - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: "Ở địa phương, một số tác giả không có giải thưởng nhưng đóng góp nhiều cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Có người nhiều tác phẩm giá trị nhưng không có giải thưởng nên không đủ tiêu chí xét giải thưởng, vì vậy rất thiệt thòi".
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy bày tỏ cảm ơn các ý kiến đóng góp, chia sẻ, trao đổi của các đại biểu. Thứ trưởng khẳng định, Hội nghị đã diễn ra hiệu quả và thành công với nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, tập trung, đi vào trọng tâm các nội dung góp ý cho việc hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Thứ trưởng cho biết, quá trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT vừa qua còn những bất cập. Việc triển khai xây dựng Nghị định lần này là đã cụ thể hóa các quy định của Luật Thi đua khen thưởng và kế thừa các quy định hiện hành của Nghị định về hướng dẫn về thực hiện xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Theo Thứ trưởng, quá trình soạn thảo Nghị định, Ban Soạn thảo, Tổ biên tập đã hết sức cầu thị, lắng nghe những ý kiến trong quá trình xây dựng Nghị định nhằm hoàn thiện Nghị định, đảm bảo các cấp thực hiện thuận lợi hơn, phù hợp với thực tiễn hơn nữa.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng cho biết, nhiều vấn đề hiện nay chưa thống nhất cần trao đổi thảo luận thêm như trong việc xét tác phẩm điện ảnh, sân khấu thì xét tác giả, đồng tác giả, đạo diễn hay tác giả kịch bản…. Theo Thứ trưởng, khi xây dựng Nghị định, ưu tiên cao nhất là theo các quy định của pháp luật, pháp luật chuyên ngành và tham khảo thông lệ quốc tế.
Lắng nghe, tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của các đại biểu, Ban Soạn thảo, Tổ biên tập sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định sao cho Nghị định được ban hành sẽ giải quyết được những vấn đề đang còn tồn tại, khuyến khích, động viên tạo điều kiện cho các tác giả có những tác phẩm xuất sắc được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Thứ trưởng cũng cho biết, hiện nay dự thảo Nghị định đang được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL, Bộ mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa của các chuyên gia, các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định.
"Làm thế nào để xây dựng Nghị định đạt yêu cầu mong muốn, cụ thể hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển VHNT trong thời kỳ mới, kịp thời khích lệ, động viên các văn nghệ sĩ có những tác phẩm xuất sắc để trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật trong thời gian tới. Trong thời gian qua, cùng với các Hội VHNT trung ương, địa phương, Bộ VHTTDL đã triển khai nhiều cuộc vận động sáng tác, trại sáng tác về VHNT. Hy vọng qua đó tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của công chúng về thưởng thức văn học nghệ thuật, như chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có những tác phẩm bắt nhịp được hơi thở của đời sống, tác phẩm "sống mãi với thời gian", không chỉ đáp ứng thị hiếu hiện nay mà có giá trị lâu dài đối với việc giáo dục chân thiện mỹ, xây dựng văn hóa, con người, gia đình Việt Nam với những giá trị cao đẹp"- Thứ trưởng yêu cầu./.