• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hồi hương cổ vật Việt: Hành trình gian nan

Văn hoá 12/02/2024 14:08

(Tổ Quốc) - Với giới sưu tầm cổ vật ở Việt Nam, năm 2023 khép lại bằng một "chuyện vui". Đó là Kim ấn Hoàng đế chi bảo (皇帝之寶) của Vương triều Nguyễn (1802 - 1945) đã chính thức hồi hương vào sáng ngày 18/11/2023.


Hồi hương cổ vật Việt: Hành trình gian nan - Ảnh 1.

Kim ấn Hoàng đế chi bảo, do Nhà đấu giá Millon (Pháp) đưa ra đấu giá và được một nhà sưu tầm tư nhân ở Việt Nam thương lượng mua lại và đã hồi hương vào tháng 11/2023.

70 năm lưu lạc Quốc ấn của Vương triều Nguyễn

Kim ấn Hoàng đế chi bảo được đúc bằng vàng, trọng lượng 280 lạng 9 chỉ 2 phân, vào ngày 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 (1823), cách đây tròn 200 năm, là quốc ấn quan trọng nhất của triều Nguyễn. Kim ấn này, cùng với một thanh bảo kiếm, đã được vua Bảo Đại trao cho đại diện của Việt Minh vào ngày 30/8/1945 trong lễ thoái vị tại Ngọ Môn (Đại Nội, Huế). Sau đó đã được bàn giao cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi bị thất lạc trong thời kỳ kháng Pháp (1946-1954). 

Ngày 28/2/1952, Tiểu đoàn 2 B.P.C của Pháp do Tiểu đoàn trưởng Toce Raymond chỉ huy, trong khi làm đường ở làng Nghĩa Đô (ngoại thành Hà Nội) đã tình cờ tìm thấy một bộ ấn kiếm được cất giấu trong một ngôi nhà đổ nát ở làng này và đã bàn giao cho chính quyền Pháp ở Đông Dương. 

Ngày 8/3/1952, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã trao trả bộ ấn kiếm này cho cựu hoàng Bảo Đại, lúc này đang là Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam trong một buổi lễ được tổ chức tại Hà Nội. Sau đó thì bộ ấn kiếm đã được chuyển vào Đà Lạt để cất giữ. Đến năm 1953 thì bộ ấn kiếm được chuyển qua Pháp, chuyển giao cho Hoàng hậu Nam Phương cất giữ. Năm 1963, Hoàng hậu Nam Phương qua đời, bộ ấn kiếm được Hoàng thái tử Bảo Long ký gửi trong một két sắt tại Union des Banques Européennes (Ngân hàng Châu Âu). 

Hồi hương cổ vật Việt: Hành trình gian nan - Ảnh 2.

Áo Nhật bình thời Nguyễn do Nhà đấu giá Balclis tổ chức (Tây Ban Nha), đã được Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunshine đấu giá thành công và trao tặng cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

Năm 1980, khi xuất bản tập hồi ký Le Dragon d'Annam (Con rồng An Nam), cựu hoàng Bảo Đại muốn dùng kim ấn Hoàng đế chi bảo để đóng vào sách để làm tăng giá trị cho cuốn sách của ông, nhưng ông Bảo Long không cho mượn ấn. Cựu hoàng Bảo Đại liền kiện con trai ra tòa để đòi lại ấn kiếm. Sau một quá trình tranh tụng rất lâu dài và phức tạp, cuối cùng tòa án ở Pháp phân xử: cựu hoàng Bảo Đại được sở hữu kim ấn Hoàng đế chi bảo, còn cựu thái tử Bảo Long giữ thanh bảo kiếm.

Năm 1972, cựu hoàng Bảo Đại kết hôn với bà Monique Baudot, người Pháp. Trước khi qua đời vào tháng 8/1997, cựu hoàng để lại di chúc, trao quyền thừa kế toàn bộ tài sản của ông ở Pháp, trong đó có kim ấn Hoàng đế chi bảo cho bà Monique Baudot. Bà Monique Baudot qua đời vào năm 2021, trao quyền thừa kế tài sản cho người cháu gái của bà, trong đó có kim ấn Hoàng đế chi bảo.

Giữa tháng 10/2022, Nhà đấu giá MILLON ở Paris thông báo sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có hai cổ vật của nhà Nguyễn là kim ấn Hoàng đế chi bảo và chiếc bát bằng vàng chế tác dưới triều Khải Định (1916-1925), trong phiên đấu giá sẽ tổ chức vào 11 giờ trưa ngày 31/10/2022 (giờ Paris).

Hồi hương cổ vật Việt: Hành trình gian nan - Ảnh 3.

Bát bằng vàng, hiệu đề Khải Định niên tạo, do Nhà đấu giá Millon (Pháp) đưa ra đấu giá và được một nhà sưu tầm tư nhân ở Việt Nam đấu giá thành công vào tháng 10/2022.

Sau khi thông tin trên được lan truyền về Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cử một đoàn công tác sang Pháp trực tiếp đàm phán với Nhà đấu giá MILLON, đề nghị rút kim ấn Hoàng đế chi bảo khỏi phiên đấu giá. Sau đó, thì tiếp tục đàm phán với chủ sở hữu hiện thời của chiếc ấn và các bên liên quan để mua lại chiếc ấn này. Trải qua một năm đàm phán gian nan, cuối cùng kim ấn Hoàng đế chi bảo đã được một tư nhân bỏ tiền ra mua và được các cơ quan chức năng của Pháp và Việt Nam hỗ trợ hoàn tất thủ tục pháp lý để hồi hương về Việt Nam, sau 70 năm "lưu lạc" ở hải ngoại.

Hồi hương cổ vật Việt: Hành trình gian nan - Ảnh 4.

Sách phong bằng bạc mạ vàng do vua Thiệu Trị tấn phong cho vợ là bà Vũ Thị Viên được đưa ra bán đấu giá ở Paris năm 2010 và được nhà sưu tầm Cao Xuân Trường (Hà Nội) đấu giá thành công.

Hồi hương cổ vật Việt: Hành trình gian nan - Ảnh 5.

Mũ quan triều Nguyễn do Nhà đấu giá Balclis tổ chức (Tây Ban Nha), đã được Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunshine đấu giá thành công và trao tặng cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hồi hương cổ vật Việt: Đoạn trường còn lắm... gian truân!

Từ năm 1997 đến nay, tôi ra nước ngoài nhiều lần và có cơ hội viếng thăm nhiều bảo tàng và sưu tập cổ vật ở xứ người. Tôi thấy có rất nhiều cổ vật Việt Nam đang được trưng bày, lưu giữ ở những nơi này. Qua tìm hiểu, tôi được biết cổ vật Việt Nam đi ra nước ngoài theo những con đường sau:

1. Các đạo quân viễn chinh của các nước thực dân, đế quốc từng xâm lược Việt Nam trong các thế kỷ XIX - XX, đã cướp đoạt nhiều cổ vật, trong đó có nhiều bảo vật của các triều đại phong kiến Việt Nam, chuyển về chính quốc;

2. Sau khi chiến tranh kết thúc, những người lính ngoại quốc từng tham chiến ở nước ta đã mang nhiều cổ vật Việt về nước họ, coi đó là vật kỷ niệm một thời chinh chiến của họ ở Việt Nam; 

3. Sau năm 1954, đặc biệt là sau năm 1975, nhiều người Việt Nam đi định cư ở nước ngoài đã mang theo nhiều cổ vật gia truyền. Vì một lý do nào đó, họ (hoặc thân nhân của họ) đã mang những món gia bảo ấy rao bán trong các cuộc đấu giá đồ cổ ở châu Âu, Hoa Kỳ, Úc... Những cổ vật này đã được các bảo tàng, các nhà sưu tập ở nước ngoài mua lại thông qua các phiên đấu giá và trở thành tài sản của những sưu tập, bảo tàng này; 

4. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam vì nhiều mục đích khác nhau, đã sưu tầm nhiều tác phẩm mỹ thuật, cổ vật Việt Nam để thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật của họ. Khi về nước, họ mang theo những tác phẩm mỹ thuật, những cổ vật này về cùng; 

5. Nạn buôn bán cổ vật trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là trong các thập niên 1980 - 2000 (đến nay vẫn chưa chấm dứt), đã gây nên tình trạng "chảy máu" cổ vật Việt Nam.

Hồi hương cổ vật Việt: Hành trình gian nan - Ảnh 6.

Bộ đồ trà bằng vàng, khoảng thời Khải Định, do Nhà đấu giá Drouot (Pháp) đưa ra đấu giá và được hai nhà sưu tầm tư nhân ở Việt Nam đấu giá thành công vào tháng 3/2022.

Từ các con đường này, nhiều bảo tàng và sưu tập tư nhân ở nước ngoài đã sở hữu nhiều cổ vật quý hiếm của Việt Nam. Hậu quả là trong lúc các bảo tàng công lập, cũng như những nhà sưu tập cổ vật nổi danh ở Việt Nam hiếm có cơ hội để lưu giữ, trưng bày các bảo vật quý hiếm của nền văn hóa, mỹ thuật Việt Nam, nhất là các món vàng bạc châu báu, thì nhiều bảo tàng và sưu tập tư nhân ở ngoại quốc đang sở hữu những bảo vật này. Thậm chí, nhiều quốc bảo của Việt Nam đang được mua bán trong các phiên đấu giá cổ vật ở London, Paris, Berlin, New York… hay được rao bán công khai trên các trang web thương mại như: eBay, Spink, Amazon…

Từ thập niên 1980, đã có trường hợp người ngoại quốc mua bán cổ vật chiếm đoạt bất hợp pháp từ Việt Nam, và người Việt Nam muốn ngăn cản các cuộc mua bán đó và đòi lại cổ vật nhưng bất thành. Điển hình là vụ cựu hoàng Bảo Đại tìm cách ngăn chặn một vụ bán cổ vật triều Nguyễn ở Paris (Pháp):

Ngày 6/12/1988, Nhà đấu giá Hotel Drouot ở Paris tổ chức đấu giá 288 món đồ cổ của Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam do một nhà sưu tập giấu tên, được đặt bí danh là "Monsieur X." ủy thác. Thông tin về cuộc đấu giá này đã được in trên một catalogue phát hành trước phiên đấu giá 3 tháng. Cựu hoàng Bảo Đại, bấy giờ đang sống ở Paris, tình cờ biết đến cuộc đấu giá này. Ông nhận thấy trong các món cổ vật Việt Nam mang ra đấu giá lần đó có rất nhiều cổ vật thuộc hoàng cung triều Nguyễn ở Huế trước đây.

Đó là những đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn; các món đồ ngự dụng bằng ngà và bạc ở trong hoàng cung Huế; đặc biệt là một chiếc bàn trà mặt làm bằng sứ, khung bằng gỗ sơn son thếp vàng và một bộ đầu hồ bằng gỗ, vốn là di vật của vua Tự Đức.

Hồi hương cổ vật Việt: Hành trình gian nan - Ảnh 7.

Trong những năm gần đây, một số cổ vật Việt Nam đã được hồi hương, chủ yếu là do các nhà sưu tầm tư nhân trong nước tham gia các phiên đấu giá ở hải ngoại, đấu giá thành công và đưa được cổ vật về nước.

Vua Bảo Đại liền đâm đơn lên một tòa án dân sự ở Paris, cho rằng đây là những bảo vật của nhà Nguyễn đã bị đánh cắp, vì thế, phải ngưng cuộc đấu giá và hoàn trả những cổ vật này cho Việt Nam. Tuy nhiên, đơn kiện của Cựu hoàng Bảo Đại bị tòa án bác bỏ, vì Cựu hoàng không có tư cách đại diện cho Việt Nam trong vụ kiện này. 

Cựu hoàng Bảo Đại liền liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Paris để nhờ can thiệp. Sau đó, Đại sứ quán Việt Nam đã có công văn gửi về các bộ, ngành liên quan ở Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế yêu cầu cung cấp thông tin về các hiện vật này để làm cơ sở pháp lý theo đuổi vụ kiện. 

Nhận được yêu cầu trên, UBND thành phố Huế đã thành lập một hội đồng do Chủ tịch UBND thành phố Huế đứng đầu, với sự tham gia của nhiều chuyên viên trong lĩnh vực văn hóa và nghiên cứu lịch sử ở Huế để xem xét vụ việc. Hội đồng đã mời hai cụ Bửu Hàn và Ưng Tương, từng là quản thủ Viện Bảo tàng Huế (Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế hiện nay) trong giai đoạn 1958 - 1979, để tham vấn và nhờ họ cung cấp thông tin về hiện vật để lập hồ sơ gửi cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Lúc này, tại Paris, luật sư Việt kiều Đào Văn Thụy thừa ủy quyền của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, tiến hành thủ tục thưa kiện. 

Đây là một nhiệm vụ khó khăn, bởi theo luật của Pháp, bất kỳ của cải bất minh nào mà không có ai tranh chấp, thưa kiện, thì sau 30 năm (đối với bất động sản) và sau 3 năm (đối với động sản) sẽ mặc nhiên thuộc quyền sở hữu của người đang giữ của cải đó. Cổ vật, tác phẩm văn hóa, mỹ thuật cũng vậy. Vì thế, cho dù Đại sứ quán Việt Nam có chứng minh được những cổ vật trên thuộc về triều Nguyễn ở Việt Nam, nhưng do trong 30 năm qua không có ai đả động gì về quyền sở hữu những hiện vật này, thì chúng đương nhiên thuộc về "Monsier X." và ông ấy có quyền đưa ra bán đấu giá. 

Vụ kiện trên cho thấy, việc "đòi lại" cổ vật Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài là rất cam go, do pháp luật của các nước này có những điều khoản để bảo vệ những tài sản văn hóa của quốc gia khác, đã bị cướp bóc và mang về chính quốc trong thời kỳ thực dân. Điều này gây bức xúc cho các quốc gia có di sản văn hóa bị tước đoạt và bị xâm hại.

Hồi hương cổ vật Việt: Hành trình gian nan - Ảnh 8.

Thánh chế thi và Thánh chế văn do vua Minh Mạng trước tác, do Nhà đấu giá Drouot (Pháp) đưa ra đấu giá và được một nhà sưu tầm tư nhân ở TP. Hồ Chí Minh đấu giá thành công vào tháng 12/2022.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số cổ vật Việt Nam đã được hồi hương, chủ yếu là do các nhà sưu tầm tư nhân trong nước tham gia các phiên đấu giá ở hải ngoại, đấu giá thành công và đưa được cổ vật về nước. Chẳng hạn:

- Năm 2010, nhà sưu tầm cổ vật Cao Xuân Trường ở Hà Nội đã đấu giá thành công cuốn sách phong bằng bạc mạ vàng do vua Thiệu Trị tấn phong cho vợ là bà Vũ Thị Viên, từ hạng Lương tần lên hạng Lương phi vào năm 1846, được hãng Sotheby’s đưa ra đấu giá vào ngày 16/12/2010, với giá gần 100.000 dollar, và đã hồi hương sách phong này; 

- Năm 2015, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thông qua trung gian đã đấu giá thành công chiếc xe kéo 108 năm tuổi của thái hậu Từ Minh (thân mẫu vua Thành Thái), do Nhà đấu giá Château de Cheverny (Pháp) tổ chức, với giá gần 1,345 tỉ đồng. Chiếc xe kéo đã được đưa về Huế, hiện đang trưng bày tại Tả Trà trong Diên Thọ Cung; 

- Năm 2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunshine có trụ sở ở Thừa Thiên Huế, đã đấu giá thành công hai cổ vật do Nhà đấu giá Balclis tổ chức Catalan (Tây Ban Nha), gồm chiếc mũ quan triều Nguyễn (niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX), với giá 650.000 euro (chưa tính thuế và phí) và áo Nhật bình thời Nguyễn với giá 160.000 euro (chưa tính thuế và phí). Hai cổ vật này đã được Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunshine hiến tặng cho tỉnh Thừa Thiên Huế và hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; 

- Tháng 3/2023, hai nhà sưu tầm cổ vật ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng hợp tác đấu giá thành công bộ đồ uống trà bằng vàng của triều Nguyễn (niên đại khoảng đời Khải Định) do Nhà đấu giá Drouot ở Paris (Pháp) tổ chức, và đã hồi hương những cổ vật này về Việt Nam; 

Hồi hương cổ vật Việt: Hành trình gian nan - Ảnh 9.

- Tháng 12/2023, một nhà sưu tầm cổ vật ở TP. Hồ Chí Minh đã đấu giá được các tập Thánh chế thi (nhị tập và tứ tập) và Thánh chế văn (sơ tập) do vua Minh Mạng (1820 - 1841) trước tác, từ phiên đấu giá do Drouot tổ chức ở Paris vào ngày 05/12/2023. 

Ngoài ra, trong nhiều năm qua, nhiều đồ đồng Đông Sơn (trống đồng, chân đèn, thạp đồng, dao găm…), đồ gốm Việt Nam có niên đại từ thời Lý - Trần đến thời Nguyễn, đồ sứ ký kiểu, tranh của các danh họa Việt Nam thời Đông Dương… đã được nhiều nhà sưu tầm tư nhân đấu giá thành công từ các phiên đấu giá ở Paris, London, Amsterdam, New York, Bangkok, Jakarta… đưa về Việt Nam. Trong khi đó, một số bảo tàng công lập của Việt Nam, dù có tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài, nhưng không thành công, vì rất nhiều lý do khác nhau. Trong đó, lý do cơ bản nhất là không theo kịp tư nhân trong việc đấu giá và chốt giá sau cùng.

Từ thực tế trên, để các đơn vị nhà nước nói riêng và giới sưu tầm cổ vật Việt Nam nói chung không bị “chậm chân” khi mua cổ vật Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời ĐỂ CÓ THỂ HỒI HƯƠNG CỔ VẬT VIỆT VỀ NƯỚC, CẦN:

• Ban hành những văn bản pháp lý cho phép các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài;

• Có một thị trường mua bán cổ vật hợp pháp ở trong nước, được Nhà nước thừa nhận và được bảo trợ bởi một hệ thống pháp lý chặt chẽ nhưng thông thoáng.

• Tạo điều kiện để những nhà đấu giá danh tiếng ở nước ngoài... tham gia đầu tư vào thị trường đấu giá cổ vật và mỹ thuật phẩm ở Việt Nam;

• Các bảo tàng công lập nên có những chuyên gia chuyên sưu tầm thông tin mua bán và đấu giá cổ vật Việt Nam ở nước ngoài để sớm có được những thông tin cần thiết. Từ đó, bảo tàng mới có thể lập kế hoạch và đề xuất các cấp có thẩm quyền cấp kinh phí mua những cổ vật này;

• Có những chính sách thích hợp để khuyến khích “hồi hương” cổ vật (không chỉ cổ vật Việt Nam) từ nước ngoài như cách làm của các nước Hàn Quốc và Nhật Bản.

TS. Trần Đức Anh Sơn

NỔI BẬT TRANG CHỦ