• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hồi kết Syria: Mỹ ở lại nhưng vẫn để lọt con bài “tẩy” vào Nga

Thế giới 24/11/2017 08:08

(Tổ Quốc) - Washington đang quan sát các diễn biến Syria từ một vị trí bên lề, trái ngược hoàn toàn với các đối thủ và đồng minh.  

Quân lính Mỹ hiện đang có mặt tại Syria sẽ không vội lên đường về nhà sau thất bại của nhóm khủng bố IS. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ họ sẽ đóng vai trò nào trong toàn cảnh cuộc xung đột Syria, nhất là khi chiến sự dường như đang đi đến hồi kết. Bloomberg nhận định, trái với tiền lệ, Washington đang quan sát mọi việc từ một vị trí “bên lề”, trong khi các đối thủ, thậm chí là đồng minh lại bận rộn với một kế hoạch hòa bình.

Người chịu trách nhiệm chính của kế hoạch trên chính là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hôm thứ Tư, ông Putin vừa có một cuộc gặp quan trọng với hai người đồng cấp đến từ Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Sochi, ông Putin nhắc đến một “cơ hội thực sự” để kết thúc chiến tranh. Tuy nhiên, không có nhiều chi tiết được công bố sau hội nghị.

Một bức tranh đang dần hiện rõ: Mỹ đang tăng cường kết nối với Arab Saudi và Israel. Đối chọi với liên minh bất ngờ này là ảnh hưởng ngày càng lan rộng của sự bắt tay giữa ba nhà lãnh đạo tại Sochi. Trong ván bài nhằm thiết kế một giải pháp tái định hình Trung Đông, Nga – Thổ - Iran dường như đang giữ nhiều con bài hơn.

“Tương lai của Syria phụ thuộc khá nhiều vào nhóm 3 nước trên”, Emile Hokayem, một học giả cấp cao tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế London nhận định. “Họ thống trị hầu hết trên chiến trường, và họ thống trị trong ngoại giao. Nước Mỹ, nói một cách chiến lược, là đã bị đẩy ra xa.”

Nước Mỹ sẽ không rời bỏ Syria?

Cuộc chiến Syria đã khiến 400.000 người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa. Nước Mỹ và đồng minh đổ lỗi cho chính quyền Assad về thảm kịch này. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố, các lực lượng Mỹ sẽ vẫn ở lại Syria. “Chúng tôi sẽ không rời đi bây giờ”, ông nói, đồng thời gọi đây là điều cần thiết để đảm bảo tiến trình hòa bình.

Động thái của Mỹ được nhìn nhận là dấu hiệu cho một sự đối đầu với Iran. Trong khi sự can thiệp của Nga bắt đầu từ năm 2015, là một bước ngoặt cho Damascus, các tay súng Iran cũng đóng một vai trò quan trọng giúp Tổng thống Assad giành lại các vùng lãnh thổ từng thuộc quyền kiểm soát của khủng bố và các nhóm đối lập do Mỹ “chống lưng”. Giờ đây, nỗi lo ngại về sự áp đảo của Iran trong một Syria hậu chiến đang tràn ngập khắp Arab Saudi và Israel – hai quốc gia vốn vẫn coi là Iran là một kẻ thủ nguy hiểm. Để tìm kiếm sự giúp đỡ, Saudi và Israel không ngần ngại quay sang Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng gọi Iran là “quốc gia hàng đầu thế giới tài trợ cho khủng bố”.

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Eric Pahon, Washington đang tìm các biện pháp để đối phó với Iran tại khu vực Trung Đông. Trong một cuộc phỏng vấn đầu tuần, ông cho biết, Mỹ đang định hình “các khu vực mới” nhằm phá hủy ảnh hưởng của Iran, bao gồm trên cả lãnh thổ Syria. “Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh để gia tăng áp lực lên chính quyền Iran, vô hiệu hóa ảnh hưởng gây bất ổn của họ, và kiềm chế kế hoạch quyền lực của họ,” người phát ngôn nói.

Israel lo ngại về mối đe dọa đến từ lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn, đang hiện diện gần khu vực biên giới của nước này. Trong khi đó, Arab Saudi nhìn nhận những người Shiite tại Iran đang không ngừng bành trường thế lực trong khu vực. Tuy nhiên, cả Israel và Saudi đều vẫn duy trì các kênh đối thoại mở với Moscow - thừa nhận tiếng nói có trọng lượng của Tổng thống Putin tại Trung Đông.

Người Saudi không có mặt tại Sochi, nhưng họ đã tổ chức một cuộc gặp gỡ khác có thể tác động đến chương trình nghị sự của Nga. Arab Saudi đã tiếp đón các phong trào đối lập tại Syria và nỗ lực thúc đẩy sự kết hợp giữa phong trào lớn nhất với hai phong trào nhỏ hơn và có thái độ mềm mỏng hơn với ông Assad. Riad Hijab, nhà lãnh đạo của nhóm đối lập được phương Tây ủng hộ, đã đột ngột từ chức hôm Thứ Hai (20/11) mà không đưa ra lý do cụ thể. Ông Hijab từng được coi là một trở ngại cho đường lối ngoại giao của Nga tại Syria. Sự ra đi của ông có thể mở đường cho việc kết nối các lực lượng đối lập tại Syria, và nhiều khả năng dẫn đến một hội nghị hòa bình do Nga dẫn đầu tại Sochi, sau đó là các cuộc thương lượng Liên hợp quốc tại Geneva.

“Nga, Mỹ và mọi người nên đánh giá cao Saudi đang thực hiện một việc gần như bất khả kháng, là nỗ lực thống nhất các lực lượng đối lập Syria,” Abdulkhaleq Abdulla, một nhà phân tích chính trị đến từ UAE nhận xét.

 Quân lính Mỹ tại Syria

Mỹ chỉ đang tìm cớ để giữ liên minh với người Kurd

Giống như Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ từng hết lòng ủng hộ cho việc ông Assad phải rời bỏ quyền lực. Giờ đây, Ankara lại đang “chung vai” với các kế hoạch của Nga. Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển sang người Kurd tại Syria – vốn vẫn được Ankara nhìn nhận là những kẻ khủng bố có quan hệ với nhóm ly khai bên trong nước này. Việc Washington hỗ trợ cho các tay súng người Kurd – hiện đang kiểm soát một phần miền tây bắc Syria, đã “chọc giận” Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Người phát ngôn của ông Erdogan gần đây đã lên tiếng cáo buộc nước Mỹ là đang tìm kiếm “các lý do mới” để duy trì liên minh quân sự với người Kurd. Tuần trước, tờ báo thân chính phủ Sabad của Thổ, đã nhận định Nga và Iran có những chính sách “ôn hòa” hơn là nước Mỹ. Hồi tháng Tám, người đứng đầu lực lượng quân đội Iran đã có chuyến thăm 3 ngày tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại NATO cũng đã đụng độ với đồng minh người Kurd của Mỹ, và đe dọa một cuộc tấn công quy mô lớn hơn. Iraq, nơi Mỹ và Iran đang tranh giành ảnh hưởng, cũng có thái độ thù địch với người Kurd và đang hợp tác với lực lượng của ông Assad tại khu vực biên giới chiến lược.

Theo Elena Suponina, một chuyên gia Trung Đông tại Viện Nghiên cứu các vấn đề Chiến lược của Nga, có một vướng mắc nhỏ tại liên minh Sochi – trong tương lai có thể trở thành một điểm chung hiếm hoi giữa Nga và Mỹ. Trong cuộc điện đàm hôm thứ Ba (21/11), Tổng thống Putin và Trump đã đồng ý rằng, người Kurd “đã cho thấy ảnh hưởng của mình trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố”.

Vẫn còn hy vọng hợp tác Nga – Mỹ về Syria

Bà Suponina phân tích, Nga vẫn chưa từ bỏ hy vọng hợp tác với Mỹ về vấn đề Syria, và tháo dỡ căng thẳng trong quan hệ hai bên. Tuy nhiên, sự cạnh tranh là không thể tránh khỏi. “Nga muốn Assad kiểm soát toàn bộ đất nước, nhưng người Mỹ muốn để một vài khu vực nằm dưới quyền bảo hộ của họ,” chuyên gia này nói.

Hiện có 503 binh lính Mỹ tại Syria, nhưng theo phát ngôn viên Lầu Năm góc Pahon, con số này không bao gồm các lực lượng tạm thời trong các nhiệm vụ chi tiết, hoặc các đơn vị vào và ra.”

Đề cập đến việc xây dựng một liên minh chống lại Iran, ông Trump nói với các đồng minh rằng, mình sẽ cứng rắn hơn một người tiền nhiệm.

Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi một cam kết nhằm tránh bị mặc kẹt trong các cuộc xung đột khó kiểm soát. Robert Ford, cựu Đại sứ Mỹ tại Syria và giờ đang là một học giả tại Đại học Yale dự đoán, để làm được điều này, chính quyền của ông cần phải ở lại Syria “trong nhiều năm tới”, giúp các đồng minh người Kurd thành lập một khu vực tự trị. Đây chính là những gì đã từng diễn ra tại Iraq sau Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Lần này, “tôi nghĩ người Mỹ sẽ không ở lại lâu như vậy,” ông Ford nói. Các đối thủ của nước Mỹ đang ngày càng trở nên vững mạnh. “Điều này cho thấy nước Mỹ có ảnh hưởng ít như thế nào tại Syria.”

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ