• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều: Tại sao lại là Việt Nam?

Thời sự 25/02/2019 07:15

(Tổ Quốc) - Tiếp theo bài phỏng vấn lần trước, hôm nay, ông Nguyễn Vinh Quang, Nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc- Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương sẽ tiếp tục chia sẻ quan điểm về việc: Tại sao Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 lại được tổ chức tại Việt Nam.

- Thưa ông, các học giả phương Tây cho rằng, chọn Việt Nam là điểm gặp tiếp theo cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 với một mong muốn, Triều Tiên sẽ phát triển theo mô hình của Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Về vấn đề này tôi nhìn với con mắt tích cực. Theo dõi Triều Tiên lâu rồi và tôi biết nhiều lãnh đạo Triều Tiên quan tâm tới mức độ phát triển của Việt Nam.

Khi công cuộc đổi mới của Việt Nam bắt đầu có những hiệu quả tích cực, bản thân Triều Tiên đã dần nhìn thấy đây là mô hình tốt, Khi ông Kim Jong-un lên thì tư tưởng tiến bộ của ông ấy còn khác và tích cực hơn nữa so với các thế hệ trước. Ông nhìn Việt Nam với con mắt tích cực hơn. Sau đó, nhiều đoàn Đại biểu của Triều Tiên sang Việt Nam theo các kênh khác nhau. Việt Nam cũng đã có nhiều đoàn sang Triều Tiên và chúng ta có nhiều cuộc hội đàm với Triều Tiên. Triều Tiên là bạn thân của Việt Nam trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, trong thời gian chúng ta còn khó khăn, quan hệ giữa hai nước đã rất tích cực.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều: Tại sao lại là Việt Nam? - Ảnh 1.

Nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang.

Nhìn vào Việt Nam phát triển có mấy điểm tương tự:

Thứ 1, Triều Tiên là đất nước chiến tranh và bị chia cắt

Thứ 2, đất nước đi theo CNXH mô hình cũ.

Thứ 3, họ cũng có nhu cầu hướng tới hội nhập thật sự.

Ba vấn đề này, Việt Nam đi từng bước một và đang trong giai đoạn hội nhập còn các giai đoạn trên, Việt Nam đã đi qua rồi. Một quốc gia nghèo khó đã trở thành một quốc gia chưa gọi là giàu nhưng so với trước đây đã tốt hơn rất nhiều.

Bản thân Triều Tiên cũng nói tới chuyện là, một nước thiếu lương thực như Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực thứ 2 thế giới. Thật là diệu kỳ. Tại sao, họ lại không thể coi đó là những điều đáng để tham khảo?

Mô hình Việt Nam cũng nên hiểu một cách biện chứng, mô hình này không đơn giản là copy, đặt lên đất nước Triều Tiên, nhưng kinh nghiệm của Việt Nam có thể giúp Triều Tiên tham khảo và áp dụng theo hoàn cảnh của họ.

Lần này không phải chỉ có chúng ta hay các học giả phương Tây nghĩ đến mà ông M. Pompeo (Ngoại trưởng Mỹ) đã nói công khai rồi: tức mô hình của Việt Nam, Triều Tiên nên học tập, bản thân tôi biết một số thông tin trên báo chí: trong cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và Moon Jea-in (Tổng thống Hàn Quốc) vào tháng 4/2018 thì hai ông đã có nhắc tới Việt Nam. Chứng tỏ Triều Tiên rất quan tâm tới mô hình của Việt Nam.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều: Tại sao lại là Việt Nam? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Vinh Quang dự báo khách quốc tế tới Việt Nam sẽ tăng lên sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.

Ngoài ra, một vấn đề nữa là đối ngoại. Triều Tiên là một đất nước đóng cửa, Việt Nam trước đây cũng là đất nước đóng cửa, nhưng khi Đổi mới, Việt Nam đưa ra chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, mở rộng quan hệ với tất cả các quốc gia trên thế giới, các chính đảng trên thế giới... Đây là mô hình mà tôi nghĩ, Triều Tiên cũng đang có dấu hiệu muốn như vậy và đặc biệt là trong quan hệ với Mỹ.

Việt Nam với Mỹ từng là kẻ thù và sau khi bình thường hóa quan hệ đã mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia (Việt Nam và Mỹ), thậm chí mang lại lợi ích cho cả khu vực vì điều này đóng góp cho hòa bình của khu vực và thế giới. Vậy Triều Tiên thì sao? Triều Tiên và Mỹ đang bắt tay nhau, chuyển từ kẻ thù sang không kẻ thù, đang muốn bình thường hóa tức là muốn thành bạn, Mỹ muốn cùng Triều Tiên đến Việt Nam là muốn hướng tới một mối quan hệ từ kẻ thù sang bạn bè.

Ở Singapore ông D. Trump đã từng nói: việc đầu tư vào Triều Tiên sẽ như thế nào, đất nước Triều Tiên sẽ phát triển như thế nào, với sự đầu tư của Mỹ và các nước… Đó là ý tưởng tốt.

Phải chăng mô hình quan hệ Việt Nam với Mỹ sẽ là mô hình của Triều Tiên với Mỹ.

- Việt Nam đã từng tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh lớn của thế giới. Đặt trong bối cảnh địa chính trị trong khu vực và trên thế giới, việc được chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, theo ông, việc này nói lên điều gì?

+ Hội nghị diễn ra ở Hà Nội có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam và mang tầm quốc tế. Việt Nam là thành viên  tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện cam kết này.

Chúng ta không tham gia vào nội dung đàm phán giữa hai nước nhưng chúng ta tạo điều kiện để họ làm tốt thì đó đã là sự đóng góp.

Nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang trả lời phỏng vấn báo điện tử Tổ Quốc.

Một ý nghĩa lớn nữa là, đất nước Việt Nam chứng tỏ là đất nước hòa bình, ổn định, an toàn, người dân hiếu khách, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế chắc chắn hơn trước. Dù chúng ta đã tổ chức nhiều hội nghị, nhưng hội nghị lần này đặc biệt hơn các hội nghị khác. Có câu hỏi, tại sao, hai bên không chọn một đất nước nào ở Châu Á mà lại là Việt Nam? Việt Nam vừa có mối quan hệ thân thiết với Triều Tiên, vừa có mối quan hệ với Mỹ. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, môi trường thân thiện đều có thể đảm bảo được. Hai nhà lãnh đạo không phải tự nhiên mà chọn Việt Nam.

Như vậy về mặt ngoại giao vị thế Việt Nam lên.

Về mặt chính trị chứng minh chúng ta là đất nước hòa bình, an toàn, Thành phố Hà Nội từng được công nhận là thành phố vì hòa bình thì giờ đã rõ rồi.

Về mặt kinh tế, nói tới Việt Nam vẫn còn nhiều người chỉ biết ta trong cuộc chiến tranh với Mỹ, nhiều thế hệ sau không biết Việt Nam ở đâu, như thế nào, thì giờ đây nhờ sự kiện này, qua các phương tiện, họ sẽ  biết và tìm hiểu thêm về Việt Nam. Trong thời đại toàn cầu hóa, điều này là cực kỳ quan trọng về mặt kinh tế.

Tôi dự báo rằng, sau sự kiện này khách du lịch đến Việt Nam sẽ có thể tăng lên. Ông B. Obama (Cựu Tổng thống Mỹ) đến Việt Nam ăn bún chả mà cửa hàng đó còn tăng hẳn lượng khách hàng. Giờ hai nguyên thủ tới Việt Nam sẽ thúc đẩy họ tìm đến Việt Nam nhiều hơn.

Trong khi vấn đề đầu tư trên thế giới còn nhiều va chạm, các nhà đầu tư cũng sẽ cân nhắc tìm đến một môi trường ổn định, an toàn. Sự kiện này cho thấy Việt Nam là nơi đáng lựa chọn.

Do vậy, sau sự kiện này, lợi ích với Việt Nam không chỉ tính bằng tiền trước mắt, mà có thể lâu dài, các thế hệ sau này cũng sẽ được hưởng.

- Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!


Song Đào (thực hiện), Ảnh, Clip: Minh Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ