(Tổ Quốc) - Trong tuần này, đại diện các nước tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ nhóm họp trực tiếp tại thủ đô Vienna (Áo) để thảo luận về thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Hội nghị Vienna
Giới chuyên gia nhận định, cả Mỹ và Iran từ lâu đều muốn tiến tới nối lại các đàm phán ngoại giao liên quan đến thỏa thuận hạt nhân nhưng chưa quốc gia nào muốn nhượng bộ trước cho động thái này. Hiện tại, cơ hội đã đến khi tuần này, đại diện các nước tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ nhóm họp trực tiếp tại thủ đô Vienna (Áo) để thảo luận về thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), có sự tham gia của Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Iran.
Theo CNN, giới quan chức Mỹ sẽ tham gia cuộc họp ở Vienna nhưng sẽ không họp trực tiếp với các nhà lãnh đạo đồng cấp Iran. Các thành viên trong đội ngũ an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Biden đều đang cố gắng để có thể tiếp tục thảo luận về vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Ngay cả Giám đốc CIA – ông Bill Burns cũng ý thức về trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ này vì ông hiểu rõ về lợi thế trong cuộc đàm phán Iran. Các thách thức trong chính sách Iran mà Mỹ đang gặp phải hiện tại là giải pháp ngoại giao.
Hội nghị Vienna sẽ là cơ hội thực sự cuối cùng để Tehran có thể đưa ra đề xuất hợp tác tốt hơn với phương Tây giúp nước này vượt qua các trừng phạt và tìm cách "sống sót" giữa các áp lực của Mỹ. Trung Quốc gần đây đã ký thỏa thuận thương mại quan trọng với Iran và chỉ trích chính sách gây áp lực của Washington đối với Tehran.
Iran đang tổ chức bầu cử tổng thống. Quốc gia này có lẽ sẽ cần đến một nhà lãnh đạo có đường lối cứng rắn hơn với phương Tây sau các động thái trừng phạt của Washington trong thời gian qua. Các hứa hẹn trong JCPOA – được biết đến là thỏa thuận hạt nhân Iran một lần nữa cần phải xem xét lại trong bối cảnh cử tri tiếp tục tham gia bỏ phiếu cho người đứng đầu đất nước thời gian tới.
Có lẽ cả Mỹ và Iran đều đang phải cân nhắc lại để chuẩn bị cho đàm phán ở hội nghị Vienna. Trước đó, Mỹ đã có hành động quân sự đơn lẻ, thực hiện vụ tấn công ném bom vào lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn sau khi một số quân lính Mỹ thiệt mạng và bị đe dọa ở Iraq. Tuy nhiên sau đó, Washington cho rằng họ hành động như vậy là nhằm vào lực lượng dân quân do người Shia hậu thuẫn. Trong khi đó, Mỹ cũng bày tỏ mong muốn đưa một số quân lính tăng cường ở Saudi Arabia về nước. Các động thái trên được cho là muốn làm dịu đi căng thẳng với Tehran.
Iran và Mỹ đều không muốn chiến tranh xảy ra
Trong khi đó, phía Iran tỏ ra khéo léo vạch ra ranh giới giữa động thái làm giàu uranium và có thể đảo ngược để chờ động thái từ phía Washington. Việc làm giàu uranium đến 20% độ tinh khiết – như Tehran đã làm, sẽ gia tăng hồi chuông cảnh báo về khả năng nước này đến gần hơn với bom hạt nhân (được xem là hoàn thành tỷ lệ 90%). Giới chỉ trích cho rằng quá trình sản xuất kim loại uranium của Iran là bước tiến cần thiết để chế tạo bom. Tuy nhiên đây chỉ là loại kim loại uranium cấp thấp và nhiều chuyên gia cho rằng đã có sẵn. Giới quan sát nhận định Tehran có thể đã sẵn sàng nhiều thứ và chỉ chờ phản ứng "mềm mỏng hơn" từ Mỹ.
Và mọi thứ chỉ chờ cho đến khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Các dự đoán đều cho rằng Iran muốn Mỹ nới lỏng các trừng phạt hơn là tự sản xuất bom hạt nhân. Và rằng Mỹ cũng thích một Iran giàu có hơn là một Iran hạt nhân. Cả hai bên đều không hề mong muốn chiến tranh.
Trung Đông luôn trong trạng thái "nóng" hơn bao giờ hết. Chiến tranh rất phức tạp, tốn kém và cũng không thể đoán trước được. Cả Iran và Mỹ đều không hề muốn chiến tranh xảy ra, vì vậy, lựa chọn đàm phán luôn là hướng đi đúng đắn./.