(Tổ Quốc) - Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos 2024) đang diễn ra ở thành phố Davos (Thụy Sĩ) với sự tham gia của khoảng 3.000 đại biểu tham dự.
Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos 2024) năm nay thu hút sự tham dự của khoảng 3.000 đại biểu, trong đó có lãnh đạo của gần 70 quốc gia cùng các tổ chức quốc tế, đánh dấu mức tham dự còn cao hơn cả trước thời kỳ đại dịch Covid-19.
Hãng CNN viết, bầu trời Thụy Sĩ rực sáng trong tuần này bởi những chiếc máy bay chở các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị, chuyên gia tin tức và tỷ phú đến Davos để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), một sự kiện thường niên - nơi giới thượng lưu giải quyết những vấn đề cấp bách nhất trong năm.
Năm nay, hơn 60 nguyên thủ quốc gia, bao gồm Tổng thống Israel Isaac Herzog, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ tham dự. Về phía Mỹ cũng cử Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Đặc phái viên của Tổng thống về Khí hậu John Kerry tham dự.
Các giám đốc điều hành kinh doanh bao gồm Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella, Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon, Giám đốc điều hành ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ Bank of America Brian Moynihan và Giám đốc điều hành BlackRock Larry Fink cùng một số lãnh đạo khác.
Với việc một số quốc gia lớn sắp tiến hành các cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay (dự kiến 1/2 dân số thế giới sẽ tham gia bầu cử vào năm 2024), các nhà lãnh đạo cho rằng WEF Davos 2024 có thể định hình lại các liên minh quốc tế và chính sách kinh tế.
Biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu là một chủ đề nóng để các nhà lãnh đạo gặp nhau và thảo luận về việc cân bằng tăng trưởng kinh tế với tính bền vững.
Hội nghị Davos diễn ra chỉ vài ngày sau khi các nhà khoa học trên toàn cầu báo cáo rằng nhiệt độ trung bình năm ngoái đã đạt mức cao kỷ lục mới.
Báo cáo Rủi ro Toàn cầu của WEF công bố tuần trước đã nhận định biến đổi khí hậu là một trong những rủi ro lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Báo cáo cũng ghi nhận sự hợp tác giữa các nhà lãnh đạo toàn cầu về vấn đề này còn rất khan hiếm. Vì vậy, mặc dù các nhà lãnh đạo có thể sẽ thảo luận về việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và phát triển xanh nhưng khả năng sẽ không có nhiều sự đồng thuận.
Trong khi đó, WEF cũng cho rằng sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm nhiệt độ tăng cao, lũ lụt và cháy rừng tràn lan, có thể dẫn đến một "thảm họa toàn cầu" trong vòng 10 năm tới.
Khi thế giới vẫn đang phục hồi sau những cú sốc kinh tế do đại dịch và tình trạng bất bình đẳng về thu nhập ở mức cao đáng kinh ngạc thì nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ là chủ đề được thảo luận nhiều nhất.
Tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ chậm lại, đạt mức tăng trưởng nửa thập kỷ tồi tệ nhất trong 30 năm qua. Ngân hàng này ghi nhận nếu không có "sự điều chỉnh lớn" thì đây sẽ là "một thập kỷ cơ hội bị lãng phí".
Ông Nicolai Tangen, Giám đốc điều hành của Ngân hàng Norges, cơ quan quản lý quỹ hưu trí chính phủ trị giá 1,4 nghìn tỷ USD của Na Uy và tự gọi mình là nhà đầu tư lớn nhất thế giới trên thị trường chứng khoán cũng nhấn mạnh lạm phát sẽ khó có thể giảm bớt và thế giới vẫn đang chứng kiến mức lương tăng ở nhiều quốc gia.
"Biến đổi khí hậu hiện cũng đang ảnh hưởng đến lạm phát. Các tuyến đường giao thông bị ảnh hưởng, địa chính trị không tốt nên triển vọng kinh tế vẫn chưa lạc quan," ông nói.
Trí tuệ nhân tạo
Tiềm năng biến đổi nền kinh tế của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng sẽ là một tâm điểm khác trong cuộc họp tuần này. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, gần 40% việc làm trên khắp thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của AI, một xu hướng đang làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng.
Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã kêu gọi các chính phủ thiết lập mạng lưới an toàn xã hội và đưa ra các chương trình đào tạo lại để ngăn cản sự lạm dụng AI gây ra tác động xấu.
Trước thềm cuộc họp WEF, bà Kristalina Georgieva khẳng định trong hầu hết các kịch bản, AI có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng tổng thể, một xu hướng đáng lo ngại mà các nhà hoạch định chính sách phải chủ động giải quyết để ngăn chặn công nghệ gây thêm căng thẳng xã hội.
Trong khi đó, theo báo cáo của WEF, mối lo ngại về việc AI làm gián đoạn các cuộc bầu cử cũng đứng đầu danh sách những rủi ro lớn nhất cho năm 2024.
Dự kiến, hai nhà lãnh đạo của OpenAI và Microsoft sẽ có bài phát biểu tại Davos như một phần của chương trình bao gồm cuộc tranh luận về việc liệu AI có thể tạo ra một cuộc cách mạng công nghiệp khác trong thời gian tới hay không./.