(Tổ Quốc) - Việc "hoàn thành vượt tiến độ" 5.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Điên Biên chỉ trong chưa đầy 9 tháng cho thấy, với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, với tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, mục tiêu xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước nhất định sẽ sớm hoàn thành.
Cả nước vẫn còn khoảng 170.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo phải sống trong các căn nhà tạm, nhà dột nát
Tháng 4 vừa qua, tại Lễ phát động phong trào thi đua cả nước chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, 76 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948), đất nước ta đã và đang phát động nhiều phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, cổ vũ động viên Nhân dân cả nước, khơi dậy lòng yêu nước thương dân, ý chí tự lực, tự cường, huy động hiệu quả sức người, sức của, sức mạnh của Nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, gian khổ, làm nên thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Việt Nam đã trở thành một hình mẫu về xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, phát triển đất nước, khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh.
Tuy vậy, đến nay vẫn còn khoảng 170.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa thuộc đối tượng hỗ trợ, phải sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát, một bộ phận người dân còn thiếu hạ tầng thiết yếu, các dịch vụ xã hội cơ bản…
Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/1/2023, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng) "xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu".
Với quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, Thủ tướng tin tưởng Phong trào thi đua Cả nước chung tay "xoá nhà tạm, nhà dột nát" trên phạm vi cả nước với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cao đẹp sẽ nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân, toàn xã hội, doanh nghiệp và của toàn dân với tinh thần toàn dân, toàn diện, chung sức đồng lòng vì người nghèo.
Trong lời kêu gọi hưởng ứng phong trào thi đua cả nước chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên phạm vi cả nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: "Đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ, bồi đắp từ đời này qua đời khác. Tinh thần "lá lành đùm lá rách", "bầu ơi thương lấy bí cùng", "thương người như thể thương thân", đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ người nghèo, người gặp thiên tai, hoạn nạn đã trở thành nét đẹp văn hóa, là lẽ sống của mỗi người Việt Nam".
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, ưu tiên các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhiều nỗ lực, vận động, đóng góp ủng hộ giúp đỡ người nghèo, người yếu thế, người bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh...với tinh thần "Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Phong trào thi đua cả nước chung tay "Xóa nhà tạm, nhà dột nát", là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
"Phát huy tinh thần chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng ta phấn đấu hết năm 2025 cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu trong cả nước, thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; chào mừng 80 năm Ngày thành lập nước và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ.
Phát huy tối đa vai trò trung tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến, thành công của chương trình xây dựng 5.000 căn nhà đại đoàn kết ở Điện Biên là minh chứng rõ rệt cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Cả nước cùng chung tay để giúp người nghèo vượt qua khó khăn.
Mặt trận Tổ quốc với vai trò là trung tâm đoàn kết đã huy động nguồn lực của cả xã hội. "Sự hăng hái vào cuộc của các thành viên MTTQ Việt Nam ở tất cả các cấp, từ Trung ương đến địa phương là điều rất đáng quý, đáng trân trọng và ngợi ca", ông Lê Như Tiến nói.
Tuy nhiên, hiện nay cả nước vẫn còn nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo phải sống trong nhà tạm, nhà dột nát, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ mong muốn, từ thành công của chương trình xây dựng 5.000 căn nhà đại đoàn kết ở Điện Biên, phong trào xây dựng nhà đại đoàn kết trên phạm vi cả nước sẽ được triển khai hiệu quả hơn nữa. Mục tiêu xóa 170.000 nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước sẽ sớm hoàn thành.
Với kinh nghiệm làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp mạnh mẽ hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, góp phần cho nhiều hộ gia đình khó khăn khác trong cả có những mái ấm tốt đẹp hơn.
TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, thành công của chương trình xóa 5.000 nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ là tiền đề để chúng ta đẩy mạnh hơn nữa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Để phong trào được triển khai mạnh mẽ hơn nữa trên phạm vi cản nước, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, đây là chủ trương vận động dựa nhiều trên sự tự nguyện, vì vậy cần mở rộng tuyên truyền toàn diện hơn nữa để cả xã hội sẵn sàng chung tay.
Công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh, làm sao để tạo sự chuyến biến tích cực hơn nữa trong nhận thức từ chính quyền đến toàn bộ người dân, để người dân cùng chung tay với Nhà nước giải quyết nhà ở cho người khó khăn. Phát huy hơn nữa tình thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách"…
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, khi triển khai vận động ở cấp cơ sở, chính quyền cũng như MTTQ cấp cơ sở cần hết sức tránh có sự áp đặt, phải làm sao để phát huy hoàn toàn tinh thần tự nguyện của người dân, doanh nghiệp, tổ chức.
Bên cạnh đó, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở cần lưu ý vấn đề công bằng xã hội khi triển khai chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết.
"Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên". Chính vì vậy, khi triển khai chương trình, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát để công tác hỗ trợ khi triển khai sẽ được tiến hành theo thứ tự ưu tiên, tránh đi theo hàng ngang.
Phải căn cứ vào tiêu chí, đối tượng cụ thể, chẳng hạn như những gia đình có công với cách mạng, những gia đình đặc biệt khó khăn để có thứ tự ưu tiên cho phù hợp", ông Bùi Sỹ Lợi lưu ý.
Đặc biệt, theo ông Bùi Sỹ Lợi, khi triển khai hỗ trợ cũng không nhất thiết gia đình nào cũng được hỗ trợ số tiền như nhau mà phải căn cứ vào từng hoàn cảnh, từng điều kiện cụ thể để linh hoạt áp dụng mức hỗ trợ. Để nhà khó khăn nhiều sẽ được hỗ trợ nhiều, nhà ít khó khăn hơn sẽ có sự san sẻ.
"Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở phải dựa vào thôn bản, dòng tộc họ hàng của các hộ gia đình khó khăn để nắm rõ hoàn cảnh từng hộ gia đình, từ đó xác định mức hỗ trợ cho phù hợp. Như vậy sẽ đảm bảo sự công bằng khi hỗ trợ" ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Ông Nguyễn Túc – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cho rằng, để phát huy hơn nữa vai trò Mặt trận Tổ quốc trong triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, mỗi người cán bộ mặt trận ở các cấp cần phát huy tối đa phẩm chất, năng lực của mình. Phải luôn luôn giữ được tinh thần, sự nhiệt huyết, trách nhiệm đối với công việc.
Đặc biệt, phải không ngừng học tập, nâng cao kỹ năng để có những cách làm hay, sáng tạo trong triển khai công việc. Từ đó, phát huy vai trò nòng cốt, trung tâm trong vận động các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Tin tưởng rằng, với sự chung tay góp sức, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ: "Phong trào thi đua cả nước chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát" sẽ lan tỏa rộng khắp trong xã hội, cộng đồng và sẽ thành công tốt đẹp, đạt hiệu quả thực chất, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng"./.
>>> Bài 2: Những ngôi nhà của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân
>>> Bài 1: Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc