(Tổ Quốc) - Đây là con số vừa được Bộ Tư pháp đưa ra trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá hậu quả, tác hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật.
Hình minh họa: Nguồn Chính phủ |
Theo báo cáo này, trong số hơn 5.600 văn bản trái pháp luật, thì có tới trên 1.200 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; hơn 3.800 văn bản sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức kỹ thuật trình bày văn bản; gần 600 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.
Bộ Tư pháp nhận định, văn bản trái luật thường có tác động “tiêu cực đa chiều”, vừa làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vừa ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Chẳng hạn, một số văn bản quy định về thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền làm phát sinh chi phí về hồ sơ, giấy tờ, thời gian để thực hiện. Điều này có thể phát sinh phiền hà, phức tạp trong quá trình người dân đi làm thủ tục hành chính.
Một số văn bản có nội dung trái luật đưa vào thực thi gây thiệt hại về kinh tế, thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp lo ngại văn bản trái luật liên quan đến các cam kết quốc tế sẽ gây phản ứng của đối tác nước ngoài và có thể dẫn đến các vụ kiện cơ quan Nhà nước Việt Nam, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của Việt Nam.
Trước tình trạng trên, Bộ Tư pháp đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó hoàn thiện cơ chế xử lý văn bản trái pháp luật nhanh chóng, triệt để. “Nghiên cứu, đề xuất cơ chế trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật”, Bộ này kiến nghị./.
Vi Phong (T/h)