• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hỗn loạn chính trị sau canh bạc Brexit

Thế giới 24/06/2016 21:51

(Tổ Quốc)- Người Anh đã quyết định rời khỏi EU, buộc Thủ tướng David Cameron từ chức và là một đòn giáng mạnh mẽ vào EU.

(Tổ Quốc)- Người Anh đã quyết định rời khỏi EU, buộc Thủ tướng David Cameron từ chức và là một đòn giáng mạnh mẽ vào EU.



>>Kinh tế toàn cầu chấn động khi Anh rời EU

>>Kết quả chung cuộc Brexit: Anh quyết rời EU



Trong bài phát biểu sau khi công bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý, ông Cameron – người ủng hộ mạnh mẽ việc Anh ở lại EU cho biết sẽ từ chức thủ tướng vào tháng 10 tới.



Ông Cameron phát biểu từ chức trước văn phòng tại số 10 phố Downing- đánh dấu sự thất bại của ông trong canh bạc Brexit. (Nguồn: Reuters)

Bài phát biểu của ông Cameron đã được truyền hình trực tiếp tới mọi người dân trên toàn nước Anh. "Người Anh đã có quyết định rõ ràng để đi theo một con đường khác và tôi nghĩ rằng quốc gia đòi hỏi phải có người lãnh đạo mới để đưa đất nước phát triển theo hướng này". Tôi nghĩ vị tân Thủ tướng sẽ quyết định khi nào kích hoạch Điều 50 trong Nghị định thư Lisbon (quy định việc thành viên rời khỏi EU) và bắt đầu quy trình rời khối".

Anh bộc lộ sự chia rẽ

Về mặt chính trị, sự thống nhất của khối liên hiệp Anh có thể bị phá vỡ khi các nhà lãnh đạo ở Scotland - nơi gần hai phần ba số cử tri muốn ở lại trong EU -đang kêu gọi một cuộc bỏ phiếu mới về sự độc lập. Năm 2014, cử tri Scotland đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý về câu hỏi ra đi hay ở lại khối Liên hiệp Anh và lúc đó câu trả lời đã nghiêng về phe ở lại.

Trong nội bộ chính trường Anh, khi ông Cameron từ chức, đối thủ cùng Đảng Bảo thủ cầm quyền là  cựu Thị trưởng London Boris Johnson đang trở thành gương mặt tiềm năng nhất cho chiếc ghế Thủ tướng Anh. Trọng trách của Thủ tướng Anh tương lai cũng không hề nhẹ nhàng khi cuộc bỏ phiếu trên chỉ là sự mở đầu cho tiến trình ra khỏi EU của Anh. Theo Reuters, quá trình đàm phán, hoàn tất các thủ tục có thể kéo dài đến 2 năm.

Xã hội Anh cũng đang thể hiện sự chia rẽ khi lực lượng ủng hộ Brexit đã cảm thấy bị bỏ lại phía sau những thành tựu toàn cầu hóa và tin rằng họ không đạt được lợi ích gì từ sự đa dạng sắc tộc của nước Anh và nền kinh tế thị trường tự do.

Đồng thời, theo các cuộc thăm dò, khi chia theo lứa tuổi, những cử tri lớn tuổi ủng hộ Brexit trong khi những người trẻ muốn Anh ở lại EU.

EU cần vượt lên thách thức

Trước cuộc trưng cầu dân ý, các nhà lãnh đạo thế giới trong đó có Tổng thống Mỹ Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Đức Angela Merkel, NATO và các chính phủ Khối thịnh vượng chung đã tuyên bố ủng hộ việc Anh ở lại EU, cho rằng nước Anh sẽ mạnh mẽ và ảnh hưởng rộng hơn nếu ở trong EU.

Và sự ra đi của nền kinh tế thứ 5 thế giới với sức mạnh quân sự và tiếng nói đáng kể sẽ khiến EU sẽ bị ảnh hưởng lớn về sức mạnh kinh tế và chính trị, bao gồm cả thế mạnh về kinh tế cũng như sức nặng của một phiếu phủ quyết trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và năng lực quân sự.

EU dự tính sẽ mất khoảng 1/6 sản lượng kinh tế trong khi đối mặt với cuộc khủng hoảng khi các nhà lãnh đạo dân túy của Pháp và Hà Lan cũng đang kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý để rời khỏi EU.

Lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Pháp Marine Le Pen tuyên bố đây là "chiến thắng cho sự tự do!" Còn nhà lãnh đạo cựu hữu Hà Lan Geert Wilders cho biết: "Chúng tôi muốn được lãnh đạo đất nước riêng của chúng tôi, tiền bạc của riêng của chúng tôi, biên giới của chúng tôi, và chính sách nhập cư của chúng ta."

Bộ Ngoại giao Ba Lan đã cho biết rằng quyết định của Anh là một "tín hiệu cảnh báo" đối với sự ảo tưởng về hội nhập châu Âu và kêu gọi EU cải cách để chặn bất kỳ sự chia rẽ nào trong tương lai.

Trong một tuyên bố ngày 24/6 sau khi quyết định của người Anh đã chính thức được công bố, Bộ này cho biết điều bắt buộc là chúng ta phải cải cách EU bằng cách diệt trừ thói quan liêu, tăng tính dân chủ hợp pháp trong các quyết định, và thích nghi tốt hơn với những thách thức mới ".

Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo vẫn hết sức lạc quan vào tương lai của châu Âu. Thủ tướng Czech Bohuslav Sobotka nói quyết định của người dân Anh rời khỏi EU "không phải là kết thúc của thế giới và không phải là điểm cuối của Liên minh châu Âu." Ông Sobotka nói Anh đã quyết định để có "một con đường khác với sự hội nhập vào châu Âu và quyết định này là nghiêm trọng và không thể đảo ngược."

Trong khi đó Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas cho biết trong một tuyên bố rằng "đây là ngày thứ sáu đen tối của châu Âu." Ông nói thêm "chúng tôi tôn trọng quyết định theo đa số hẹp của người Anh" và “có một điều rõ ràng rằng: chúng tôi sẽ chiến đấu vì châu Âu." Người châu Âu phải đoàn kết vì "lý tưởng của nền hòa bình, tự do và công lý."

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho biết EU sẽ tổ chức một phiên họp khẩn cấp vào tuần tới sau quyết định trên của Anh. Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết khối đang quyết tâm giữ gìn sự đoàn kết của 27 quốc gia và sẽ không có bất kì sự ra đi nào nữa. Phát biểu tại Brussels ngày 24/6, ôngTusk nói rằng ông tin tưởng vào tương lai của EU và "những gì không giết chết bạn sẽ làm cho bạn mạnh mẽ hơn."

An Bình (Theo AP/ Reuters)

NỔI BẬT TRANG CHỦ