• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hợp đồng tên lửa S-400: Ấn Độ “rắn” với Nga, giữ thế với Mỹ?

Thế giới 08/10/2018 11:55

Việc Ấn Độ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, gần như chắc chắc không khiến quan hệ của nước này với Mỹ bị xói mòn.

Theo điều khoản 231 của Bộ Luật Chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng cho bất kỳ quốc gia nào ký kết hiệp định với một quốc gia được cho là thù hằn với lợi ích của nước Mỹ.

Ấn Độ đã gây bất ngờ khi ký kết thành công hợp đồng trị giá 5,3 tỷ USD mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, cùng lúc nỗ lực đảm bảo sẽ không phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.

Trong nhiều tháng qua, giới chức Ấn Độ đã làm việc với các đối tác tại Washington để cố gắng có được chấp thuận miễn trừng phạt của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Tờ Asia Times dẫn một số nguồn tin ngoại giao Ấn Độ cho biết, trong khuôn khổ chuyến công du của Tổng thống Vladimir Putin tới New Delhi, Nga yêu cầu thoả thuận S-400 phải được ký kết trước các hiệp định song phương khác giữa hai bên. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh quan hệ Ấn Độ - Mỹ, sự chú ý của dư luận tới hợp đồng S-400 có vẻ như đã được giữ ở mức tối thiểu nhất.

“Chúng tôi không nêu lý do cụ thể là do người Mỹ, nhưng luôn kiên quyết với lập trường rằng, chúng tôi sẽ ký kết thoả thuận, nhưng nó không được đưa lên đầu [tuyên bố chung Ấn Độ – Nga]”, một quan chức cấp cao giấu tên nói.

Tuyên bố chung Ấn Độ – Nga ghi lại, hai nước “hoan nghênh việc ký kết hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa tầm xa đất đối không S-400 cho Ấn Độ”, và bày tỏ sự “hài lòng” về tiến trình của các dự án quân sự khác, như mua vũ khí hạng nhỏ, xe tăng và phương tiện chuyên chở bọc thép…

Hợp đồng tên lửa S-400: Ấn Độ “rắn” với Nga, giữ thế với Mỹ? - Ảnh 1.

Ấn Độ và Nga đã chính thức ký kết hợp đồng mua bán hệ thống tên lửa S-400 (ảnh: getty)

Trong nhiều thập kỷ, Nga là nhà cung cấp thiết bị quân sự hàng đầu của Ấn Độ. Các thoả thuận quân sự với Mỹ vẫn khá giới hạn và bao gồm các sản phẩm công nghệ thấp, như máy bay vận chuyển, súng trường, radar định vị vũ khí…

Hiện Ấn Độ đang thảo luận về khả năng mua Hệ thống Tên lửa quốc gia tối tân đất đối không (NASAMS) của Mỹ. “Việc miễn trừng phạt theo điều khoản 231 CAATSA sẽ được cân nhắc dựa trên nguyên tắc từng giao dịch một. Chúng tôi không thể nhận định trước về bất kỳ quyết định trừng phạt nào”, phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại New Delhi cho biết.

Nhiều thập kỷ trở lại đây, Ấn Độ phải định hình một thế giới hai cực – lúc nóng, lúc lạnh trong quan hệ với Mỹ; cùng thời điểm, New Delhi cũng cần duy trì mối quan hệ chiến lược với Nga. Bối cảnh của thoả thuận S-400 phần nào cho thấy cách mọi việc sẽ diễn ra trong tương lai gần.

“Những năm 1950, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru từng tới Mỹ để tìm kiếm công nghệ xây dựng các nhà máy thép. Họ kiên quyết chỉ trao nó cho lĩnh vực tư nhân. Ông Nehru quay sang Liên Xô và ngay lập tức nhận được công nghệ này,” một cựu quan chức cấp cao nói với Asia Times. “Nó chứng tỏ mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Mỹ, liên quan tới Nga đã được định hình qua các thập kỷ kể từ khi Ấn Độ tuyên bố độc lập”.

Đúng một tháng trước, Ấn Độ đã ký kết Hiệp định Tương hợp truyền thông và an ninh (COMCASA) với Mỹ, trong đối thoại 2+2 giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis với hai người đồng cấp Ấn Độ là Sushma Swaraj và Nirmala Sitharaman.

Văn kiện trên cùng với Biên bản ghi nhớ Trao đổi hậu cần (LEMOA) – là hai trong số “các thoả thuận nền tảng” mà New Delhi đã ký với Washington.

Theo các nhà ngoại giao Mỹ, “các thoả thuận nền tảng” này là cần thiết để một liên minh quân sự có thể hình thành trong tương lai. “Một liên minh như vậy rất xa vời, nhưng nếu không có các thoả thuận, thì thậm chí cả khả năng cũng không tồn tại. Chúng tôi công nhận chính sách ngoại giao độc lập và sự miễn cưỡng gia nhập bất kỳ liên minh quân sự nào của Ấn Độ, nhưng các hiệp định như vậy giúp ích rất nhiều”, một nhà ngoại giao Mỹ đánh giá với Asia Times.

“Mỹ phải hiểu Ấn Độ đang theo đuổi các lợi ích của mình trong vai trò một đối tác chiến lược. Trong quan hệ đối tác chiến lược, quan trọng là cả hai bên tôn trọng những nhạy cảm của nhau. Ấn Độ nắm được nhu cầu của Mỹ liên quan tới Pakistan, và họ nên thừa nhận mong muốn của Ấn Độ với các đối tác chiến lược khác”, Vivek Katju, một cựu Bộ trưởng trong chính phủ Ấn Độ phân tích.

Sau các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Ấn Độ vào tháng 5/1998, quan hệ Ấn – Mỹ có phần tụt dốc. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận bí mật giữa hai ngoại trưởng Jaswant Singh và Strobe Talbot đã mở ra một kỷ nguyên mới, kéo dài và tiếp tục phát triển cho tới nay. Theo giới phân tích, điều này gần như chắc chắn sẽ không thay đổi, và thậm chí có thể mang lại cho Ấn Độ khả năng được nhập khẩu dầu mỏ từ Iran.

Hệ thống phòng thủ trên không “khủng” nhất

Tướng không quân nghỉ hưu PK Chakrovorty cho rằng, S-400 là hệ thống phòng thủ trên không tốt nhất cho Ấn Độ.

“Người Mỹ còn chả đề nghị cung cấp Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cho Nhật Bản, một trong những đồng minh thân cận nhất. Vậy tại sao họ lại đưa nó cho Ấn Độ? Tương tự đối với trường hợp của hệ thống Patriot. Đó là lý do S-400 là tốt nhất,” ông Chakrovorty nói.

Hệ thống của Nga có tầm bắn vào khoản 400km, lớn nhiều so với tầm hoạt động 180km của THAAD.

Vị tướng nghỉ hưu chỉ ra: “S-400 có thể chậm hơn ở tốc độ Mach 5,9 so với tốc độ Mach 8,1 của THAAD. Tuy nhiên, nó có 3 radar – một radar tìm kiếm, một radar theo dõi và một radar ngay trên tên lửa. Điều đó giúp mở rộng khả năng bắn trung một mục tiêu đang di chuyển ở tốc độ cao với độ chính xác ngoài mong đợi”.

Bên cạnh đó, việc S-400 sẽ được kết hợp với hệ thống NASAMS của Mỹ, cũng là một yếu tố tích cực nhìn từ góc độ chiến lược. “S-400 còn có thể đối phó với cả máy bay tàng hình”, ông Chakrovorty cho biết thêm.

Trong quá khứ, Ấn Độ từng thuê các tàu ngầm hạt nhân của Nga theo thời hạn dài. Kể từ những năm 1980, các hợp đồng thuê như vậy đã góp phần giúp Ấn Độ chế tạo tàu ngầm hạt nhân của riêng mình. Và mặc dù gần đây New Delhi đã huỷ bỏ kế hoạch cùng phát triển [với Nga] máy bay thế hệ thứ năm, gần như chắc chắn quan hệ Ấn – Nga sẽ không bị xói mòn, ngay cả khi Moscow đang tiến gần hơn về phía Trung Quốc.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ