• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hợp nhất ba văn phòng ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh: Các đại biểu Quốc hội chia sẻ quan điểm

Thời sự 11/09/2018 09:56

(Tổ Quốc) - Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, góp phần tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tổ chức văn phòng gọn nhẹ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ của văn phòng.

Việc thực hiện Kế hoạch số 735-KH/ĐĐQH14 của Đảng đoàn Quốc hội về việc xây dựng Đề án “Thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung” được xem là hành động cụ thể của Văn phòng Quốc hội với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo nhằm tích cực, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Việc hợp nhất sẽ góp phần tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công vụ, công chức và cải cách chính sách tiền lương, đồng thời có khả năng thu hút được cán bộ giỏi về chuyên môn, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. 

Dưới đây là quan điểm của các đại biểu Quốc hội:

ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An):

ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (Ảnh tư liệu: Nam Nguyễn)

"Hợp nhất ba văn phòng ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh là thực hiện đúng Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Về tên gọi, do đây là ba cơ quan hợp nhất nên cần một tên gọi phản ánh đúng nhiệm vụ của cả ba cơ quan. Tên của cơ quan sau khi được hợp nhất có thể là: Văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh... hoặc nếu rút gọn hơn thì có thể gọi là: Văn phòng đoàn ĐBQH và chính quyền địa phương tỉnh…

Về tổ chức bộ máy, gồm có lãnh đạo văn phòng và các phòng chuyên môn giúp việc cho cả 3 lĩnh vực: văn phòng ĐBQH, HĐND, UBND. Ngoài ra, cần một phòng quản lý chung về các lĩnh vực: quản trị, hành chính, tài vụ.

Các lãnh đạo gồm có: một chánh văn phòng phụ trách, quản lý chung; một phó chánh văn phòng phụ trách mảng QH, một phó chánh văn phòng phụ trách mảng HĐND, một phó chánh văn phòng phụ trách mảng UBND và một phó chánh văn phòng phụ trách mảng tổ chức quản trị hành chính, tài vụ.

Đồng thời, việc hợp nhất ba cơ quan nói trên cần có những quy định cụ thể trong việc tham mưu các lĩnh vực hoạt động để phát huy được hiệu quả và tránh được tình trạng một cơ quan vừa tham mưu các hoạt động triển khai thực hiện nhiệm vụ vừa tham mưu tổ chức giám sát".

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre):

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Ảnh tư liệu: Nam Nguyễn)

"Tôi cho rằng, việc hợp nhất ba văn phòng ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh là đúng. Việc này cũng nhằm thực hiện đúng Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hợp nhất ba cơ quan trên thành một sẽ tận dụng được nguồn lực của nhau, thậm chí sẽ tinh giản được biên chế.

Về tổ chức bộ máy, Chánh văn phòng sẽ là người đứng đầu và các phó chánh văn phòng giúp việc cho từng mảng khác nhau.

Trước một số ý kiến e ngại sự hợp nhất này sẽ khiến chánh văn phòng quá tải công việc nhưng tôi cho rằng không quá tải bởi đã có các phó chánh văn phòng giúp việc và hỗ trợ các mảng khác nhau như: văn phòng ĐBQH, HĐND, UBND… Một bộ trưởng có rất nhiều công việc mà vẫn giải quyết được đấy thôi!

Tôi cho rằng, không có việc gì là dễ dàng cả. Thực hiện công tác tinh gọn bộ máy cũng không dễ, nhưng chúng ta vẫn phải làm, để làm sao có một bộ máy Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng):

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy  (Ảnh tư liệu: Nam Nguyễn)

"Việc hợp nhất ba văn phòng ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh là chủ trương nên chúng ta đều phải chấp hành. Dù vậy, tôi cho rằng, quan trọng là vấn đề con người, là phương pháp thực hiện. Cần làm thế nào để phân công, phân nhiệm thật chất lượng và hiệu quả.

Ngoài Chánh văn phòng, trước mắt giữ nguyên số lượng phó chánh văn phòng - tổng số như vậy tôi cho là phù hợp. Sau này sẽ có phó chánh văn phòng về hưu, khi đó sẽ không bổ nhiệm mới.  

Đối với vai trò của Chánh văn phòng, đây phải là người chịu trách nhiệm về mọi việc, phải kiểm tra giám sát.  

Với khối lượng công việc sau hợp nhất, Chánh văn phòng phải nắm khái quát, phải biết phân công các phó chánh văn phòng như thế nào cho phù hợp với từng mảng để phát huy hiệu quả tối ưu nhất.

Tôi cho rằng, việc sáp nhập là cần thiết, phù hợp. Mới đầu mọi việc đều khó nhưng phải có niềm tin, mọi việc sẽ “đâu vào đó” và sẽ ổn định".

Hà Giang

 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ