• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hợp tác xã không phải tập hợp nhóm lợi ích hay công ty cổ phần

Kinh tế 28/11/2018 15:50

(Tổ Quốc) - Để giải quyết 2 nút thắt “chi phí cao”, “chất lượng kém” của nông sản Việt Nam từ thực tiễn của Đồng Tháp, Bí thư tỉnh uỷ Lê Minh Hoan đưa ra 2 giải pháp là phát triển hợp tác xã kiểu mới, có liên kết với doanh nghiệp.

Hợp tác xã không phải tập hợp nhóm lợi ích hay công ty cổ phần - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu - Ảnh: Thành Chung

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông) diễn ra vào sáng 27/11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trong đánh giá của mình đã cho rằng Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với 5 sản phẩm chủ lực, đi đầu phát triển DN trong nông nghiệp và là nơi đầu tiên của cả nước mà nông dân thể hiện sự thích nghi nhạy bén với công nghệ để thương mại hoá sản phẩm.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26, tỉnh Đồng Tháp đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Tính đến năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản theo giá so sánh năm 2010 đạt 40.602 tỷ đồng (tăng 12.376 tỷ đồng so với năm 2008, đạt mức tăng trưởng bình quân 4,2%/năm). Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt trên 34 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so năm 2008. Đó là thu nhập bình quân đầu người theo thống kê, còn thu nhập thực tế cao hơn nhờ nông dân giảm chi phí sản xuất và hoạt động của các ngành nghề phi nông nghiệp.

Có được kết quả hiện nay, Bí thư tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng là nhờ thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng tại Nghị quyết số 26, góp phần làm chuyển mình nền nông nghiệp, làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, tiếp cận với các tiện ích hiện đại, vai trò chủ thể của người nông dân ngày càng được khẳng định, chất lượng sống của người dân khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện rõ rệt.

"Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước"; "Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trước hết, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân", ông Hoan nhấn mạnh định hướng lớn của Nghị quyết số 26 mang tầm chiến lược không chỉ cho 10 năm qua mà sẽ còn cho nhiều năm sau.

Trong định hướng chung đó, Bí thư tỉnh uỷ Lê Minh Hoan cho rằng cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam ngay ở thị trường trong nước và đặc biệt là quốc tế.

Nông sản cạnh tranh kém vì chi phí sản xuất cao dẫn đến giá thành cao, chất lượng không đồng đều, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Giải pháp tháo gỡ 2 nút thắt "chi phí cao" và "chất lượng kém" sẽ không thể làm được nếu vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát thể hiện ở việc duy trì kinh tế hộ gia đình.

"Sản xuất nhỏ thì chi phí cao. Sản xuất tự phát thì sẽ không tuân thủ một quy trình chung để bảo đảm chất lượng, độ đồng đều cho nông sản. Sản xuất riêng lẻ thì ngay người sản xuất cũng sẽ tự cạnh tranh với nhau. Cạnh tranh với nhau thì người sản xuất muốn mua trước, mà để được mua trước thì phải mua giá cao hơn. Cạnh tranh với nhau thì người sản xuất muốn bán trước, mà để được bán trước thì phải bán giá thấp hơn. Vậy là, thiệt cả 2 đầu: mua và bán. Để cạnh tranh, người nông dân có thể cắt giảm quy trình canh tác để giảm chi phí, có thể dùng những hoá chất độc hại để nông sản được lớn hơn, đẹp hơn", ông Hoan mô tả "con đường" khiến nông sản kém sức hút và nhấn mạnh đây là "điểm liệt" trên thị trường, làm cho nền nông nghiệp thiếu bền vững.

Do đó, Bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp nêu rõ HTX kiểu mới là cứu cánh duy nhất giúp tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, doanh nghiệp và cả nền nông nghiệp. Nguyên lý của kinh tế hợp tác là tận dụng sức mạnh khi "mua chung, bán chung". "Mua chung" là mua sỉ, mua sỉ thì giá rẻ, mua được tận gốc, tránh được hàng gian, giả, kém chất lượng. "Bán chung" thì nhờ vào sức mạnh số đông để đàm phán với mức giá tốt nhất.

Tuy nhiên, HTX kiểu mới chưa phát triển tương xứng ở Việt Nam vì ông Hoan cho rằng lòng tin của người nông dân và đây đó chưa hiểu đúng, đầy đủ bản chất của hợp tác xã.

"Muốn tạo dựng lòng tin trong nông dân cần phải có một không gian cộng đồng để người dân đến với nhau, chia sẻ với nhau, bớt đi sự đố kỵ, hẹp hòi vì những va đập trong cuộc sống. Để làm bệ đỡ cho những mô hình HTX hiệu quả, Đồng Tháp đã lập nên không gian cộng đồng "Hội quán nông dân". Hợp tác với nhau trong cuộc sống sẽ làm tiền đề cho hợp tác trong sản xuất", ông Hoan chia sẻ.

Đến nay, toàn Tỉnh có 129 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, 949 tổ hợp tác và 58 trang trại đang được củng cố và thành lập mới. Với giá trị riêng có, HTX hiệu quả sẽ không phải là lợi ích nhóm hay núp bóng một công ty cổ phần, chỉ hướng tới giá trị vật chất.

Cũng thông qua mô hình Hội quán, người nông dân đã được hướng dẫn tiếp cận quy trình sản xuất sạch, nông nghiệp có trách nhiệm, nông nghiệp thông minh. Các mô hình "Cây xoài nhà tôi", "Cây cam vườn tôi", "Ruộng nhà mình" đặt nền móng cho thương mại điện tử, nối kết nông sản ra thị trường bằng công nghệ số. Ngoài ra, bà con còn được hỗ trợ làm du lịch cộng đồng, các hoạt động khởi nghiệp trên lĩnh vực bảo quản, chế biến, đóng gói bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu làm đa dạng hoá sản phẩm.

Dừng lại ở HTX chưa đủ, Bí thư tỉnh Đồng Tháp cho biết địa phương này đã xác định vai trò quan trọng dẫn dắt thị trường của cộng đồng doanh nghiệp đối với sản xuất nông nghiệp, nhằm chuyển hướng từ tư duy sản xuất nông nghiệp (coi trọng năng suất, sản lượng) sang tư duy kinh tế nông nghiệp (coi trọng giá trị sản phẩm). Ông Hoan cũng bày tỏ: "Cần thay đổi tư duy trong hỗ trợ doanh nghiệp. Đừng nói chỉ có hỗ trợ, làm giàu cho doanh nghiệp mà phải nghĩ rằng hỗ trợ cho doanh nghiệp là hỗ trợ cho người nông dân bằng các cơ chế, chính sách và năng lực thực thi đúng đắn".

Để góp phần thực hiện thành công hơn Nghị quyết số 26, ông Lê Minh Hoan kiến nghị Chính phủ cần có một Nghị định riêng về Hợp tác xã nông nghiệp để khối này có đủ nguồn lực và sức mạnh dẫn dắt kinh tế hộ.

Để chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp", cần phải có nhiều cơ chế, chính sách song hành. Đặc biệt là hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng để đẩy mạnh hoạt động sản xuất theo chuỗi ngành hàng, trong đó, tiếp cận công nghệ bảo quản, chế biến nông sản.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ