(Tổ Quốc) - Thành công của người khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã cho thấy những hạn chế trong các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Paul Trilio, chuyên gia về địa công nghệ tại tổ chức tham vấn Eurasia Group từng nhận định việc Washington áp đặt lệnh cấm toàn cầu đối với việc bán chip bán dẫn và công nghệ nhạy cảm từ Mỹ cho Huawei hai năm trước là "đòn chí mạng đối với công ty công nghệ quan trọng nhất của Trung Quốc".
Bất chấp những dự báo này, kết quả tài chính năm 2021 của Huawei được công bố vào cuối tháng 3 cho thấy mọi sự không diễn ra như vậy.
Bị hạn chế từ lệnh cấm trên, cũng như những "thách thức về tính liên tục của nguồn cung" và nhu cầu 5G (công nghệ viễn thông thế hệ thứ năm) dần chậm lại ở Trung Quốc, lợi nhuận ròng của Huawei đã tăng từ 64,6 tỷ NDT vào năm 2020 lên mức kỷ lục 113,7 tỷ NDT (17,22 tỷ USD) vào năm 2021, theo báo cáo do Huawei công bố. Là một bước nhảy đáng chú ý, công ty này cho rằng lợi nhuận thu được là do đầu tư vào đổi mới, cải tiến hiệu quả hoạt động và tái cân bằng các dòng sản phẩm để tập trung vào các mảng kinh doanh có lợi nhuận cao hơn mà không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.
Vị trí hàng đầu về cơ sở hạ tầng 5G
Theo Asia Times, trọng tâm của lệnh cấm chip trên là hoạt động kinh doanh các trạm phát 5G của Huawei – hệ thống Mỹ cho rằng gây ra rủi ro an ninh quốc gia cho họ. Mỹ đã thuyết phục nhiều đồng minh của mình làm theo và cấm thiết bị Huawei trong mạng lưới phát sóng 5G của các quốc gia này.
Khi Giám đốc tài chính Huawei Meng Wanzhou bị bắt tạm giam tại Canada theo yêu cầu của các quan chức Mỹ vào tháng 12 năm 2018, cùng thời điểm Mỹ đang nỗ lực thuyết phục Canada cấm thiết bị 5G của Huawei, Financial Times nhận định rằng vụ bắt giữ này có thể được hiểu là Mỹ "sử dụng sức mạnh để theo đuổi các mục tiêu chính trị và kinh tế hơn là thực thi pháp luật một cách thẳng thắn." Bà Meng đã được thả vào tháng 9 năm ngoái.
Nếu lệnh cấm chip là nhằm làm tê liệt khả năng cạnh tranh của Huawei trong thị trường cơ sở hạ tầng 5G, thì cho đến nay, mục tiêu này chưa đạt được. Huawei vẫn chiếm vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng thị phần mạng 5G của tập đoàn Dell'Oro. Theo đó, Huawei chiếm tới 28,7% thị phần toàn cầu vào năm 2021, gần bằng thị phần kết hợp của Ericsson và Nokia, hai đối thủ cạnh tranh gần nhất.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích trong ngành dự đoán rằng Huawei sẽ phải đối mặt với những sóng gió ngày càng tăng trong tương lai khi thị phần trên thị trường trạm phát 5G toàn cầu của họ đã đạt đỉnh vào quý đầu tiên của năm 2020 và sụt giảm rõ rệt cho đến giữa năm 2021. Thêm vào đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy thị phần bên ngoài Trung Quốc của họ sẽ sụt giảm đáng kể hơn nữa khi nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu dự kiến sẽ tham gia lệnh cấm của Mỹ đối với các thiết bị 5G của Huawei.
Dù vậy, cái giá để hạn chế Huawei cũng đang tăng lên. Năm nay, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) báo cáo rằng chi phí ước tính cho việc hủy bỏ và thay thế thiết bị Huawei và ZTE ở Mỹ đã tăng từ 1,8 tỷ USD lên 5,6 tỷ USD.
Lệnh cấm trên cũng đang ảnh hưởng đến phạm vi phủ sóng mạng Internet ở vùng nông thôn Mỹ, nơi thiết bị mạng Trung Quốc chiếm 25% thị phần. Vương quốc Anh và EU ngày càng đối mặt nhiều sức ép khi chậm trễ từ bỏ các thiết bị của Huawei, cũng vì những lý do tương tự.
Vào tháng 6 năm ngoái, Viện Phát triển Hải ngoại (ODI) cũng lưu ý rằng Huawei có thể tận dụng lợi thế giá rẻ và giúp hỗ trợ các khoản vay chính sách từ các ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc để đánh bại sự cạnh tranh ở nhiều thị trường mới nổi. Chẳng hạn như Huawei và ZTE chiếm tới 60% doanh số bán thiết bị không dây ở Châu Phi và Trung Đông. Các nhà phân tích khác cũng nhận thấy rằng các nền kinh tế đang phát triển tiếp tục hoan nghênh sự hiện diện của Huawei.
Như vậy, mặc dù lệnh cấm chip vẫn ảnh hưởng phần nào đến hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng 5G của Huawei, nhưng các thiết bị của trạm phát sóng 5G cần ít chất bán dẫn hơn điện thoại thông minh và công ty này có thể dự trữ đủ linh kiện sản xuất trong một thời gian ngắn.
Hạn chế của các biện pháp trừng phạt
Mặc dù các động thái của Mỹ có thể ngăn các nước phát triển tiếp cận sản phẩm 5G của Huawei, nhưng lệnh cấm này vẫn để ngỏ các thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao nhất trong tương lai ở đại đa số các quốc gia trên thế giới không có chung mối lo ngại về an ninh mạng do Mỹ nêu ra.
Hơn nữa, nhiều quốc gia trong số đó coi các biện pháp trừng phạt tài chính chưa từng có do phương Tây áp đặt lên Nga với sự cảnh giác ngày càng tăng, thúc đẩy xu hướng phi đô la hóa cũng ngày càng tăng để phòng ngừa trường hợp họ vượt qua bất kỳ ranh giới đỏ có chủ ý nào do Mỹ thiết lập. Bối cảnh này có thể khiến Mỹ ngày càng khó thuyết phục các nước kém phát triển hơn tham gia lệnh cấm 5G của Huawei.
Với kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2021, Huawei hiện đã chứng minh rằng chiến lược kinh doanh và đổi mới kỹ thuật của họ có thể là một mũi nhọn đối phó được các biện pháp trừng phạt. Công ty này đang muốn cho thấy rằng họ không chỉ có thể tiếp tục tồn tại trước tác động ngắn hạn của các biện pháp trừng phạt mà còn cả đảm bảo được vị thế phát triển mạnh trong trung và dài hạn khi các động lực thị trường trở nên có lợi hơn cho họ.