(Tổ Quốc) - Trong những năm qua, nền kinh tế thể thao Việt Nam đã có những bước phát triển khởi sắc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, hoạt động kinh tế thể thao ở nước ta chưa thực sự sôi động, và còn đang ở dạng tiềm năng, chờ đợi những cơ hội đầu tư, khai phá nếu có chính sách kinh tế phù hợp. Báo điện tử Tổ Quốc thực hiện tuyến bài viết về nội dung này.
- 10.08.2022 Vì sao chưa thực hiện cá cược thể thao?
Kinh tế thể thao là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân, là một lĩnh vực kinh doanh giống như mọi ngành kinh doanh trên thị trường; cung cấp hàng hóa, dịch vụ thể dục thể thao (TDTT) cho nhu cầu xã hội để thu hoặc không thu lợi nhuận. Trong nền kinh tế thị trường, kinh tế thể thao hiện hữu với tư cách là một ngành công nghiệp được gọi là công nghiệp thể thao (Sport industry).
Kinh tế thể thao Việt Nam sở hữu tiền đề mạnh mẽ
Trong những năm qua, việc phát triển nền kinh tế thể thao định hướng xã hội chủ nghĩa luôn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam thể hiện thông qua nhiều chinh sách, quy định như Nghị quyết 08 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020; Nghị định 36/2019 quy định chi tiết một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thể dục, thể thao; Nghị định 06 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế…
Những định hướng rõ ràng, nhất quán của Đảng, Nhà nước đã tạo tiền đề đưa thể thao Việt Nam những năm gần đây ngày càng khởi sắc. Ngành thể thao nước nhà đã có nhiều thay đổi và cách làm hay để thúc đẩy xã hội hóa thể thao, từng bước huy động được sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội để thể thao phát triển và giành vinh quang, từ châu lục đến cả Olympic.
Trong đó, đáng chú ý là kỳ SEA Games 31 thăng hoa, vượt qua nghịch cảnh và nỗi lo sợ đại dịch Covid-19 để vươn tới những thành công rực rỡ, một kỳ đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX nhiều đột phá. Gần đây nhất đoàn thể thao Việt Nam lần đầu tiên xếp nhất toàn đoàn với 136 tấm HCV ở kỳ SEA Games tổ chức tại quốc gia khác (Campuchia 2023).
"Chính sách xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa của Đảng và Nhà nước đã thực sự thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của kinh tế thể thao cho đến nay. Phát triển kinh tế thể thao được đánh dấu bằng chủ trương, phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ hàng hóa thể thao phong phú, lành mạnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 9 của Đảng" - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ xã hội - Ban Kinh tế Trung ương khẳng định.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, việc phát triển kinh tế thể thao sẽ mang lại doanh thu cho các doanh nghiệp, thu nhập và việc làm cho các cá nhân và hộ gia đình, có đóng góp thuế vào ngân sách Nhà nước.
Phát triển kinh tế thể thao không chỉ mang lại lợi ích cho ngành thể thao mà còn mang lại lợi ích, kích thích sự phát triển cho các ngành khách như du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lim Song, Chủ tịch công ty VSP, nhà đầu tư kinh doanh thể thao tại Việt Nam cho rằng, thể thao không chỉ là dịch vụ công mà là ngành kinh doanh rất tiềm năng, đồng thời khẳng định, Việt Nam có tiềm năng để phát triển kinh tế thể thao.
Lấy ví dụ về các chính sách của Hàn Quốc, ông Lim Song cho biết, sau kỳ Đại hội Olympic 1988, Hàn Quốc đã có sự nhìn nhận khác về thể thao và coi đây không chỉ là dịch vụ công mà còn là một trụ cột phát triển kinh tế chiến lược của quốc gia.
"Từ đó chính phủ Hàn Quốc xây dựng các chính sách để hỗ trợ tư duy phát triển này như: khuyến khích thể thao, thành lập các tổ chức, quỹ phát triển thể thao… Năm 2020 nền kinh tế thể thao của Hàn Quốc đã đạt 64 tỉ đô la Mỹ. Mới đây Hàn Quốc thông báo tăng con số này lên 75 tỉ đô la Mỹ vào năm 2027" – ông Lim Song nói.
Gỡ bỏ "nút thắt" trong cơ chế chính sách
Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong những năm qua, nền kinh tế thể thao Việt Nam đã có những bước phát triển khởi sắc, được Đảng và Nhà nước, nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, hoạt động kinh tế thể thao ở nước ta chưa thực sự sôi động, và còn đang ở dạng tiềm năng, chờ đợi những cơ hội đầu tư, khai phá nếu có chính sách kinh tế phù hợp.
Nhận định về vấn đề này, ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho rằng, hiện kinh tế thể thao đang còn một số "nút thắt" cần tháo gỡ.
Lấy ví dụ về chính sách liên quan đến cơ sở vật chất, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) Đặng Hà Việt chia sẻ, với các nước phát triển, khi quy hoạch khu dân cư có quy hoạch riêng đất cho thể thao dành cho các hoạt động kinh doanh thể thao, cho người dân có chỗ tập luyện. Tuy nhiên, điều này ở Việt Nam vẫn còn hạn chế ngay cả đối với những môn nhận được sự đầu tư, quan tâm lớn như bóng đá.
"Bóng đá là môn thể thao chuyên nghiệp. Nhưng tại sân Hàng Đẫy hiện tại có tới 3 CLB chuyên nghiệp cùng thi đấu. Theo quy định, các CLB chuyên nghiệp phải có cơ sở vật chất nhưng chúng ta chưa có cơ chế chính sách để giao cho các CLB" – ông Đặng Hà Việt nói.
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết thêm, theo quy định ở một số quốc gia, những khu đất dành cho thể thao có thể xây sân vận động. Sau đó các Liên đoàn, hiệp hội hoặc CLB chuyên nghiệp cùng các đơn vị kinh doanh thể thao sẽ tiến hành thuê lại và sử dụng.
"Chúng ta đang có cơ chế là cơ sở vật chất đầu tư công nhưng quản trị tư. Do vậy, để triển khai việc sử dụng sẽ rất khó khăn. Liên quan đến đối tác công tư về thể thao đang vướng vì ngành văn hóa thể thao chưa được quy định trong Luật hợp tác công tư. Do đó, các CLB chuyên nghiệp không có sân, không có cơ sở vật chất thì không phát triển được kinh doanh thể thao dẫn đến thất thu" – ông Đặng Hà Việt nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ xã hội (Ban Kinh tế Trung ương), thông qua những ý kiến về việc gỡ bỏ "nút thắt" trong việc phát triển kinh tế thể thao sẽ đưa ra những giải pháp phù hợp, từ đó, làm cơ sở, đề xuất chính sách phát triển kinh tế thể thao Việt Nam, đồng thời là những gợi mở quan trọng đến công tác quản lý ngành và giúp cho các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia vào thị trường kinh tế thể thao trong thời gian tới.
"Vấn đề về đầu tư cho kinh tế thể thao từ Nhà nước và xã hội, việc khai thác các hiệu quả các thiết chế thể thao, phát triển các Liên đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp thể thao, làm rõ hơn vai trò của các công ty môi giới, tổ chức sự kiện, kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế thể thao. Để từ đó, chúng ta rút ra những giải pháp phù hợp cho phát triển kinh tế thể thao Việt Nam, thúc đẩy khát vọng, tạo sự phát triển cho kinh tế thể thao Việt Nam, trở thành ngành cho đóng góp lớn vào GDP nước nhà, và dần khẳng định vị trí của thể thao trong nền kinh tế quốc dân" – ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định./.
Hướng đi nào cho kinh tế thể thao Việt Nam (Bài 2): Khán giả là yếu tố quyết định