• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hướng tới đẩy Trung Đông xích lại châu Á: Đại kế hoạch cạnh tranh với siêu cường?

Thế giới 09/06/2022 10:59

(Tổ Quốc) - Chuyến công du vào tháng Bảy của Tổng thống Mỹ tới Israel và Vịnh Ba Tư mang đến một cơ hội đáng kể để đưa hai khu vực này xích lại.

Sau khi Washington tuyên bố xoay trục sang châu Á với nhiều sự chú ý vào năm 2011, thì Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mất tới 18 tháng từ khi nhậm chức để đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc vào tháng trước.

Và trong khi chuyến thăm được mong đợi nhiều của ông Biden tới Trung Đông, bao gồm cả Saudi Arabia và Israel, đã bị hoãn lại cho đến tháng 7, đây sẽ là cơ hội để Washington thiết lập lại mối quan hệ với các đồng minh quan trọng ở Vịnh Ba Tư, hồi sinh Hiệp ước Abraham giữa Israel và bốn quốc gia Ả Rập và thúc đẩy một chương trình nghị sự tích cực cho khu vực.

Mỹ cần Trung Đông vào thời điểm khó khăn

Chuyến thăm của ông Biden diễn ra vào thời điểm chính quyền của ông đang tập trung vào việc kiềm chế tác động của cuộc xung đột của Nga ở Ukraine và đang thực hiện các biện pháp cạnh tranh với Trung Quốc, bao gồm cả việc tạo động lực mới cho Nhóm Quad, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, cũng như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF).

Khi xung đột ở Ukraine vẫn tiếp tục, Washington nhanh chóng nhận ra rằng họ vẫn cần Saudi Arabia và các nhà sản xuất năng lượng khác trong khu vực cung cấp các giải pháp thay thế cho nguồn cung cấp nhiên liệu của Nga.

Việc các đồng minh của Mỹ trong khu vực từ chối đứng về phía nào trong xung đột ở Ukraine bất chấp yêu cầu của Washington là một dấu hiệu khác cho thấy ảnh hưởng của Mỹ đang suy yếu và tạo cơ hội cho Trung Quốc và các cường quốc khác.

Khoảng cách ngày càng tăng giữa Mỹ và các đồng minh trong khu vực đã được thể hiện tại hội nghị thượng đỉnh Negev ở Israel vào tháng 3, khi ngoại trưởng Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Morocco và Israel bày tỏ sự không hài lòng về chính sách Trung Đông của Washington, đặc biệt là đối với Iran.

Hướng tới đẩy Trung Đông xích lại châu Á: Đại kế hoạch cạnh tranh với siêu cường? - Ảnh 1.

Thượng đỉnh Negev đã cho thấy sự không hài lòng của Trung Đông với Mỹ. Ảnh: Reuters.

Ngoài việc đưa ra lời trấn an rằng Washington nghiêm túc trong việc kiểm soát Iran, chuyến thăm Trung Đông của ông Biden lần này sẽ mang đến một cơ hội khác để xóa tan quan niệm phổ biến rằng Mỹ đang giảm thiểu dấu ấn trong khu vực.

Ông Biden cũng có thể sử dụng chuyến thăm này để khơi thông mối quan hệ của mình với các nhà lãnh đạo của Saudi Arabia và UAE, hướng tới thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Jerusalem và Riyadh, và xem xét lại vấn đề tái cơ cấu khu vực gần đây – điều ảnh hưởng trực tiếp đến sức ảnh hưởng khu vực của Washington.

Thúc đẩy các sáng kiến hợp tác

Bên cạnh đó, sẽ có thêm cơ hội để Mỹ đóng một vai trò độc đáo, nhưng có lẽ hiệu quả hơn, trong khu vực và hơn thế nữa. Điều này liên quan đến việc Washington đang nỗ lực thúc đẩy các sáng kiến hợp tác Trung Đông- châu Á, hướng đến chứng tỏ với các đối tác Mỹ ở Trung Đông rằng sự tập trung ngày càng tăng vào châu Á của Washington không dẫn đến việc nước này bỏ rơi Trung Đông.

Một trong những sáng kiến như vậy là khối "đối tác vì tương lai" bao gồm Israel, Ấn Độ, UAE, Mỹ - được gọi là Tứ giác Trung Đông. Việc ký kết các thỏa thuận thương mại Ấn Độ-UAE và Israel-UAE lần lượt vào tháng 2 và tháng 5 cũng đã tạo cơ sở vững chắc cho việc mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Trong khi quan hệ UAE-Israel bắt đầu khởi sắc vào năm 2020, quan hệ UAE-Ấn Độ đã được nối lại sau chuyến thăm của ông Narendra Modi tới UAE vào năm 2015, chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ tới đây sau 32 năm. Tương tự, hợp tác chiến lược Israel-Ấn Độ đã tiến triển nhanh chóng kể từ chuyến thăm Israel năm 2017 của ông Modi, cũng là lần đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ.

Thực hiện một cách tiếp cận đột phá để tiếp tục những cơ hội mới, Mỹ có thể thúc đẩy một hiệp định thương mại ba bên UAE-Ấn Độ-Israel hoặc thậm chí một hiệp định thương mại bao gồm ba bên đó và Washington.

Chương trình này có thể giúp giảm bớt các nút thắt về quy định thương mại hiện tại và mở rộng đáng kể khối lượng thương mại vốn đã và đang tăng lên giữa các bên. Kịch bản này cũng sẽ khuyến khích việc mở rộng nhóm liên kết hiện tại hoặc hình thành các nhóm khác như vậy ở Trung Đông và Châu Á.

Trong khi Washington có thể thúc đẩy sáng kiến này, ba quốc gia còn lại đang phấn đấu trở thành cường quốc tầm trung với tổng sản phẩm quốc nội tổng hợp gần 4 nghìn tỷ USD. Tham vọng chiến lược của Ấn Độ phù hợp với tham vọng của đất nước khởi nghiệp Israel và UAE đang mở rộng quy mô.

Trong tương lai, UAE, Ấn Độ và Israel có thể dẫn đầu và tạo ra các quan hệ đối tác mới, linh hoạt và dựa trên từng vấn đề, bổ sung thêm các thành viên mới, bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc.

Học viện Ngoại giao Quốc tế Abba Eban của Israel và Học viện Ngoại giao Anwar Gargash của UAE đã thực hiện những bước đi mới mẻ nhằm tìm ra cơ hội hợp tác với hai quốc gia Đông Á này. Với cách tiếp cận rộng hơn, Mỹ có thể cố gắng mở rộng IPEF để bao gồm UAE cũng như các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư và Israel.

Đây là một tầm nhìn đầy tham vọng, nhưng những động thái như vậy với khu vực Trung Đông và châu Á cho thấy Washington đang tăng gấp đôi nỗ lực để trấn an các đồng minh rằng họ vẫn là một sức ảnh hưởng thiết yếu của cấu trúc khu vực, theo nhận định của Nikkei Asia.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ