(Tổ Quốc) - Theo tin từ Bloomberg, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 6/4 cảnh báo rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới đang ở mức thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết trong một bài phát biểu tại Washington rằng Quỹ này đánh giá nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong nửa thập kỷ tới. Đây là dự báo tăng trưởng trung hạn thấp nhất kể từ năm 1990 và thậm chí thấp hơn mức trung bình 3,8% của các giai đoạn 5 năm trong hai thập kỷ qua.
Bà Georgieva cho biết từ năm 2023, GDP toàn cầu có thể sẽ tăng chưa đầy 3%, tương đồng với dự báo hồi tháng 1 của quỹ này là 2,9%.
Theo nhận định của IMF, khoảng 90% các nền kinh tế phát triển sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm lại vào năm 2023 do chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, nhu cầu tiêu dùng giảm và hoạt động kinh tế ở Mỹ và khu vực đồng euro chậm lại. IMF cũng có kế hoạch phát hành một báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới chi tiết hơn vào ngày 11/4 khi họ tổ chức các kỳ họp mùa xuân cùng Ngân hàng Thế giới.
Cuộc khủng hoảng Ukraine và Nga đã làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lạm phát toàn cầu và khiến tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng hơn trên toàn thế giới.
Bà Georgieva cho biết: "Trong bối cảnh nhiều căng thẳng địa chính trị gia tăng, lạm phát ở mức cao, tương đối khó để kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Tình hình này làm suy giảm triển vọng tăng trưởng của tất cả các nước, đặc biệt là đối với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và những người khó khăn nhất".
Sự phân mảnh địa chính trị
Theo Bloomberg, nền kinh tế toàn cầu sẽ có sự phân mảnh. Một số thị trường mới nổi đang có sự phát triển tốt, đặc biệt là ở châu Á. Trong đó, Ấn Độ và Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm một nửa đà tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia có thu nhập thấp đang gặp khó khăn do nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của họ giảm đi và mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của họ sẽ thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế mới nổi.
Nghèo đói, vốn gia tăng trong đại dịch Covid-19, cũng có thể trầm trọng hơn trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn. Theo bà Georgieva, trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kém, kinh tế sẽ còn ảm đạm hơn khi các ngân hàng trung ương vẫn phải tiếp tục tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát và để đối phó với những biến động gần đây trong hệ thống ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ.
Bà Georgieva cho rằng nếu hệ thống ngân hàng trở nên bất ổn, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi vừa muốn bảo vệ hệ thống tài chính và vừa muốn ngăn chặn lạm phát.
Thông điệp rõ ràng của bà Georgieva được đưa ra chỉ một ngày sau khi IMF cảnh báo rằng sự phân mảnh địa chính trị, do căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, có nguy cơ gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.
Bà lặp lại lời cảnh báo từ tháng 1 rằng sự phân mảnh thương mại trong dài hạn, bao gồm việc hạn chế di cư, dòng vốn và sự hợp tác quốc tế, có thể khiến GDP toàn cầu giảm đi 7% - tương đương khoảng 7 nghìn tỷ USD.
Đặc biệt, sự gián đoạn trong giao thương công nghệ có thể khiến 1 số quốc gia thiệt hại tới 12% GDP, Giám đốc IMF cảnh báo.
Hệ lụy từ căng thẳng Mỹ - Trung
Trong năm 2022, cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine phần nào khiến lạm phát vốn đã cao ở nhiều quốc gia tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Sự khăng khít giữa Trung Quốc và Nga cũng phần nào làm xấu đi sự hợp tác giữa Washington và Bắc Kinh.
Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xấu đi trong những năm gần đây, đặc biệt là dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, người đã khơi mào một cuộc chiến thương mại dẫn đến việc hai bên áp đặt thuế quan hàng hóa trên diện rộng vào nhau. Và sau đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn duy trì đường lối quan hệ cứng rắn với Trung Quốc, chủ yếu tập trung vào các mối quan ngại về kinh tế và an ninh quốc gia.
Vào năm 2022, Washington đã triển khai các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt đối với công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc và tiếp tục nhắm mục tiêu vào Huawei Technologies, công ty hàng đầu về cơ sở hạ tầng viễn thông bị Mỹ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Mới tuần trước, Bắc Kinh cũng đã thể hiện lập trường cứng rắn về vấn đề công nghệ khi đưa ra bản đánh giá an ninh mạng đối với hàng hóa nhập từ nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ, Micron Technology.
Trong khi đó, Mỹ cũng kêu gọi các công ty nước này chuyển đổi đơn vị cung cấp, hướng đến các quốc gia thân thiết và gần với Mỹ hơn.
Trước tình cảnh này, bà Georgieva tiếp tục kêu gọi các quốc gia nên thực tế trong việc tăng cường chuỗi cung ứng. Bà cũng lặp lại lời kêu gọi các thành viên IMF xóa nợ cho các quốc gia đang gặp khó khăn và góp phần tạo niềm tin cho các quốc gia nghèo nhất.