• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

IMF đánh giá những chuyển động tích cực của Việt Nam giúp hàng triệu người dân thoát nghèo

Thế giới 09/10/2023 16:16

(Tổ Quốc) - Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hành trình đáng chú ý của Việt Nam từ quốc gia có thu nhập thấp lên trung bình đã đưa 40 triệu người dân thoát nghèo từ năm 1993 đến năm 2014. Trong khoảng thời gian đó, tỷ lệ nghèo đã giảm từ gần 60% xuống còn 14%.

Vào đầu những năm 1980, Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo trên thế giới, vẫn đang nỗ lực hồi phục từng ngày sau nhiều thập kỷ chiến tranh. Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung của đất nước thậm chí còn không thể đảm bảo cung ứng hàng tiêu dùng cơ bản cho người dân.

IMF đánh giá những chuyển động tích cực của Việt Nam giúp hàng triệu người dân thoát nghèo - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Vào cuối những năm 1980, Việt Nam mở cửa hội nhập với kinh tế thế giới sau hơn một thập kỷ vận hành theo kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Tín hiệu bắt đầu thay đổi theo chiều hướng tích cực rõ nét hơn là vào năm 1986, với sự khởi đầu của một chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng được gọi là Đổi Mới. Chỉ trong vòng vài năm, doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ và dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng cường vào Việt Nam.

Chương trình Đổi Mới đã thực hiện nhiều chiến lược hiệu quả để xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là tập trung vào việc kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua mở cửa thương mại.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hành trình đáng chú ý của Việt Nam từ quốc gia có thu nhập thấp lên trung bình đã đưa 40 triệu người dân thoát nghèo từ năm 1993 đến năm 2014. Trong khoảng thời gian đó, tỷ lệ nghèo đã giảm từ gần 60% xuống còn 14%.

Tăng trưởng bình quân theo đầu người kể từ năm 1990 đạt trung bình 5,6% một năm tính đến năm 2017. Giáo dục tại Việt Nam hiện đảm bảo tốt hơn và người dân có tuổi thọ cao hơn so với công dân của hầu hết các quốc gia có mức thu nhập tương tự. Hầu hết các hộ gia đình Việt Nam đều có điện, tăng từ mức chưa đến một nửa vào năm 1993.

Hỗ trợ quốc tế

Với dân số hiện có dân số khoảng 97 triệu người (cập nhật vào năm 2021), sự chuyển động tích cực của đất nước phần lớn là nhờ vào sự quyết tâm của hệ thống chính trị và sự chăm chỉ của người dân.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tìm kiếm và nhận được hỗ trợ tài chính cũng như kỹ thuật từ chính phủ các nước và tổ chức nước ngoài, bao gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Những cố vấn của IMF đã giúp Việt Nam cải thiện hành chính công, chính sách thuế, ngân hàng và thu thập số liệu thống kê. Các đánh giá trọn vẹn của IMF về nền kinh tế đã giúp Việt Nam đã cải thiện xếp hạng tín dụng, thu hút đầu tư nước ngoài.

"Hợp tác với IMF có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn bộ quá trình cải cách kinh tế của đất nước. Nếu không có sự ổn định vĩ mô thì không thể có thành tích giảm nghèo tốt", Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết.

Vào những năm 1980, Việt Nam đã rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế. Nhiệm vụ đầu tiên đặt ra là phải ổn định kinh tế, nghĩa là nới lỏng kiểm soát giá cả, tăng lãi suất, hạn chế trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả.

Đến năm 1993, lạm phát đã giảm xuống mức khoảng 8% hàng năm, từ mức 300-400% mỗi năm vào giữa đến cuối những năm 1980.

Bên cạnh đó, đất nước chuyển sang hệ thống sở hữu tư nhân, bắt đầu từ lĩnh vực lớn nhất là nông nghiệp. Các trang trại hợp tác xã bị giải thể và các hộ gia đình được trao quyền sử dụng đất.

Với sự khuyến khích của thị trường, sản lượng lương thực đã tăng vọt. Chính phủ đã đặt nền móng pháp lý cho các công ty tư nhân và trao cho các doanh nghiệp nhà nước nhiều quyền tự do hơn trong việc đưa ra các quyết định về sản xuất, tuyển dụng và giá cả.

Cuối cùng, mở cửa đất nước đã tạo dòng vốn đầu tư nước ngoài thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo việc làm. Việt Nam đã chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1995 và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007, đây là bước ngoặt kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn hơn nhiều.

Tạo đà bứt phá

Bằng cách chấm dứt các hạn chế về thương mại và đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu hút các công ty lớn như Samsung của Hàn Quốc, vốn xem đất nước này là điểm đến có lực lượng lao động được đào tạo tốt và mức lương thấp, là nền tảng hấp dẫn cho sản xuất và xuất khẩu.

Samsung bắt đầu sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam vào năm 2009. Hiện hãng đã và đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam về điện thoại, TV, máy tính và nhiều hàng hóa khác.

Ngoài ra, Vinamilk, khởi đầu là một công ty sản xuất sữa nhỏ vào năm 1976, hiện là công ty dẫn đầu ngành sữa trong nước với doanh thu hàng năm rất lớn, phát triển mạnh về xuất khẩu. Vinamilk hiện đầu tư vào nhiều thị trường khác như Campuchia, New Zealand, Ba Lan và Hoa Kỳ. Cổ phiếu của công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam từ năm 2003 mặc dù nhà nước vẫn sở hữu lượng cổ phần lớn.

Mặc dù Việt Nam tiếp tục đạt được những bước tiến lớn nhưng vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã dẫn đến ô nhiễm không khí, nước và nạn phá rừng. Với tỷ lệ người dân tập trung cao dọc theo bờ biển dài 3.260 km (2,2026 dặm), Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia được coi là có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu.

Theo IMF, sự thay đổi nhân khẩu học đặt ra một thách thức mới tại quốc gia Đông Nam Á. Dân số Việt Nam tuy vẫn còn tương đối trẻ nhưng sẽ bắt đầu già đi trong vài thập kỷ tới. Điều đó có nghĩa là lực lượng lao động sẽ tăng chậm hơn, đóng góp ít hơn vào tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, đất nước sẽ phải chịu chi phí chăm sóc người cao tuổi ngày càng tăng vào thời điểm thu nhập bình quân đầu người có thể vẫn tương đối thấp. Theo các nhà quan sát, Việt Nam đã được hưởng lợi tức dân số trẻ trong hai thập kỷ qua, nhưng cơ hội nhân khẩu học sẽ khó đảm bảo mãi mãi.

"Giải pháp sẽ là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng bằng cách cải thiện năng suất - số lượng mà mỗi công nhân có thể sản xuất trong một giờ. Đó là mục tiêu của thế hệ cải cách thứ hai sau chương trình Đổi Mới để thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai.

"Các kế hoạch bao gồm bổ sung vốn mới cho một số ngân hàng, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế và tiếp tục hợp lý hóa các quy định kinh doanh", IMF đưa ra gợi ý.

Theo IMF, nếu Việt Nam có thể theo đuổi thế hệ cải cách thứ hai thì có cơ hội sánh ngang với các quốc gia con hổ châu Á thành công khách như Hàn Quốc. Việt Nam hiện đang ở vị thế rất mạnh. Quốc gia Đông Nam Á này có một nền kinh tế rất năng động và dễ dàng để tích hợp vào hệ thống toàn cầu. Đây cũng được xem là bước bứt phá giúp đất nước thoát nghèo bền vững, hội nhập quốc tế ở vị thế ngày càng giàu mạnh hơn./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ