• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

IMF đưa ra cảnh báo kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng

Thế giới 14/10/2022 07:48

(Tổ Quốc) - IMF dự đoán, lạm phát toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) một lần nữa hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu với lời cảnh báo đanh thép: "Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái".

Theo hãng tin CNN, mới đây, IMF dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống 2,7% trong năm tới, thậm chí có thể giảm xuống dưới 2% với xác suất 25%. Trong khi đó, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%.

Dự báo cho năm tới thấp hơn 0,2 điểm % so với triển vọng tháng 7 của IMF.

Nhà kinh tế trưởng IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, cho biết: "Tăng trưởng của hơn 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm trong năm nay hoặc năm sau, trong khi ba nền kinh tế lớn nhất - Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc - sẽ tiếp tục đình trệ" .

Triển vọng của nền kinh tế toàn cầu như IMF dự báo yếu mức thứ 3 kể từ năm 2001, chỉ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19. Tăng trưởng toàn cầu đã giảm xuống dưới 2% chỉ năm lần kể từ năm 1970.

IMF dự đoán, lạm phát toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay, nhưng sẽ "tiếp tục tăng trong thời gian dài hơn dự kiến trước đây", ngay cả khi các ngân hàng trung ương đang nỗ lực để kiểm soát nó.

IMF đưa ra cảnh báo suy thoái kinh tế nghiêm trọng - Ảnh 1.

IFM cho biết đánh giá thấp "sức khỏe" của nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: Getty

Lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 4,7% vào năm 2021 lên 8,8% trong năm nay. Sau đó, dự báo sẽ giảm trở lại 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024.

Các ngân hàng trung ương lớn đặt mục tiêu lạm phát gần 2% và đã tăng lãi suất trong nỗ lực hạn chế việc tăng giá. Nhưng cách làm này cũng đang thúc đẩy rủi ro cho nền kinh tế.

"Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới hiện đang tập trung vào việc khôi phục sự ổn định giá cả và tốc độ thắt chặt đã tăng nhanh", ông Gourinchas nói. "Nhưng lại tồn tại rủi ro của cả việc thắt chặt không đủ và thắt chặt quá mức".

Nền kinh tế mới nổi cần sẵn sàng

Tuần trước, Hội nghị Phát triển Thương mại của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn có thể gây ra thiệt hại tồi tệ hơn trên toàn cầu so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cú sốc Covid-19 vào năm 2020.

IMF cho rằng lãi suất cao tuy là cần thiết nhưng đang tạo ra sự bất ổn, đặc biệt là đối với các thị trường mới nổi có mức nợ cao.

"Khi nền kinh tế toàn cầu đang lao vào 'vùng nước xoáy', một cơn bão tài chính có khả năng bùng phát, khiến các nhà đầu tư tìm kiếm sự bảo vệ cho các khoản đầu tư trú ẩn an toàn như Kho bạc Mỹ và đẩy đồng USD lên cao hơn", IMF nêu rõ. "Giờ là lúc các nhà hoạch định chính sách thị trường mới nổi cần chuẩn bị sẵn sàng".

Các dự báo mới nhất bao gồm một số sự sụt giảm đáng chú ý của các nền kinh tế lớn. Mỹ hiện dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 1,6% trong năm nay và chỉ 1% vào năm 2023.

Tăng trưởng ở Trung Quốc cũng đã được điều chỉnh thấp hơn, xuống còn 3,2% vào năm 2022 và 4,4% vào năm 2023. 

Trong khi đó, theo IMF, tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung euro dự kiến sẽ chỉ tăng 0,5% vào năm 2023 do các yếu tố bao gồm xung đột Ukraine, lạm phát kỷ lục và tác động tiếp tục của đại dịch COVID-19.

Đức, cường quốc kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), hiện dự kiến sẽ tăng trưởng âm, -0,3% cũng như Ý -0,2%. Triển vọng đối với Pháp và Tây Ban Nha vẫn tích cực mặc dù thấp hơn dự báo tháng 7 với GDP hàng năm hiện lần lượt ở mức 0,7% và 1,2%.

An An

NỔI BẬT TRANG CHỦ