• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

IMF hạ dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2023

Thế giới 12/10/2022 19:04

(Tổ Quốc) - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới vào năm 2023, trong đó có lưu ý các thách thức từ căng thẳng leo thang ở Ukraine, áp lực lạm phát dai dẳng, lãi suất tăng và hậu quả kéo dài của đại dịch trên toàn cầu.

Theo hãng tin AP, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống mức 2,7% trong năm 2023, thấp hơn so với dự báo vào tháng 7/2022 là 2,9%. Trong khi đó, IMF không thay đổi dự báo về tăng trưởng quốc tế trong năm nay, giữ mức 3,2% nhưng giảm tốc mạnh so với 6% trong năm ngoái.

IMF hạ dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 - Ảnh 1.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristanlina Georgieva. Ảnh: AP

"Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Cả ba nền kinh tế lớn là Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đang chững lại. Những nền kinh tế này - từng đóng góp 1/3 tổng sản lượng kinh tế toàn cầu - sẽ bị thu hẹp vào năm tới. Dự báo cho thấy rằng năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái đối với nhiều nơi trên thế giới", Nhà kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas nói.

Trong báo cáo mới nhất, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm nay sẽ là 1,6%, giảm 0,7 điểm % so với dự báo trước. IMF cũng ước tính tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt 3,2% trong năm 2022, giảm mạnh so với mức 8,1% của năm ngoái.

Trong khi đó, nền kinh tế của 19 quốc gia châu Âu sử dụng chung đồng euro sẽ quay cuồng với giá năng lượng cao ngất ngưởng và dự báo tăng trưởng chỉ đạt 0,5% trong năm 2023.

Theo AP, kinh tế thế giới đã trải qua thời gian khó khăn kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020. Đầu tiên là đại dịch và các đợt phong tỏa đã khiến kinh tế rơi vào bế tắc và sau đó là chi tiêu chính phủ lớn và tỷ lệ lãi vay cực thấp do Cục Dự trữ liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác điều chỉnh nhằm kích thích hồi phục kinh tế nhanh chóng.

Tuy nhiên, hoạt động này đã khiến nền kinh tế phải trả giá đắt. Các nhà máy, cảng và bãi vận chuyển hàng hóa đã bị choáng ngợp trước nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ đối với hàng hóa sản xuất, đặc biệt là Mỹ, dẫn đến sự chậm trễ, thiếu hụt và giá cả cao.

Phản ứng lại, FED và các ngân hàng trung ương khác đã đảo ngược chính sách, liên tục tăng lãi suất đáng kể, gây ra nguy cơ giảm tốc mạnh và có khả năng xảy ra suy thoái. Tỷ giá đồng đô la Mỹ cao hơn cũng đã khiến các nhà đầu tư tìm đến các quốc gia khác.

Ở các nước khác ngoài Mỹ, đồng USD tăng mạnh khiến hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là dầu trở nên đắt đỏ hơn, tăng áp lực lên lạm phát toàn cầu. Trạng thái này cũng buộc họ phải tăng tỷ giá - và tạo áp lực lên nền kinh tế quốc gia với chi phí đi vay cao hơn – để bảo vệ đồng tiền.

"FED quá mạnh tay có thể đẩy kinh tế thế giới rơi vào sự co thắt khắc nghiệt không cần thiết", Maurice Obsfeld, một cựu kinh tế gia trưởng của IMF tại Đại học California, Berkeley nhận định.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ