In vải bằng sáp ong, nét đẹp văn hóa của đồng bào Dao Tiền Phú Thọ
Thực hiện: Vy Liên | 02/08/2023
(Tổ Quốc) - In vải bằng sáp ong là nét đẹp văn hóa truyền thống tại xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Văn hóa truyền thống này được địa phương và đồng bào dân tộc lưu truyền và chú trọng.
Hiện nay, đồng bào dân tộc Dao chiếm 50,3% tổng dân số xã Xuân Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ. Trang phục truyền thống dân tộc Dao là một trong những nét văn hóa truyền thống được địa phương và đồng bào lưu giữ. Trang phục này được người dân sử dụng trong những dịp quan trọng như lễ, tết, cưới, hỏi...Trang phục không chỉ kì công mà còn thể hiện sự tinh tế trong việc kết hợp hài hòa những màu sắc của núi rừng.
Để hoàn thiện bộ trang phục độc đáo, người dân dùng sáp ong để vẽ lên những họa tiết trang trí. Đây là cách làm lâu đời đòi hỏi sự kì công, tỉ mỉ từ tìm nguyên liệu đến in những họa tiết lên vải.
Sáp ong được lấy từ những tổ mật ong rừng quý hiếm. Tổ ong sau khi mang về nhà được tách mật, đun sôi phần sáp sau đó lọc lấy nước, rồi tiếp tục đun cho đến khi nước cô đặc lại, để nguội khoảng 2 – 3 ngày cho đến khi tạo thành một khối sáp mịn. Sáp ong để in hoa văn trên vải cần phải có độ loãng cần thiết, nếu đặc quá thì sáp ong không ăn vải, nếu loãng quá khi in hoa văn sẽ bị nhòe, độ bám không tốt.
Khi in vải, phần sáp ong được đun nóng bằng than củi với nhiệt độ phù hợp để sáp ong tan từ từ và đảm bảo chảy đều trong suốt quá trình vẽ.
Trang phục truyền thống của người Dao Tiền đòi hỏi sự kì công và mang dấu ấn cá nhân cao. Họa tiết trang trí là sự mô phỏng các hình tượng của thiên nhiên. Qua những đôi tay khéo léo thiên nhiên được chắt lọc, cách điệu theo tâm thức, tưởng tượng, ước lệ các họa tiết, tạo thành nét cơ bản trong trang trí hoa văn bằng các đường diềm hình chữ tam giác, hình thoi, hình vuông...
Các họa tiết hoa văn đẹp mắt như họa tiết hình học, cỏ, cây, hoa, lá...được ước lệ mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng cũng như khát vọng về cuộc sống hạnh phúc, phồn thịnh của dân tộc Dao Tiền.
Dùng ống nứa để tạo họa tiết hình tròn.
In vải bằng sáp ong là một trong những công đoạn quan trọng để những phụ nữ Dao Tiền làm nên sự đặc sắc chiếc váy của mình. Để hoàn thiện một chiếc váy phải mất thời gian gần 2 tháng. Sau khi vẽ xong vải được ngâm, luộc trong nước nóng và ngâm chàm, sau đó phơi ở nơi mát đến khô thì mới đem ra phơi nắng. Khi hoàn thiện những họa tiết được chấm từ sáp ong nổi đều màu trắng trên bề mặt tấm vải chàm, có màu xanh tím than.
Chị Đặng Thị Điện chia sẻ: "Trước kia người dân trong bản ai cũng biết làm công việc này, những năm gần đây việc sử dụng trang phục không thường xuyên như các đời trước mà chỉ dùng vào những dịp quan trọng. Chúng tôi rất tự hào về bản sắc truyền thống của dân tộc mình. Để giữ gìn những giá trị đó chúng tôi luôn gìn giữ và truyền đạt lại cho thế hệ sau bằng những bộ trang phục, những câu chuyện để các con cháu luôn yêu giá trị văn hóa truyền thống của cha ông nhiều đời để lại".
Trang phục truyền thống người Dao Tiền, xóm Cỏi, Xuân Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ là một nét đẹp văn hóa được kết tinh từ truyền thống lâu đời của đồng bào sống ở vùng lõi của Vườn Quốc Gia Xuân Sơn. Hiện nay, địa phương cũng như người dân vẫn tiếp tục lưu giữ văn hóa này. Đây cũng là một trong những nét đặc sắc, là tiềm năng trong việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của Xuân Sơn.