• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Indonesia đón đầu bước ngoặt lớn trong cải cách kinh tế

Thế giới 30/05/2023 11:13

(Tổ Quốc) - Theo trang Asia Times, đại dịch Covid-19 đã giúp nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á phải định hình lại "vận mệnh kinh tế" trong nước mà không cần huy động vốn nước ngoài.

Dịch bệnh Covid-19 đã đặt ra thách thức kinh tế to lớn đối với nền kinh tế mới nổi như Indonesia nhưng cũng đánh dấu bước ngoặt cho những nỗ lực cải cách kinh tế. Cuộc khủng hoảng đã giúp Indonesia giảm đi sự phụ thuộc vào dòng vốn nước ngoài không ổn định và suy nghĩ lại lộ trình tăng trưởng kinh tế.

Indonesia đón đầu bước ngoặt lớn trong cải cách kinh tế  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Asia Times

Trong thời gian xảy ra đại dịch, Indonesia không hề bị phụ thuộc vào vốn nước ngoài khi hầu hết các nhà đầu tư toàn cầu tháo chạy khỏi trái phiếu và vốn chủ sở hữu của các thị trường mới nổi. Đồng thời, nhu cầu trong nước giảm đi làm giảm nhập khẩu và tiết kiệm quốc gia tương đối lớn cũng đã cải thiện vấn đề thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia.

Vấn đề thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia bắt nguồn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không đủ. Vào năm 2021, dòng vốn FDI của Indonesia chỉ bằng 1,8% GDP, so với 4,3% của Việt Nam và 5% của Malaysia.

Trong khi đó, thị trường tài chính trong nước không đủ để huy động đủ tiền tiết kiệm nhằm tài trợ nhu cầu đầu tư của đất nước. Trong các chu kỳ biến động toàn cầu trước đây, dòng vốn nước ngoài chảy đi đã làm mất giá đáng kể đồng rupiah của Indonesia, gây ra khủng hoảng thanh khoản trong hệ thống tài chính. Diễn biến này đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, làm tăng gánh nặng nợ của Chính phủ và khu vực doanh nghiệp, tạo ra áp lực lạm phát và tăng chi phí tài trợ cũng như nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Những nỗ lực cải cách kinh tế để xử lý vấn đề thông qua thu hẹp thâm hụt tài khoản đã gặp phải nhiều thách thức. Trong những năm trước, giảm thâm hụt tài khoản vãng lai thường có nghĩa là làm chậm lại tiêu dùng trong nước và nhập khẩu, và dẫn đến kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Chính sách cải cách mới

Trước những vấn đề nêu trên, Chính phủ Indonesia đã nhanh chóng thực hiện các cải cách chính sách và mang lại một phần kết quả. Đầu tiên là cải cách nền kinh tế. Chính phủ đã thông qua luật Omnibus vào tháng 11/2020 nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh và khuyến khích tăng trưởng của các ngành sử dụng nhiều lao động. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã thúc đẩy chính phủ ban hành một loạt chính sách, bao gồm cấm xuất khẩu nguyên liệu thô. Các chính sách này đã góp phần vào việc tăng xuất khẩu các sản phẩm phái sinh niken trong giai đoạn 2011–2022 và kích thích tăng trưởng kinh tế ở nhiều địa phương.

Thứ hai là cải cách khu vực tài chính. Chính phủ Indonesia đã thông qua dự luật tổng hợp tài chính mới để cải thiện độ tin cậy của hệ thống tài chính, mở rộng và đào sâu thị trường tài chính trong nước, hỗ trợ phát triển công nghệ mới và làm rõ các biện pháp ứng phó với khủng hoảng.

Các kế hoạch cũng đã được đưa ra để tái cấu trúc toàn bộ hệ thống tài chính phi ngân hàng sau sự sụp đổ của một công ty bảo hiểm lớn thuộc sở hữu nhà nước vào năm 2020. Thị trường trái phiếu địa phương đã tăng trưởng đáng kể từ sau đại dịch. Các ngân hàng trong nước đang có xu hướng nắm giữ một lượng lớn trái phiếu chính phủ do nhu cầu tín dụng sụt giảm, thúc đẩy đáng kể tỷ lệ sở hữu trong nước. Chiến dịch thành công của Bộ Tài chính Indonesia nhằm thúc đẩy các nhà đầu tư hiểu biết trong nước mua trái phiếu chính phủ bán lẻ đã huy động thêm tiền tiết kiệm của người tiêu dùng và cải thiện năng lực thị trường.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương Indonesia cũng đã hạn chế tác động của thị trường ngoại hối đối với tình hình trong nước. Các công cụ phái sinh mới đã thành công trong việc thúc đẩy kỳ vọng của thị trường trước biến động của đồng nội tệ và giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng thanh khoản đồng đô la toàn cầu, ngân hàng trung ương đã tăng cường nỗ lực phổ biến các khoản thanh toán bằng đồng nội tệ (LCS) - một chương trình khuyến khích sử dụng đồng nội tệ để thanh toán các giao dịch song phương với các đối tác thương mại chính của Indonesia.

Ngân hàng trung ương cũng đã tìm cách giảm sự phụ thuộc của Indonesia vào các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài bằng cách tung ra một cổng thẻ tín dụng quốc gia mới. Ngân hàng Indonesia cũng đã chấp nhận số hóa. Tiêu chuẩn QR của Indonesia đã trở nên phổ biến rộng rãi với hơn 24 triệu người bán và giao dịch hàng ngày trị giá hơn 800 triệu đô la Mỹ. Từ đó đã giúp hàng triệu nhà cung cấp khu vực phi chính thức tương tác với hệ thống tài chính chính thống thông qua ngành ngân hàng kỹ thuật số đang phát triển của Indonesia. Đây có thể là mỏ vàng tiềm năng để Chính phủ gia tăng hiệu quả từ chính sách tài khóa.

"Indonesia đã tận dụng đại dịch Covid-19 và tiến hành những cải cách cơ bản để giải quyết những sai sót trước đây. Nhiệm vụ hiện tại là hoàn thành những "cải cách cơ cấu" bằng cách tăng cường tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, giảm rào cản đầu tư và cải thiện năng suất lao động cũng như tài chính toàn diện", trang Asia Times đưa ra nhận định./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ